Xã hội

Nghệ An: Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia kêu cứu

Công trình kiến trúc nghệ thuật có tuổi đời gần 300 năm đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Trong khi đó, nguồn kinh phí để sữa chữa lại chỉ nhỏ giọt nên “thợ vừa rời thì mối cũng xông lên”.

Di tích kiến trúc nghệ thuật kêu cứu

Dẫn chúng tôi đi thăm đền, ông Phạm Hồng Kỳ - Ban quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đền Rậm (xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An) nhiều lần lắc đầu chua xót khi công trình đặc biệt này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Đền Rậm gồm có Đền Rậm trong và Đền Rậm ngoài, được xây dựng vào năm 1831, hợp tự thờ nhiều vị Thần, Phật, các vị tướng của Lê Lợi như Lê Lô, Cao Sơn, Cao Các và Nguyễn Quang Hợp - người đã nhận hết tội về mình để cứu họa diệt vong cho cả làng khỏi sự tàn ác của quân Minh.

Một trong những hạng mục công trình của Đền Rậm không có tường bao, nhiều bức chạm khắc trong nhà gần như phải chịu tác động trực tiếp sự khắc nghiệt của thời gian, mưa nắng.
Một trong những hạng mục công trình của Đền Rậm không có tường bao, nhiều bức chạm khắc trong nhà gần như phải chịu tác động trực tiếp sự khắc nghiệt của thời gian, mưa nắng.

Theo tài liệu của Hội di sản thì: "Đền Rậm được chạm trổ công phu, nhiều mảng chạm thể hiện trên cùng một thân gỗ có độ kênh tương đối lớn, với nhiều chi tiết được kết hợp giữa bong kênh và lộng nét chạm tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ở các vì kèo, các đường xà, cốn, đầu dư, đầu bẩy... đều được chạm trổ thể hiện nhiều đề tài phong phú như: cá vượt vũ môn, cá chép hoá rồng, lượng long triều phúc, mai hoá long ly... tất cả các mảng chạm đều là những bức tranh nghệ thuật tuyệt vời, những điển tích sinh động đã được các nghệ nhân chạm khắc trên gỗ với những đường nét lưu loát, tinh xảo đến mức cao nhất để tạo nên những bức tranh sinh động tránh được sự thô kệch nặng nề.

Nhìn chung có thể nói, chạm khắc ở đền Rậm, đặc biệt là đền Rậm trong là một sự thao diễn kỹ thuật nghề mộc một cách tinh tế của nghệ nhân có nghề nghiệp rất cao. Đền Rậm là di tích còn nối được nghệ thuật đình làng tưởng như đã "chấm dứt" cuối thể kỷ XVII ở Bắc Bộ".

Năm 2008, Đền Rậm được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.
Năm 2008, Đền Rậm được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.

Bởi vậy, đền Rậm không chỉ là chốn linh thiêng, nơi người dân khắp nơi về thắp hương chiêm bái mà là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc hiếm có. Năm 2008, đền Rậm được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật quốc gia. Sau gần 3 thế kỷ tồn tại, sự bào mòn của thời gian, mưa nắng cộng với mối mọt tàn phá, công trình này dần bị hư hại.

Các mộng nối đã bị long ra, công trình bằng gỗ bị phủ nấm mốc và bị mối mọt đục ruỗng.
Các mộng nối đã bị long ra, công trình bằng gỗ bị phủ nấm mốc và bị mối mọt đục ruỗng.

“Trước tình hình đó, chúng tôi rất phấn khởi khi nghe tin Bộ VH-TT-DL đã có dự án tôn tạo, trùng tu di tích này, nghe đâu kinh phí lên tới 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, “vướng” Thông tư 11 về cắt giảm đầu tư công nên dự án này bị gạt ra khỏi danh sách các dự án ưu tiên”, ông Phạm Hồng Kỳ cho biết.

Các bức chạm trổ được thực hiện trên khung gỗ lim, tuy nhiên, loại gỗ này cũng không thể chống chịu được sự bào mòn khắc nghiệt của thời tiết và sự tàn phá của mối, mọt. Từng bộ phận, từng bức chạm trổ dần bị mối mọt đục ruỗng. Các điểm đấu nối cũng rời rạc dần khiến các phần của mái nhà mất đi sự liên kết chắc chắn vốn có.

Những bức chạm trổ, điêu khắc tinh xảo đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ...
Những bức chạm trổ, điêu khắc tinh xảo đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ...

Các cánh cổng cũng trở nên rệu rã, Ban quản lý di tích đành phải lấy các thanh gỗ để cố định cửa lại. Các chân cột cũng bị mối “xông” hư hỏng toàn bộ phần đế, buộc phải dùng đá để nâng cao lên. Đặc biệt, do nằm ngoài đê sông Lam nên mỗi mùa lũ lụt, non nửa đền Rậm chìm dưới dòng nước phù sa đỏ ngầu, có khi lên đến vài tuần. Chính vì vậy, sự “tàn phá” lên công trình kiến trúc, nghệ thuật này càng dữ dội hơn.

Vừa rồi, Sở VH-TT-DL tỉnh Nghệ An đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để sữa chữa một số hạng mục cấp bách. Tuy nhiên, do kinh phí quá nhỏ so với nhu cầu sửa chữa, tôn tạo nên chất liệu dùng để sửa chữa, thay thế các hạng mục không phải là loại gỗ lim như nguyên bản. Mặt khác, tay nghề của những người thợ cũng chưa đạt được đến trình độ của thợ ngày trước nên thành ra, các phần sữa chữa gần như không có sự ăn nhập, hài hòa với tổng thể công trình. Các bức chạm trổ thay thế cũng không có được sự hài hòa, tinh xảo như các bức chạm trổ đã hư hỏng.

Những bức tượng tinh xảo, đạt đến trình độ nghệ thuật cao nhưng cũng bị rêu mốc tấn công.
Những bức tượng tinh xảo, đạt đến trình độ nghệ thuật cao nhưng cũng bị rêu mốc tấn công.

“Gỗ để thay thế là loại gỗ mềm, thường thì người ta không sử dụng trong việc xây dựng đền, chùa nên phần thay thế này lại chính là phần bị mối mọt đục trước tiên. Bởi vậy khi thợ vừa rời khỏi đây thì mối mọt cũng xông lên,”, ông Kỳ lắc đầu.

Nếu không có sự đầu tư, sửa chữa, trùng tu, tôn tạo và nâng cấp, trước sự khắc nghiệt của thời tiết, sự “tấn công” của mối mọt, công trình nghệ thuật, kiến trúc độc đáo này có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn trong tương lai gần.

Tác giả bài viết: Hoàng Lam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP