Xã hội

Dân 'lập chốt' phản đối khai thác cát: Chủ doanh nghiệp nói gì?

Liên quan đến việc dân "lập chốt" phản đối khai thác cát trái phép ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, PV đã liên hệ với chủ doanh nghiệp để có thêm thông tin.

Như tin đã đưa, thời gian gần đây, người dân thuộc xóm 5, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An kéo nhau ra khu vực bãi Cồn Dâm, để 'lập chốt'. Đây là khu vực bến bãi tập kết cát của một doanh nghiệp, có trụ sở tại TX.Thái Hoà, tỉnh Nghệ An. Người dân cho rằng, doanh nghiệp này gây đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của bà con địa phương, nên họ đã tập trung để ngăn chặn không cho máy móc, xe tải khai thác, vận chuyển cát ra vào.

Ông Lê Minh Đức, trú tại xóm 5 cho biết: “Chúng tôi đã lập chốt ở đây nhiều ngày rồi, để ngăn không cho máy khai thác và xe tải ra vào vận chuyển cát. Việc khai thác cát đã làm thay đổi dòng chảy, kéo theo diện tích đất canh tác của bà con địa phương bị xói mòn, thu hẹp nghiêm trọng; đường sá hư hỏng, xuống cấp khiến chúng tôi đi lại rất khó khăn”.

dan lap chot phan doi khai thac cat
Người dân tập trung để phản đối hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp.

Để có thêm thông tin liên quan đến sự việc, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc công ty Trường An Phú (chủ doanh nghiệp khai thác cát tại khu vực nói trên).

Theo lời ông Thái: “Địa điểm tại bãi Cồn Dâm đã cấp phép cho công ty để làm bãi tập kết. Tại đây, chúng tôi đã điều động máy múc hố sâu để tạo luồng lạch cho thuyền hút cát về tập kết, chứ không có chuyện lợi dụng cấp phép bãi tập kết để khai thác cát lậu. Hơn nữa, những hố sâu lộ thiên ở bãi Cồn Dâm mà người dân phản ánh đã có từ trước, chứ không phải do doanh nghiệp chúng tôi tạo ra”.

Vị giám đốc này nói thêm: “Việc người dân cho rằng, hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp làm hư hỏng đường sá, thay đổi dòng chảy, thu hẹp diện tích đất canh tác cũng không đúng. Thực tế, hàng năm chúng tôi đều tiến hành tu sửa đường(?!)”.

dan lap chot phan doi khai thac cat1
Theo chủ doanh nghiệp, những hố sâu và đoạn đường ra giữa sông này là để thuận tiện hơn cho việc tập kết cát.

Thực tế cho thấy , đường sá tại địa phương đã và đang xuống cấp, hư hỏng; diện tích đất canh tác của người dân cũng bị thu hẹp, xói mòn. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của bà con, khiến họ không hài lòng.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ông Lê Đức An, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Đàn đã cho biết:“ Chúng tôi sẽ cử cán bộ phòng, cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân; đồng thời tổ chức một buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với bà con địa phương để giải quyết dứt điểm vấn đề”.

Tác giả bài viết: Tiến Thành

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP