Xã hội

Ước nguyện "Hoa khuyết"

Cách đây ba năm, những phụ nữ khuyết tật ở xã Hưng Chính, Hưng Nguyên, Nghệ An đã đón nhận món quà 8/3 đầy ý nghĩa. Đó là lớp học nghề làm hoa lụa và sau đó thành lập tổ làm hoa lụa của nữ khuyết tật xã. Nhờ tổ làm hoa mà cuộc đời những chị em đã sang trang mới, bớt đi mặc cảm, tự tin trang trải cuộc sống. Thế nhưng, dưới sức ép tiêu thụ, những bông hoa nở trên đôi tay người khuyết tật đã không "tươi" được lâu.

Từ ước mơ người khuyết tật nhưng không khuyết nghề...

Lớp học nghề làm hoa lụa cho người khuyết tật xã Hưng Chính được tổ chức vào những ngày cuối tháng 2/2013, lớp học xuất phát từ tâm huyết và tấm lòng của Hội bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi TP Vinh, sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đỡ đầu của Hội LHPN xã, sự động viên, ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân xã Hưng Chính. Đó là món quà thiết thực và đầy ý nghĩa nhất để tặng cho các chị em nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Sau khi hoàn thành, lớp học đã trở thành Tổ làm hoa lụa nữ khuyết tật xã Hưng Chính, quy tụ mười con người kém may mắn với những khuyết tật bẩm sinh, nhưng tất cả có điểm chung là từ trước tới nay các chị em đều phải sống phụ thuộc vào gia đình, người thân, chưa từng cảm nhận được giá trị và thành quả của lao động. Và tổ làm hoa lụa đã tạo thêm việc làm cho những phụ nữ khuyết tật nhưng không khuyết nghề, giúp các chị em kiếm thêm thu nhập và tự tin hơn trong cuộc sống.

Một sản phẩm do Lớp làm hoa lụa nữ khuyết tật làm ra (ảnh tư liệu)
Một sản phẩm do Lớp làm hoa lụa nữ khuyết tật làm ra (ảnh tư liệu)

Thế nhưng, "ngày vui ngắn lắm chẳng tày gang", sau một năm thành lập, Tổ làm hoa không duy trì nổi vì không có đầu ra. Thời buổi kinh tế thị trường, nguồn hàng hoa từ nhiều nơi với muôn vàn kiểu dáng, sắc màu đã trở thành sự lựa chọn của người dân xứ Nghệ. Những bông hoa nở trên đôi tay người khuyết tật tuy đẹp, rực rỡ, giá thành rẻ nhưng đã không được tin dùng bởi nó cứ quẩn quanh, ủ ê trong cái "ao làng" người khuyết tật...

Chị Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch hội Phụ nữ xã Hưng Chính cho biết: Hội phụ nữ chúng tôi đã cố gắng hết mức có thể, tổ chức cho vay vốn, mở lớp dạy, thành lập Tổ làm hoa nhưng sau khi làm thì hoa do các thành viên làm ra không có nguồn tiêu thụ. Vì vậy, họ không tổ chức làm được nữa, nguyên vật liệu thì không rẻ, mà làm cũng không có ai mua. Hội chúng tôi thì nhân lực quá hạn chế. Chúng tôi không có người để đưa sản phẩm đi giới thiệu ở các cơ sở, người quản lý cũng không có nên nhóm chỉ làm được gần một năm thì phải nghỉ. Hiện tại thì chỉ có một chị trưởng nhóm làm cá nhân, ai đặt thì làm. Chúng tôi rất tiếc nhưng cũng không còn cách nào khác cả.

Chị Thu đang chăm chút bình hoa lụa của Tổ làm hoa. Dù tổ đã tan rã nhưng bình hoa vẫn được đặt đầy trang trọng bên cửa sổ như một kỷ niệm đẹp. Chị Thu đang chăm chút bình hoa lụa của Tổ làm hoa. Dù tổ đã tan rã nhưng bình hoa vẫn được đặt đầy trang trọng bên cửa sổ như một kỷ niệm đẹp.

Hiện tại, tổ làm hoa chỉ còn duy nhất một trưởng nhóm là chị Phan Thị Yến ở xóm 2, xã Hưng Chính còn làm hoa để bán. Khi hỏi đường đến nhà Yến “hoa”, người dân trong xã chỉ dẫn nhiệt tình và không quên “quảng cáo” cho sản phẩm của chị. Bà Thúy (xóm 2, xã Hưng Chính) cho biết:Trong nhà người dân ở xóm này ai cũng có một lọ hoa do Yến “hoa” làm hết. Hoa vừa đẹp, giá cả lại rất rẻ, chúng tôi mua cũng là để ủng hộ cho hai vợ chồng khuyết tật nữa, chứ trông chờ vào phụ cấp thì làm sao nuôi con được.

... Đến ước nguyện "Hoa khuyết"

Trong ngôi nhà nằm trong con ngõ nhỏ phía sau ủy ban xã, chị Yến đang cặm cụi ghép từng cánh hoa cho khách. Người phụ nữ mang trong mình nỗi đau da cam này đang dần hòa nhập với cuộc sống và nuôi sống cả gia đình nhờ những sản phẩm do chính bàn tay mình làm ra. Nhờ có lớp học nghề và vốn vay từ Hội phụ nữ xã, chị đã hoàn thiện tay nghề và nhập nguyên liệu về làm hoa cùng tổ của mình.

Sau khi tổ tan rã, chị vẫn bám trụ với nghề và nhận sản phẩm khách đặt với giá thành rẻ hơn bên ngoài. Chị tâm sự: Ngày xưa, mang trong mình mặc cảm chất độc da cam nên tôi rất tự ti, không dám ra ngoài đường. Nhờ lớp học của làm hoa của Hội phụ nữ mà tôi và các chị em có thêm nghề, tự tin hơn, cảm nhận được giá trị và thành quả của lao động. Nhưng do nhiều yếu tố nên tổ đã không duy trì được. Lúc đó, chúng tôi rất buồn và bị mất phương hướng. Nhờ sự động viên của các chị trong Hội phụ nữ, tôi lại tiếp tục trau dồi tay nghề và làm hoa tại nhà. Thế nhưng rất tiếc là trong mười người thì chỉ còn tôi vẫn bám trụ, các chị em còn lại đều nghỉ và làm lặt vặt ở nhà. Nếu bây giờ có đơn vị nào tiêu thụ sản phẩm thì cũng đỡ khó khăn cho mọi người, chứ cuộc sống như trước kia khổ lắm.

Người phụ nữ khuyết tật ấy luôn chú tâm trau chuốt cho từng sản phẩm mình làm ra Người phụ nữ khuyết tật ấy luôn chú tâm trau chuốt cho từng sản phẩm mình làm ra

Nói rồi, người phụ nữ mang trong mình nỗi đau da cam ấy lại cặm cụi bên những bông hoa để hoàn thành nốt sản phẩm giao cho khách. Nhưng trong chị lúc nào cung đau đáu một nuỗi tiếc nuối về các chị em, về Tổ làm hoa khuyết tật ngày ấy, về việc sẽ tái hợp tổ trong tương lai nếu tìm được đầu ra cho mọi người đỡ khổ.

Tác giả bài viết: Minh Quý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP