Xã hội

Nghệ An: Dân vùng cao sống chung với rác vì...dự án "chây ì"

Dự án nhà máy xử lý rác thải huyện Quế Phong đã được triển khai từ gần 5 năm nay nhưng hiện tại vẫn phải “đắp chiếu” đã gây ra nhiều bức xúc cho người dân.

Quế Phong là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Nghệ An, trong những năm gần đây huyện đã được thụ hưởng các chính sách của Chính phủ và UBND tỉnh đầu tư trên địa bàn, do đó đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra ngày càng tăng, toàn huyện chưa có bãi xử lý rác thải đúng theo quy chuẩn.

Ông Nguyễn Quốc Lâm, Trưởng phòng TN&MT huyện Quế Phong cho biết, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Kim Sơn và một số địa phương khác của huyện Quế Phong hiện đang quá tải. Mỗi năm, kinh phí chi cho bảo vệ môi trường của huyện chỉ có 300 triệu đồng. Trong khi đó, xe chở rác của thị trấn mỗi tuần thu gom 1-2 chuyến, không gom hết lượng rác thải sinh hoạt của bà con trên địa bàn dẫn đến ô nhiễm.

Nghệ An: Dân vùng cao sống chung với rác vì...dự án
Bãi rác tạm lộ thiên tại khối 2 thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong quá tải gây ô nhiễm môi trường.

Đứng trước tình hình đó, UBND huyện Quế Phong đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Nghệ An cho phép xây dựng Dự án bãi xử lý rác thải huyện và đã được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 22/10/2011.

Theo đó, dự án sẽ được xây dựng tại bản Bon, xã Tiền Phong, với tổng mức đầu tư là hơn 55 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ theo kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Bãi rác có 4 ô chôn lấp với tổng diện tích gần 20.000m2, công suất chôn lấp đến năm 2024 đạt gần 50.000 tấn. Ngoài ra, công trình còn có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, hệ thống thoát khí thải, thoát nước mưa, đường giao thông và nhiều công trình phục vụ công tác quản lý và phụ trợ khác.

Khi hoàn thành, đây sẽ là công trình xử lý rác thải được đánh giá có quy mô hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu thu gom và xử lý rác thải trong quá trình phát triển ngày càng nhanh của thị trấn Kim Sơn và các xã lân cận của huyện Quế Phong.

Ông Hoàng Trung Cường, Chủ tịch UBND thị trấn Kim Sơn cho biết: “Công trình bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong đã được khởi công xây dựng. Đây là điều đáng mừng vì không chỉ xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại trong công tác vệ sinh môi trường trước mắt mà còn giải quyết nỗi lo về lâu dài. Vì theo quy hoạch mở rộng, diện tích của thị trấn Kim Sơn sẽ rộng gấp 3 lần hiện nay, theo đó quy mô dân số sẽ tăng lên nhiều lần so với hiện tại. Chúng tôi chỉ mong dự án nhanh chóng hoàn thành và đưa vào sử dụng”.

Nghệ An: Dân vùng cao sống chung với rác vì...dự án Nghệ An: Dân vùng cao sống chung với rác vì...dự án
Tình trạng rác thải tràn ngập trên địa bàn thị trấn Kim Sơn và các vùng phụ cận đã gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân

Tuy nhiên, vào những ngày đầu năm 2016, khi chúng tôi có mặt tại mặt bằng công trình, không khí hoàn toàn vắng lặng, chỉ thấy 2 hố chôn lấp rác được đào đắp tương đối hoàn chỉnh, còn lại đều đang trong tình trạng dang dở. Trong khi đó, thành của các hố chôn lấp bằng đất nên qua thời gian, nhiều nơi đã bị xói lở. Công trình hàng chục tỷ đồng đìu hiu, dở dang, không một bóng người làm việc.

Nghệ An: Dân vùng cao sống chung với rác vì...dự án Nghệ An: Dân vùng cao sống chung với rác vì...dự án
Dự án được triển khai 5 năm nhưng đến nay vẫn là bãi đất hoang, nhiều hạng mục đang xuống cấp theo thời gian

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường về rác ngày càng tăng cao, trong khi công trình thu gom và xử lý rác thải được đầu tư hàng chục tỷ đồng, được bà con nhân dân kỳ vọng lại ì ạch tiến độ, nhiều người dân trên địa bàn huyện Quế Phong đã tỏ ra vô cùng bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Minh (42 tuổi), trú tại thị trấn Kim Sơn bức xúc: “Hàng ngày, người dân thị trấn chúng tôi luôn bị tra tấn về tình trạng ô nhiễm rác thải tại khu dân cư bởi bãi rác tạm đã quá tải. Chúng tôi đã kỳ vọng về nhà máy xử lý rác thải huyện Quế Phong từ bao nhiêu năm nay nhưng vẫn chưa thấy công trình hoàn thành. Bà con nhân dân đã kiến nghị lên các cấp chính quyền về tình trạng công trình chậm tiến độ nhưng cũng đều vô vọng”.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Thanh Sơn (64 tuổi), trú tại bản Bon, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong cho biết: “Các anh thấy đó, đã gần 1 năm nay, chúng tôi có thấy bóng dáng một công nhân nào làm việc tại công trường nhà máy xử lý rác thải này đâu. Công trình đã khởi công được gần 5 năm nay như một bãi đất hoang, không người trông coi, nhiều hạng mục công trình đang xuống cấp theo thời gian. Chúng tôi không biết đến bao giờ dự án mới hoàn thành?”.

Nghệ An: Dân vùng cao sống chung với rác vì...dự án
Người dân đang kỳ vọng về dự án tuy nhiên công trình lại đang dừng thi công.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, bà Vi Thị Duyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quế Phong cho hay: “Hiện nay số tiền còn thiếu cho công tác GPMB là khá lớn, mặt khác các hộ dân bị ảnh hưởng yêu cầu phải chi trả hết số tiền đền bù mới bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công. Do vậy dự án đang phải tạm dừng thi công”.

"Dự án có 10 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư mới chỉ chi trả được hơn 700 triệu đồng; phần còn lại hơn 1,2 tỷ đồng chưa thể bố trí. Sắp tới, chúng tôi dự kiến vay thêm nhà thầu số tiền GPMB còn lại để thi công. Phía nhà thầu cũng đã cam kết tự bỏ vốn để thực hiện dự án trước.

Tuy nhiên, để dự án được triển khai ổn định, ban quản lý dự án kiến nghị các cấp, ngành cấp nguồn vốn đáp ứng nhu cầu, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa vào sử dụng công trình, giải quyết những bức xúc về vấn đề môi trường do rác thải trên địa bàn", bà Vi Thị Duyến cho biết thêm.

Tác giả bài viết: Ngọc Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP