Xã hội

'Dự đám tang không phải nguyên nhân khiến ung thư tiến triển nhanh'

Quan điểm đi đám ma khiến bệnh ung thư tái phát và tiến triển khiến nhiều bệnh nhân trốn đám hiếu, ngay cả khi người mất là người thân của mình.

Tại buổi Tọa đàm khoa học “Ung thư không phải dấu chấm hết” được tổ chức tại Bệnh viện K trung ương chiều 26/5, nhiều độc giả đã đưa ra câu hỏi “phải chăng bệnh nhân ung thư đi đám ma sẽ khiến bệnh phát nặng hơn?”.

GS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, nguyên giám đốc Bệnh viện K trung ương, cho biết ông đã chứng kiến nhiều trường hợp con không đưa tang cha, chồng mất, vợ không dám ở nhà dự tang, chuyển sang ở nhờ nhà hàng xóm vì sợ bệnh ung thư sẽ phát triển nhanh, di căn mạnh sang các bộ phận khác.

GS Đức khẳng định đây là quan niệm sai lầm, và không có mối liên quan giữa đám tang và bệnh ung thư hay sự tiến triển của bệnh.

“Ung thư không phải là căn bệnh khủng khiếp, không lây truyền qua đường tiếp xúc như bệnh do virus. Ung thư là tập hợp hơn 200 bệnh. Hiện nay, một số bệnh ung thư vẫn còn khó khăn, thách thức trong điều trị. Nhưng nhiều bệnh đã được điều trị khỏi, đặc biệt khi bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị đúng. Ung thư không phải dấu chấm hết”.

TS.BS Phạm Thị Việt Hương – Khoa Nhu, Bệnh viện K3 Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội).

“Bản chất của ung thư là khả năng tái phát và di căn. Nếu bệnh nhân được phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, được điều trị đúng, bệnh có thể khỏi hẳn. Ngược lại, nếu bệnh được phát hiện muộn, tế bào ung thư đã di căn sang các bộ phận khác thì rất khó để triệt căn. Một số bệnh nhân sau khi chữa vẫn còn những tế bào ung thư này, sau đó chúng sẽ tái phát. Trùng hợp lúc người bệnh đi đám ma, vô tình đám ma sẽ bị coi là nguyên nhân. Nhưng sự thực không phải như vậy”, GS Đức giải thích.

Chuyên gia khẳng định đây chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Việc đi đám ma không phải là nguyên nhân khiến ung thư tái phát hoặc di căn. Tuy nhiên, trong gia đình có người mất, sự đau khổ vật vã có thể ảnh hưởng tới thể lực và tinh thần của người bệnh. Khi đó, sức khỏe của bệnh nhân cũng sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.

Do đó, người bị bệnh ung thư nếu khi đi đám tang không nên vật vã, đau buồn quá, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nếu tinh thần vững, sức khỏe tốt, không nên lo sợ việc đi lễ hiếu này.

TS.BS Đoàn Lực, Trưởng khoa Chống đau Bệnh viện K trung ương (ảnh trái). Ảnh: H.T.

TS.BS Đoàn Lực, Trưởng khoa Chống đau Bệnh viện K trung ương cũng cho biết: “Thông tin đi dự đám tang khiến cho bệnh nhân ung thư sẽ nặng hơn không có cơ sở khoa học. Đám tang và bệnh ung thư không có liên quan gì tới nhau. Nhưng ở góc độ tôn giáo, nếu bệnh nhân ung thư cảm thấy việc đi dự đám tang không tốt thì có thể không đi. Đó là quyền lợi của bệnh nhân, và tôi tôn trọng điều đó”.

GS Đức cho biết thêm hiện người Việt vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm về ung thư rất phản khoa học và nguy hiểm. Đã đi hơn 30 nước, ông nhận thấy những sai lầm này chỉ người Việt Nam mới mắc:

- Giấu bệnh, tự giam mình, tự than thân trách phận là do bản thân mình ăn ở không tốt nên mới mắc bệnh.

- Không đụng dao kéo, không chấp nhận phẫu thuật cắt bỏ khối u, không tin vào phác đồ điều trị của bác sĩ.

- Chữa ung thư theo lang băm.

- Ăn uống đạm bạc, tránh chất đạm để tiêu diệt tế bào ung thư.

“Rất nhiều bệnh nhân ung thư đã mắc những sai lầm này. Chính họ tự tước đi cơ hội vàng được chữa bệnh ở giai đoạn sớm, khả năng khỏi bệnh cao. Khi vỡ lẽ, họ mới quay lại điều trị. Lúc này đã quá muộn, chúng tôi chỉ có thể điều trị giảm nhẹ thay vì điều trị bệnh khỏi hoàn toàn. Ăn uống không khoa học khiến họ không chỉ suy sụp về tinh thần mà còn suy nhược. Bệnh nhân chết vì suy nhược là phần đa”, GS Đức khuyến cáo.

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều phương pháp chữa bệnh ung thư hiệu quả, đem lại cơ hội chữa lành cho nhiều bệnh nhân. Do vậy, ung thư không phải là án tử, quan trọng là khi bị ung thư cần phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Tác giả bài viết: Hà Thanh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP