Xã hội

Cung "đường chết" ở miền Tây xứ Nghệ: Bài 1 - Đường biên giới Nậm Càn - Na Ngoi nát như tương

Con đường từ xã Nậm Càn đến xã Na Ngoi chưa đầy 10km vừa được huyện Kỳ Sơn đổ nhựa cách đây 8 tháng với kinh phí trên 5 tỷ đồng nhưng đã nát như tương.

Cung đường chết ở miền Tây xứ Nghệ.

Cả tuyến đường này dài chừng 50km từ ngã ba xã Lưu Kiền (huyện Tương Dương) đi qua các xã Nậm Càn và Na Ngoi (huyện biên giới Kỳ Sơn) nhưng hơn nửa đã ngập ngụa trong bùn lầy, nhão nhoẹt và nát như tương. Ngày nắng cũng như mưa, con đường này luôn trở thành nỗi ám ảnh đối với người đi đường và những hộ dân sống xung quanh.

Điểm cuối của tuyến đường liên huyện này nối với Quốc lộ 7A là cửa khẩu lối mở thuộc bản Buộc Mú (xã Na Ngoi, huyện biên giới Kỳ Sơn). Cả tuyến đường chỉ dài chừng 50km, nhưng hơn nửa đã bị ngập ngụa trong bùn đất.

Theo người dân nơi đây cho biết, những ngày nắng, con đường này lởm chởm những ổ gà, ổ voi chằng chịt bởi hàng trăm chuyến xe chở gỗ hạng nặng đày đọa suốt ngày đêm. Kèm theo đó, người dân 2 bên đường luôn phải sống trong những “cơn bão” bụi khủng khiếp. Còn những ngày mưa, con đường như một cái bẫy với vũng bùn lớn có thể khiến người đi đường ngã nhào bất cứ lúc nào.

Ghi nhận của PV Dân trí, đoạn đường từ Đồn Biên phòng cửa khẩu Nậm Càn vào đến trung tâm UBND xã Na Ngoi luôn nhão nhoẹt bùn lầy lội, nát như tương. Dù đoạn đường dài chưa đến 10km nhưng chúng tôi cũng đã phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới có thể vượt qua được bằng xe máy. Còn cả đoạn đường này (chưa đầy 50km) chúng tôi chạy xe máy từ 11h sáng tới mãi 5h chiều mới đến được cửa khẩu lối phụ Buộc Mú cũng là lúc trời đã tối sầm trước mặt và không thể quay trở ra.

"Cung đương này các chú chạy xe máy vào đây như thế này là quá giỏi rồi. Những chiếc xe cỡ lớn, 2 cầu mà cũng ì ạch mãi. Vào đây rồi mới biết chúng tôi ở đây khổ như thế nào về mua mưa đó", một cán bộ ở Na Ngoi cho biết.

Có những đoạn đường đá trơn, bùn ngập, xe máy không thể đi được, chúng tôi lại phải cài số 1, người đi trước kéo người sau đẩy mới có thể vượt qua.

Nói về "con đường đau khổ" này, có lẽ những người là thầy, cô giáo cắm bản trong xã Nậm Càn và Na Ngoi luôn là người sợ hãi nhất. Bởi gần như cả 4 mùa trong năm, tuyến đường này chưa bao giờ dễ đi.

Thầy Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Ngoi 1 - cho biết: “Tôi lên đây công tác từ năm 1987. Đến nay đã 30 năm công tác giảng dạy tại đây. Để đi vào Na Ngoi được suôn sẻ thì phải đi vào mùa hè, khi nhiệt độ lên 36 độ. Còn trời mưa thì bùn lầy lội, đi lại vất vả gấp ngàn lần. Nhà báo thấy đó, mới tuần vừa rồi mưa, bùn đã nhão nhoẹt lút cả bánh xe máy....”.

Không chỉ những người thầy, cô, cán bộ làm việc trong các bản ở xã Nậm Càn, Na Ngoi “sợ hãi”, mà các hộ dân sống 2 bên đường này cũng “ngán”. Bởi quanh năm suốt tháng họ luôn phải đối diện với con đường gớm ghiếc đầy bùn này.

“Bao nhiêu năm nay rồi tôi thấy con đường này chẳng bao giờ đi dễ. Lúc nào cũng nhão nhoẹt thế này đó. Đi xe máy, chúng tôi phải đi số 1, nhưng đường trơn nên ngã suốt. Còn ngày nắng thì bụi lắm, chúng tôi sống bên đường này khó chịu lắm nhưng không làm sao được cả, đành chấp nhận thôi.

Nói thật giờ lâu năm sống cũng quen với cảnh này rồi các anh ạ. Nhưng khổ nhất vẫn là các em học sinh. Để đến được trường, các em luôn phải trang bị ủng, lội bùn nhiều km mới có thể đến lớp học. Nhiều khi đến lớp, các em cũng đã bẩn hết quần áo và chân tay xây xước đầy bùn”, một người dân sống bên đường cho biết.

Ở xã Na Ngoi và Nậm Càn, gần như 100% người dân địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 99%, còn lại 1% là người Thái và Khơ Mú. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn... Trong đó phải kể đến là đường đi lại. Mùa nắng thì còn đỡ, cứ trời mưa xuống là cung đường này như bị chia cắt. Người dân muốn mua hay bán gì cũng khó khăn.

Thiết nghĩ cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần quan tâm hơn nữa cung đường vào Nậm Càn - Na Ngoi sớm được thực hiện, bởi cung đường này vừa là đường liên huyện, liên xã cũng là tuyến đường lên khu vực biên giới Việt - Lào.

Là huyết mạch giao thông chính, là chìa khóa mở ra cánh cửa để Nậm Càn - Na Ngoi thoát nghèo, để các em học sinh đến trường được thuận tiện hơn.

Dưới đây là một số hình ảnh biên giới Nậm Càn - Na Ngoi nát như tương do PV Dân trí ghi lại:

Biển báo cũng gãy nát.d10-1455468928302
Biển báo cũng gãy nát.

PV Dân trí đẩy xe cho một người dân khi qua chỗ đau khổ.
PV Dân trí đẩy xe cho một người dân khi qua chỗ đau khổ.
Có đoạn phải dắt bộ, cài số 1.
Có đoạn phải dắt bộ, cài số 1.
Do cung đường quá khó đi, nên một người dân phải nhờ xe tải chở xe máy và ngồi nhờ trên thùng xe.
Do cung đường quá khó đi, nên một người dân phải nhờ xe tải chở xe máy và ngồi nhờ trên thùng xe.
Cung đường nát như tương.
Cung đường nát như tương.
Một người dân ngã xe máy khi không qua nổi chỗ nhão nhoẹt.
Một người dân ngã xe máy khi không qua nổi chỗ nhão nhoẹt.
Trẻ em ở Na Ngoi đã quen với việc lội bùn chơi như thế này.
Trẻ em ở Na Ngoi đã quen với việc lội bùn chơi như thế này.
Một số đoạn đường nhựa vừa mới được rả thảm xong khoảng 6-8 tháng đã bị cày nát, sỏi đá trơ lên.
Một số đoạn đường nhựa vừa mới được rả thảm xong khoảng 6-8 tháng đã bị cày nát, sỏi đá trơ lên.
Nhiều người đi xe qua cung đường này đang phải dè chừng vì những con dốc đã bị bong tróc từng lớp nhựa, đá...
Nhiều người đi xe qua cung đường này đang phải dè chừng vì những con dốc đã bị bong tróc từng lớp nhựa, đá...

Bài 2: Xe chở gỗ Lào quá tải ... làm bết bát cung đường chết.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy

  Từ khóa: kinh phí ,kỳ sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP