Xã hội

Hành trình người mẹ tìm con trên đất Trung Quốc

Con gái vượt biên sang bên kia biên giới tìm kế sinh nhai, chẳng may gặp phải hoạn nạn rồi qua đời khi chưa đầy 21 tuổi. Người mẹ đã không quản ngại gian nan, vất vả trên chặng đường xa để đưa tro cốt của con về với quê nhà. Đó là câu chuyện của chị Trần Thị Hòa ở xóm 10, xã Hội Sơn, Anh Sơn, Nghệ An).

Một nữ lao động Nghệ An bị đâm chết tại Trung Quốc


Cái chết nơi xứ người

Khi chúng tôi tìm đến, chị đang hái chè một mình, dáng vẻ mệt mỏi, nét mặt đầy lo âu kèm theo những tiếng thở dài não nuột. Khi chúng tôi hỏi về cái chết của Nguyễn Thị Hương (SN 1995) - con gái chị Hòa, khóe mắt chị rưng rưng, sau một hồi ngập ngừng, chị Hòa bộc bạch: “Con gái tôi sang Trung Quốc làm ăn và bị đâm chết ở bên đó, tôi vừa sang đưa tro cốt của nó về được nửa tháng. Chuyện dài lắm, càng kể tôi lại càng thấy đau lòng...”.

Cách đây khoảng 3 năm, Hương dẫn bạn trai về nhà ra mắt và ít lâu sau làm lễ thành hôn. Chồng Hương quê ở Thanh Hóa, thuộc típ người siêng ăn, nhác làm, thích đua đòi, lêu lổng nên chẳng bao lâu họ đã sống cảnh ly thân. Lúc con trai 1 tuổi, Hương phải gửi mẹ nuôi giúp để tiếp tục đi làm ăn xa, thi thoảng mới có tiền gửi về nuôi con.

Trước tết Nguyên đán Bính Thân chừng 1 tháng, chị Hòa nhận được điện thoại của con gái báo tin sẽ tìm đường sang Trung Quốc làm ăn. Chị can ngăn, rằng đã năm hết, tết đến, lo mà soạn sửa về với con, đừng đi xa quá, con nhỏ ở nhà suốt ngày khóc vì nhớ mẹ. Hương chỉ ậm à, ậm ừ cho qua chuyện và mấy ngày sau gọi về cho mẹ thông báo đã sang đến Trung Quốc, đang tìm mối làm ăn và tết sẽ sắp xếp về quê thăm mẹ, thăm con.


Chị Trần Thị Hòa đau đớn khi kể về cái chết của con gái

Trước tết mấy ngày, Hương lại gọi điện báo không về được, sẽ gửi một ít tiền để mẹ sắm tết và nuôi cháu nhỏ. Mấy lần, chị Hòa nhờ người ra thị trấn kiểm tra thẻ ATM nhưng đều không thấy khoản tiền con gái chuyển về. Suốt mấy ngày tết, gọi điện cho con gái, máy đổ chuông nhưng không có ai trả lời, tiếp tục những ngày sau gọi nhưng không có tín hiệu liên lạc nữa.

Lòng thấp thỏm lo âu, linh tính của người mẹ mách bảo con gái mình đang gặp chuyện chẳng lành. Nhưng nghìn trùng cách biệt, đất nước Trung Quốc rộng mênh mông, phải làm thế nào để biết được tin con? Câu hỏi ấy luôn dằn vặt tâm can của người mẹ.

Không lâu sau, xóm trưởng tìm gặp chị Hòa và thông báo tin dữ: “Cháu Hương gặp nạn ở Trung Quốc, có người vừa gọi điện về báo”. Hơi choáng váng và xây xẩm mặt mày nhưng chị vẫn không tin con gái có thể chết, chỉ có thể là vượt biên trái phép đang bị giam giữ hoặc gặp chuyện xích mích với ai đó mà thôi.

Nghĩ vậy, người mẹ vẫn yên tâm và chờ đợi tin tức. Nhưng mấy tuần sau vẫn không có tin gì của con gái, gọi điện cũng không bắt được tín hiệu, nhờ anh em và bạn bè của Hương tìm kiếm trên mạng xã hội facebook cũng không thấy. Nhưng chị vẫn chưa tin rằng Hương đã chết, vì một nguyên nhân nào đó mà chưa liên lạc về nhà, nhưng trong lòng mối lo bắt đầu chồng chất. Người ta bày cách cho chị ra Hà Nội, tìm đến Bộ Ngoại giao để xác minh thông tin.

Tại đây, chị nhận được thông báo Nguyễn Thị Hương bị đâm một nhát dao giữa bụng, được đem vào bệnh viện cứu chữa nhưng không qua khỏi, hiện tại thi hài đang được giữ tại Công thanh TP Triều Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Nếu gia đình có ý định sang bên đó đưa thi hài về phải chuẩn bị một khoản kinh phí lớn và làm các thủ tục cần thiết như hộ chiếu, người phiên dịch, vé máy bay...

Và hành trình tìm con

Với quyết tâm tìm con, chị Hòa xoay xở, vay nặng lãi được 120 triệu đồng rồi ra Hà Nội đổi nhân dân tệ. Chị biết, số tiền có được không thể thuê người phiên dịch đi cùng để giải quyết công việc. Nhưng tiếng Trung một chữ bẻ đôi không biết, không có người phiên dịch thì giải quyết thế nào đây? Đắn đo mãi, cuối cùng chị quyết một mình sang bên kia biên giới tìm xác con, hy vọng sẽ gặp được người tốt giúp đỡ.

Máy bay hạ cánh lúc trời sắp tối, mưa phùn rây rắc khắp không gian xứ người, cái lạnh thấm vào da thịt. Loay hoay chưa biết phải làm thế nào thì chị Hòa gặp một nhóm thanh niên nói tiếng Việt, là người Việt sang đây làm ăn. Những người đồng hương này đã giúp chị bằng cách gọi một chiếc taxi chở về lãnh sứ quán Việt Nam tại Quảng Châu. Đến nơi thì đêm đã khuya, không còn ai làm việc, đành ngủ lại ở hành lang đợi sáng mai.

Hôm sau, một nhân viên lãnh sứ quán đã giúp chị hoàn tất các thủ tục và chỉ đường đi đến Quảng Đông, cách đó chừng 500km. Nhưng vấn đề không có người phiên dịch chắc chắn sẽ không thể giải quyết được công việc. Cuối cùng, nhân viên lãnh sự quán đã giúp chị bằng cách liên hệ với một thanh niên người Việt tên là Thịnh, hiện anh đang làm phiên dịch cho Công an TP Triều Châu (Quảng Đông).


Chị Trần Thị Hòa hái chè kiếm tiền trả nợ


Thịnh ra bến xe đón chị Hòa về đồn công an để giải quyết giấy tờ ngay trong đêm, rồi tìm một khách sạn rẻ tiền để chị nghỉ. Về cái chết của con gái, chị Hòa chỉ nắm được thông tin ít ỏi, do mâu thuẫn với một người bạn trong nhóm, xảy ra cãi cọ và người đó đã dùng dao đâm dẫn đến cái chết của Nguyễn Thị Hương. Sáng hôm sau, công an sở tại đưa chị đến điểm đang ướp xác con gái chị.

Nhìn thấy con qua tấm kính, người mẹ chợt gào lên, khóc nức nở, đất trời như quay cuồng. Thấy vậy, mọi người lại đưa chị về khách sạn. Sau đó, họ lại dẫn chị đến đài hỏa táng rồi đưa cho chị bình tro xương còn ấm nóng.

Chị áp bình tro vào lòng mà ngỡ như đang áp đứa con gái lúc còn bé bỏng, tưởng chừng như lắng nghe được hơi thở và tiếng khóc của con. Sắp sửa ngã quỵ, nhưng rồi chị biết đây là chốn đất khách quê người, phải gượng dậy để đưa con gái về quê nhà bằng được.

Số tiền chị Hòa mang theo chỉ đủ 1/4 chi phí để giải quyết công việc (thanh toán viện phí, tiền ướp xác trong 45 ngày và các chi phí liên quan). Không có cách nào khác, chị đành chia sẻ với Thịnh, người đồng hương tốt bụng trình bày với công an sở tại và được họ chấp nhận số tiền của chị mang theo. Biết chị không còn tiền về, Công an TP Triều Châu quyên góp được 2.000 nhân dân tệ (tương đương 7 triệu đồng) để làm lộ phí.

Lúc ấy trời đã tối nhưng chị Hòa vẫn quyết định lên chuyến xe khách cuối cùng về Cửa khẩu Lạng Sơn, cho dù phải nằm trên sàn xe. Sáng hôm sau, từ Lạng Sơn, chị bắt xe khách về Hà Nội, rồi tiếp tục một chặng nữa để về quê. Cuối cùng chị đã thỏa nguyện, tro cốt của Hương đã được hòa vào đất mẹ, nơi cô cất tiếng khóc chào đời và sống những năm tháng tuổi thơ ngắn ngủi.

Chị Hòa đứng dậy, tiến lại phía bàn thờ của Hương để thắp mấy nén nhang, rồi òa khóc nức nở. Khi hết cơn xúc động, chị chia sẻ: “Bây giờ, tôi phải tranh thủ ra hái chè cho kịp nhập vào chiều nay, để có tiền trả nợ lãi, tiền lãi mỗi ngày phải trả đến hàng trăm nghìn đồng, lại còn phải nuôi cháu nhỏ...”.

Tác giả bài viết: Công Kiên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP