Xã hội

Dân ca dẫn lối nên vợ chồng

Ngoài tiếng sáo, tiếng khèn, người Mông còn có hệ thống các bài hát dân ca rất phong phú. Những ca từ mộc mạc, chân thành, say đắm nhưng tinh tế hoà lẫn vào trong tiếng sáo, tiếng khèn, vang vọng khắp núi rừng, làm lòng người rộn rã.

Đôi lứa gặp nhau, cùng hát đối đáp dân ca để giao duyên. Ảnh: S.N


Chị Lầu Y Du – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho hay: Dân ca của dân tộc Mông là những bài hát do đồng bào tự sáng tác và được lưu truyền từ lâu đời. Dân ca của đồng bào có nhiều loại, nhưng hiện còn lưu giữ được một số loại hình như: Hát trong sinh hoạt (hát ru, hát vui chơi của trẻ em); hát mang tính nghi lễ (hát lên nhà mới, hát trong đám cưới, hát tiễn đưa hồn...); hát giao duyên, hát than thân... Những bài hát dân ca không chỉ thể hiện bằng lời mà còn có thể giãi bày tâm tư thông qua những nhạc cụ như sáo, khèn, kèn lá, đàn môi.

Trong các làn điệu dân ca Mông, các làn điệu hát đối đáp của trai gái đặc sắc hơn với hàng trăm bài. Khi trên nương, dưới ruộng, gặp nhau tại các chợ phiên, đám cưới… các chàng trai dùng lời ca, tiếng hát để bày tỏ tình cảm, ước nguyện của mình. Khi tìm hiểu nhau cũng mượn lời hát để hỏi về dòng họ của nhau. Những làn điệu dân ca gắn với trai gái suốt quá trình từ làm quen, tìm hiểu, đến đi hỏi dâu, vào nhà xin chỗ ngồi, xin giao lễ và xin đón dâu về... Vì thế, mỗi khi đám cưới người Mông diễn ra đều là những ngày hội sinh hoạt văn hóa hấp dẫn và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với cộng đồng thôn bản.

Lời bài hát được các chàng trai Mông bày tỏ hết sức thẳng thắn và mãnh liệt: “Cái bụng anh thương em nhiều như lá rừng. Em không có lòng thì thôi. Có lòng thì về ta ở với nhau một đêm. Em không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày”. Dân ca giao duyên của người Mông luôn đề cao tình yêu chân chính, coi trọng hạnh phúc gia đình, phản ánh những khát vọng đẹp về tình yêu. Họ quan niệm tình yêu là dâng hiến, là trọn đời vì nhau, như lời bài hát.

“Những hình ảnh trong lời hát chân thành mộc mạc nhưng cũng phản ánh sâu sắc tâm tư, ước nguyện vươn tới hạnh phúc vẹn tròn. Qua lời hát, tiếng khèn họ tìm hiểu nhau và nên vợ nên chồng. Đến nay, những lời ca, tiếng hát vẫn tiếp tục được truyền lại cho những thế hệ sau, vừa là món ăn tinh thần không thể thiếu, vừa lưu giữ bản sắc văn hoá của người Mông” – chị Du chia sẻ.

Tác giả bài viết: San Nguyễn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP