Xã hội

Chú trọng phát triển đảng viên ở các chi bộ miền núi

Phát triển đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, việc triển khai Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, các huyện miền núi luôn chú trọng phát triển đảng viên theo hướng nâng cao chất lượng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “Chú trọng và tăng cường công tác phát triển Đảng, sớm khắc phục tình trạng một số cơ sở, địa bàn chưa có đảng viên, tổ chức đảng, đi đôi với củng cố, chú trọng hơn nữa công tác phát triển Đảng, nhất là ở các vùng dân tộc ít người”.

Đối với khu vực miền núi Nghệ An, nơi có vị trị chiến lược quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, vấn đề quan tâm phát triển đảng viên ở đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ nhằm tăng cường số lượng đảng viên, mà còn là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh chính trị tại cơ sở.

Chú trọng phát triển, bồi dưỡng đảng viên mới là đồng bào các dân tộc thiểu số


Ông Phan Đình Đạt, Phó BT Thường trực - Chủ tịch HĐND huyện Quỳ Hợp cho biết: Muốn kết nạp được đảng viên tại các vùng này một cách có chất lượng, chúng ta phải làm tốt công tác quy hoạch, tăng cường công tác lãnh đạo, vận động, xây dựng các đoàn thể chính trị tại các xã vùng sâu, vùng xa thật vững mạnh.

Những năm qua, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số được Tỉnh ủy rất quan tâm. Trong quá trình đổi mới ngày càng nhanh của đất nước, ở khu vực miền núi, yêu cầu phát triển đội ngũ đảng viên trong đồng bào các dân tộc thiểu số càng trở nên cấp bách, có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân.

Bởi vậy, tại huyện Quỳ Châu được xem như một ví dụ cụ thể cho việc chú trọng kết nạp đảng viên mới theo hướng nâng cao chất lượng.

Theo ông Lang Văn Xuân - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu: Định kỳ là phải có bồi dưỡng kết nạp Đảng. Bảy tháng đầu năm 2016, chúng tôi đã kết nạp được 113/ 150 đảng viên theo chỉ tiêu kết nạp cả năm. Bên cạnh chỉ tiêu, chúng tôi rất chú trọng đến chất lượng, ví dụ chưa tốt nghiệp THCS huyện không kết nạp đối với khu vực vùng sâu, vùng xa. Riêng dọc đường 48 và khu vực trung tâm yêu cầu phải từ THPT trở lên.

Trên thực tế, công tác phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền Tây Nghệ An hiện nay hơi khó khăn, trong đó khó nhất là vấn đề thiếu nguồn, do lao động trẻ chủ yếu đi làm ăn xa. Mặc dù Đảng ủy các xã rất chú trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tố tích cực để kết nạp vào đảng, nhưng kết quả hàng năm đạt được chưa cao.

Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng nhân tố tích cực để kết nạp vào đảng tại vùng miền núi còn nhiều khó khăn


Ông Vi Kim Thuyên- Bí thư CB bản Chiền Ban 2, Châu Thắng, Quỳ Châu cho hay: Những người tốt nghiệp phổ thông thì đi làm ăn xa. Có trình độ văn hóa vào để phấn đấu, đàng này văn hóa không có, bởi vậy người ta không muốn vào Đảng, họ đi làm ăn thì không cần bằng cấp.

Còn theo ông Hồ Đăng Tài - Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy: Qua thống kê trên địa bàn các huyện miền núi có đến 108 bản có nguy cơ không còn chi bộ. Tức là chi bộ này có 5 đảng viên trở xuống, một số đảng viên tuổi cao, nguồn kết nạp khó khăn, vì con em học hành xong đi làm ăn xa. Vì vậy, phải chỉ đạo phát triển kinh tế để thanh niên lớn lên tự sống được với cuộc sống của mình. Theo đúng chủ trương của Đảng là ly nông mà không ly hương.

Chú trọng phát triển đảng viên mới trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các huyện miền núi, khu vực vùng sâu cùng phát triển đi lên đúng với tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 nhiệm kỳ 2016-2021 đã đề ra.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP