Trong nước

Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum nói về khối tài sản giữa rừng

Trước mối nghi ngờ của dư luận, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum Phạm Thanh Hà cho rằng khu biệt phủ và rừng cao su của ông không phải là "khối tài sản từ trên trời rơi xuống".

Những ngày qua dư luận ở Kon Tum bàn tán xôn xao chuyện ông Phạm Thanh Hà, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum, xây biệt phủ trên đất nông nghiệp và sở hữu vườn cao su hơn 25 ha ở xã Đắk Cấm.

Trước hoài nghi của dư luận về biệt phủ hoành tráng, rừng cao bạt ngàn của gia đình, ông Hà nói về nguồn gốc khối tài sản của ông ở khu vực thôn 2, xã Đắk Cấm (TP Kon Tum).

"Không phải từ trên trời rơi xuống"

Vị này kể, trước đây, đường sá đến khu biệt phủ của ông lầy lội, có đoạn phải vác xe đạp. Khi vào nơi này trồng cao su, nhiều người bảo ông "hâm".

Năm 1991, ông Hà làm việc ở Tòa trọng tài tỉnh Gia Lai - Kon Tum; sau khi tách tỉnh, ông được chuyển về làm ở Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum. Thời điểm này, xã cấp hơn 25 ha đất cho 11 hộ, trong đó có ông Hà.

Ông Hà và các hộ được cấp đất bắt đầu trồng cao su xen canh với cây đậu, mè, sắn. Tuy nhiên, do điều kiện khai hoang khắc nghiệt, một số người bỏ cuộc về quê, nên ông đứng ra nhận cả khu đất rộng hơn 25 ha.

"Cứ cuối tuần, tôi đạp xe về đây làm kinh tế vườn, rừng. Có được thành quả như hôm nay là quá trình đổ mồ hôi, vất vả lao động chứ không phải khối tài sản lù lù từ trên trời rơi xuống", Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum phân trần.

biet thu
Con đường thảm nhựa độc đạo nối từ Tỉnh lộ 671 vào khu biệt phủ của ông Hà. Ảnh: Minh Hoàng.

Vị này cho rằng, giá mủ cao su liên tục tăng nên gia đình ông tích góp "mỗi năm một ít" và xây nhà dần trên diện tích 2.000 m2, gồm nhà sàn, nhà thờ tự, nhà ở cho gia đình và công nhân, ao trồng sen, nuôi cá....

Lúc đầu ông không nghĩ đến chuyện xin phép xây dựng, đến tháng 8/2010, ông Hà mới làm đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.000 m2 đất trên thửa đất số 71, thuộc bản đồ số 34, từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn.

Đến tháng 5/2011, ông Hà gộp các thửa cạnh nhau thành một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung, tổng cộng hơn 25 ha đất, trong đó có 2.000 m2 đất ở nông thôn, số còn lại là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm.

Con đường độc đạo hơn 500 m dẫn vào biệt phủ

Không chỉ sở hữu khu rừng cao su lâu năm hơn 25 ha cùng khu biệt phủ rộng 2.000 m2, ông Hà còn làm con đường thảm nhựa rộng hơn 3 m, dài 500 m, nối từ Tỉnh lộ 671 vào tận khu biệt phủ. Năm 2010, Tỉnh lộ 671 được thi công khi ông Hà giữ chức Chủ tịch UBND TP Kon Tum.

Ông Hà cho rằng trước đây con đường lầy lội, không riêng gì đoạn này mà cả từ ngoài vào. Lúc ấy Tỉnh lộ 671 vẫn chưa làm xong. "Anh em làm Tỉnh lộ 671 bảo mình chỉ cần bỏ ra khoảng 80 triệu đồng là họ lấy vật liệu cũ, vật liệu rơi vãi gom vào làm đường", ông Hà kể.

"Cá nhân mình bỏ tiền ra mua thêm vật liệu, làm con đường này chỉ hai tiếng đồng hồ là xong. 80 triệu đồng đó là của mình, chứ không phải của dự án nào hết", vị Trưởng ban quản lý dự án Khu kinh tế Kon Tum phân trần.

biet thu1
Tuyến đường thảm nhựa dài 500 m, rộng hơn 3 m, có cả cây cầu bê tông dẫn vào biệt phủ ông Hà. Ảnh: Minh Hoàng.

Ông Nguyễn Trọng Thọ (nguyên Giám đốc dự án ADB 5, Chủ đầu tư dự án đường Tỉnh lộ 671, Sở Giao thông Vận tải Kon Tum) cho hay con đường thảm nhựa vào biệt phủ của ông Hà có thể được làm sau tuyến Tỉnh lộ 671.

"Khi làm xong dự án thì đường vào nhà ông Hà chưa làm đâu. Ông ấy làm con đường này lúc nào thì tôi không biết nhưng không có chuyện anh em công nhân lấy vật liệu của dự án làm đường khác được", ông Thọ nói.

Theo các chuyên gia cầu đường, với con đường thảm nhựa dài 500 m, rộng hơn 3 m, chất lượng nhựa vào thời điểm năm 2010, ít nhất cũng phải tốn khoảng 400 triệu đồng.

Còn bà Võ Thị Lý, Chủ tịch UBND xã Đắk Cấm, cho biết thêm ông Hà nói làm đường thảm nhựa dài hơn 500m dẫn vào khu biệt phủ chỉ tốn 80 triệu đồng là không thực tế.

"Chỉ riêng cây cầu bê tông bắc ngang qua con mương trước khu nhà thì 80 triệu đồng chưa chắc đủ, chứ nói gì đến chi phí làm con đường thảm nhựa dài hơn 500 m. Địa phương đang lập dự án làm tuyến đường bê tông nông thôn rộng 3 m, dài hơn 500 m đã ngốn hết 600 triệu đồng", bà Lý nói.

Theo vị Chủ tịch xã Đắk Cấm, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã xuống cấp, người dân đi lại còn gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được đầu tư nâng cấp. Nếu ông Hà làm đường thảm nhựa dài hơn 500 m, chỉ tốn 80 triệu đồng thì địa phương cùng người dân nơi đây đã góp tiền làm đường nhựa như ông ấy, để đi lại cho tiện lợi chứ việc gì phải chịu khổ kéo dài.

Ngày 23/4, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum kiểm tra vụ việc ông Phạm Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban quản lý khu Kinh tế tỉnh Kon Tum xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

Phó thủ tướng yêu cầu địa phương này kiểm tra, xử lý đúng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật các nội dung báo chí phản ánh và báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý trước ngày 10/5.

Tác giả bài viết: Minh Hoàng - Vũ Di

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP