Xã hội

Hiệu quả mô hình thùng thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ở Quỳnh Lưu

Từ trước đến nay, thói quen của nhiều nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là vỏ bao bì, chai lọ thường bị vứt bỏ bừa bãi tại các cánh đồng. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe người dân bởi dư lượng hóa chất BVTV còn sót lại trong các bao bì, chai lọ đựng thuốc. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên và nguồn kinh phí của địa phương, nhiều xã ở huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng thùng thu gom rác thải thuốc BVTV trên đồng ruộng. Bước đầu mô hình này đã cho thấy những hiệu quả nhất định.

Cánh đồng rau màu xã Quỳnh Minh


Gia đình chị Lê Thị Thảo, xóm 1, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu có 3 sào chuyên canh sản xuất rau màu các loại như hành hoa, cải ngọt, cà chua, dưa leo... Cũng như các hộ trồng rau trên địa bàn xã, mùa nào sâu ấy, mỗi vụ rau chị Thảo đều tiến hành phun các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng chống sâu bệnh như bệnh sâu tơ, bệnh thối gốc, vàng lá, khô đầu lá, bạch tạng, xoăn chùn ngọn… Các loại thuốc bảo vệ thực vật có hai dạng sử dụng là chai lọ hoặc bao bì ni lông. Trước đây phun xong thì vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật thường được chị thu gom đến lúc nhiều mới đốt hoặc chôn lấp ngay tại ruộng. Thậm chí nhiều người không có ý thức còn vứt ngay tại ruộng hoặc gần giếng nước tưới rau. Điều đó đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên từ năm 2015, được cấp trên xây dựng thùng thu gom đặt tại các xứ đồng, chị Thảo và bà con trồng rau xã Quỳnh Minh đã có ý thức bỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định. Chị Lê Thị Thảo cho biết thêm: “Phun xong thì đồ bao bì rác thải, thuốc bảo vệ thực vật mình bỏ vào thùng đó. Trước chưa có thùng thì mình bỏ vào bao bóng sát ruộng, sát giếng rồi lâu lâu mới đi vứt, hoặc cẩn thận thì đốt, chôn. Nhưng từ hồi có thùng ni đến nay rất tiện mà vệ sinh môi trường cũng an toàn hơn, độ sạch sẽ nó an toàn hơn nhiều.”

Thùng thu gom rác thải được đặt ở những vị trí thuận lợi


Nhằm thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật để xử lý an toàn, năm 2015, cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu đã được Sở tài nguyên môi trường hỗ trợ 100 thùng thu gom đặt tại các xứ đồng. Xã cũng trích kinh phí hơn 50 triệu đồng để đúc thêm 65 thùng nữa, nâng số thùng thu gom của toàn xã lên 165 thùng, đảm bảo phủ kín các cánh đồng trồng rau màu của bà con. Việc đặt các thùng thu gom cũng được xã lựa chọn vị trí phù hợp, thuận tiện đường giao thông, phân bố hợp lý, thuận lợi cho bà con khi tiến hành pha chế, xa nguồn nước, xa khu dân cư, không ảnh hưởng môi trường xung quanh. Với 135 ha chuyên canh sản xuất rau màu, hàng năm lượng bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng của xã Quỳnh Minh rất lớn. Do đó, việc xây dựng, đặt các thùng thu gom tại các xứ đồng đã góp phần nâng cao ý thức của bà con trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời hướng bà con đến việc thực hiện quy trình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Việt Gáp. Vỏ bao bì, chai lọ sau khi đã sử dụng xong sẽ được bà con tự giác thu gom vào thùng, người nào không có ý thức, vi phạm bỏ bừa bãi ngoài đồng sẽ bị mọi người nhắc nhở. Mỗi năm, lượng rác thải này sẽ được Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật thu gom vận chuyển đến địa điểm xử lý an toàn để hạn chế đến mức thấp nhất dư lượng độc hại đối với môi trường. Ông Trần Minh Lợi – cán bộ địa chính nông nghiệp xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Từ lúc có thùng này và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên ý thức người dân được nâng lên, tất cả vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng xong được gom lại đỡ hơn trước nhiều. Trước mà đi dọc đường này thấy bỏ bao rất là ngại nhưng nay đỡ rồi. Từ việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật mà ý thức phun thuốc theo quy trình cũng được nâng lên. Trước đây do nhận thức của người dân chạy về lợi nhuận nên chạy thời gian nhưng nay ý thức đã được nâng lên.”

Rác thải thuốc bảo vệ thực vật được tập trung về một chỗ góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường


Mô hình thùng thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tại Quỳnh Minh bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường từ thuốc BVTV nói riêng ở nông thôn đã và đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Do đó, mô hình này cần được phát huy và nhân rộng hơn nữa để hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường sống./.

Tác giả bài viết: Lê Nhung (Đài Quỳnh Lưu)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP