Trong nước

Thực hư về hòn đá có “điện”?

Trong khuôn viên chùa Hương Quang (ở thôn Bến Đức, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) hiện trưng bày một hòn đá mà nhiều người sờ vào có cảm giác như bị “điện giật”. Tương truyền, hòn đá này có tuổi đời cả trăm năm và là 1 trong 6 hòn đá được Nguyễn Ánh dùng để trả thù nhà Tây Sơn.

Trước đây, hòn đá nằm ở gần thành Hoàng Đế và đã gây ra cái chết cho những đứa trẻ ngồi lên nó vào đúng giờ “âm linh” hiển hiện(?). Năm 2008, vị trụ trì chùa Hương Quang đã đưa hòn đá về chùa, nhằm giúp nhiều người không biết tránh khỏi tai họa.

Với bài viết này, chúng tôi chỉ mong muốn một điều: Thực hư hòn đá ấy như thế nào thì cần các nhà khoa học sớm vào cuộc nghiên cứu, giải mã để có cách nhìn đúng đắn và khoa học về những sự việc được cho là “kỳ lạ” này.


Hòa thượng Thích Hồng Phương bên hòn đá được cho là có “điện”.

1. Chùa Hương Quang nằm ẩn mình bên ngôi làng nhỏ ở thôn Bến Đức, mặt hướng ra cánh đồng rộng mênh mông, yên tĩnh và thanh bình. Bất cứ ai đến chùa đều dễ dàng nhìn thấy hòn đá này, bởi nó được đặt giữa hồ nước nhân tạo nằm ngay trước chùa.

Đặt trên nó là hòn giả sơn, xung quanh có cây cảnh bài trí hài hòa tạo nên khung cảnh chốn Phật môn. Hòn đá dài và rộng khoảng 0,6m, cao khoảng 0,5m, nhìn hết sức bình thường nên ít ai nghĩ rằng nó mang trên mình những câu chuyện kỳ dị.

Theo hòa thượng Thích Hồng Phương - trụ trì chùa Hương Quang, tương truyền rằng sau khi đánh chiếm được thành Hoàng Đế của nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh liền dụ những người trong hoàng tộc, tướng sĩ nhà Tây Sơn ra đầu thú với lời hứa sẽ không trả thù, ai phạm trọng tội thì đày vào miền Nam khai khẩn đất hoang, ai có tài được trọng dụng. Nhiều người trong hoàng tộc và tướng sĩ nhà Tây Sơn tin lời dụ ra đầu thú. Nhưng Nguyễn Ánh không giữ lời mà ra lệnh đem những người này ra hành hình.

Quân triều Nguyễn đem về thành Hoàng Đế (lúc này nhà Nguyễn đã gọi là thành Bình Định, nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) 6 hòn đá đặt ở pháp trường. Tù binh nhà Tây Sơn lần lượt bị dắt đến, hoặc kê đầu xuống những hòn đá để đao phủ chém hoặc đặt lên hòn đá cho voi giẫm. Mỗi hòn đá ở pháp trường khi ấy đều thấm đẫm máu của rất nhiều người.


Hòn đá được cho là có “điện” ở chùa Hương Quang.

Thời gian trôi đi, thế sự đổi thay, người già chết đi, con trẻ lớn lên, rồi 6 hòn đá đó cũng dần bị lãng quên. 4 hòn đá thất lạc đi đâu không ai rõ. 2 hòn còn lại, 1 hòn được một vị cao tăng ở chùa Thập Tháp (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) mang về đặt trong chùa, hòn còn lại nằm khuất lấp trong bụi rậm ở gần thành Hoàng Đế.

Năm 2006, hòa thượng Thích Hồng Phương về xã Nhơn Hậu viếng một ngôi chùa ở làng Ngãi Chánh và được trụ trì ở đây là sư thầy Thích Vạn Toàn kể về hòn đá nằm ở gần thành Hoàng Đế với những câu chuyện ly kỳ. “Sư thầy Thích Vạn Toàn bảo với tôi, năm nào cũng vậy, cứ mỗi năm trong làng lại có 1 đến 2 đứa trẻ chết bất đắc kỳ tử, mà người ta chỉ có thể kết luận nguyên nhân do cảm, trúng gió.

Sau một thời gian dài, người ta bắt đầu xâu chuỗi lại sự việc thì giật mình khi tất cả những đứa trẻ chết đột tử ấy đều ngồi lên hòn đá đó, trong thời gian cách lúc chết không quá 24 giờ(?). Những đứa bé vong mạng bí ẩn đều là trẻ chăn trâu. Khi bọn trẻ thả trâu ở cánh đồng, thấy hòn đá đặt ở gò đất, lại cạnh đường làng, là chỗ ngồi phù hợp nên leo lên ngồi hoặc nghịch ngợm”, hòa thượng Thích Hồng Phương kể.

Sau khi về chùa Hương Quang, hòa thượng Thích Hồng Phương gọi Ban hộ tự chùa đến họp bàn rồi quyết định đi rước hòn đá. “Nhìn hòn đá tôi biết ngay là đá Cẩu. Theo quan niệm phong thủy thì đá Cẩu có oan hồn dân thường ngụ. Họ chết oan uổng, không siêu thoát được nên cứ vất vưởng mà thành con ma ác nghiệt, chuyên đi hại người.

Xem xét kỹ rồi tôi và các đệ tử ra về, chưa xử lý ngay, bởi phải tìm cách trục các oan hồn ra khỏi hòn đá này. Hơn một năm tiếp sau đó, ngày nào tôi và các đệ tử cũng đọc kinh, trì chú, giải oan cho những linh hồn uổng tử đã chết tại hòn đá”, hòa thượng Thích Hồng Phương cho biết.

2. Nghiên cứu về phái Mật Tông nhiều năm nên hòa thượng Thích Hồng Phương cho rằng mỗi năm hòn đá này chỉ linh ứng vài ba lần, mỗi lần chỉ một vài tiếng. Qua kiểm tra, bằng nhiều phương pháp tâm linh, ông khẳng định rằng đúng 9 giờ đêm mùng 9 tháng 2 năm 2008 âm lịch, tức ngày đầu vọng nguyệt, hòn đá sẽ linh ứng(?). Mặc dù hòn đá lớn nhưng năng lượng đó chỉ tụ ở một điểm nhất định, chỉ nhỏ bằng miệng một cái bát.

“Sau đó, để cho việc đưa hòn đá về chùa minh bạch, tôi thông báo mọi người có mặt tại hòn đá trước 9 giờ tối để cùng chứng kiến. Tôi muốn càng nhiều người tham gia tìm hiểu về hòn đá càng tốt, bởi như thế sẽ không ai nghĩ tôi lấy hòn đá về với ý đồ mờ ám”, hòa thượng Thích Hồng Phương bộc bạch.

Vào thời điểm ấy, sau khi kiểm tra phát hiện “năng lượng âm” đã có trong hòn đá, hòa thượng Thích Hồng Phương mời mọi người đến chạm nhẹ vào hòn đá để chứng thực. Người đầu tiên xung phong chứng thực là sư thầy Thích Vạn Toàn. Chọn đúng điểm trung tâm của mặt hòn đá, nơi có “âm linh”, sư thầy Thích Vạn Toàn vừa đặt bàn tay lên thì lập tức ông giật bắn người, cơ thể lảo đảo, như thể bị “điện giật”.


Hòn đá được đặt ở giữa hồ nước, phía trên đặt thêm hòn giả sơn.

Sau đó, hòa thượng Thích Hồng Phương bình tĩnh bảo sư thầy Thích Vạn Toàn ngồi xuống đất, khoanh chân theo tư thế hoa sen, rồi ông dùng lòng bàn tay đặt lên đỉnh đầu sư thầy Thích Vạn Toàn, truyền năng lượng. Khoảng 5 phút sau, sư thầy Thích Vạn Toàn tỉnh táo, đứng dậy đi lại như người bình thường.

Mặc dù sự việc sư thầy Thích Vạn Toàn như bị “điện giật” khi chạm vào hòn đá xảy ra trước mắt, khiến nhiều người kinh hãi nhưng không cản được bà Lê Thị Tha (51 tuổi, ở làng Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu).

Bà Tha kể: “Tôi tiến lại gần, nhìn ngó xung quanh hòn đá, xem có dấu hiệu dây dẫn điện gì không. Khi thấy yên tâm rồi, tôi sờ vào cạnh hòn đá. Hòn đá lạnh ngắt, chẳng có dấu hiệu giật gì cả. Tin rằng vô sự, tôi đặt nguyên bàn tay lên đúng cái khoanh tròn dấu mực đỏ mà hòa thượng Thích Hồng Phương vẽ ở tâm hòn đá. Trời ơi, tôi vừa chạm tay vào thì toàn thân rùng một cái, lạnh ngắt, cứng đơ cả người. Tay tôi lúc đó bắn ra, tôi chạy vọt ra xa, mặt cắt không còn giọt máu nào nữa. Sau đó tôi nhờ hòa thượng Thích Hồng Phương trục “âm khí” ra ngoài. Một lát sau, người tôi mới trở lại bình thường”.

Tiếp sau đó, hàng chục người xung phong chạm tay vào hòn đá. Và điều đặc biệt là ai cũng bị cảm giác như “điện giật”, khiến toàn thân run bắn, lảo đảo. Những người dám sờ vào hòn đá đều là người vía mạnh, không sợ ma quỷ, bóng đêm. Những người tin vào thế giới tâm linh thì đều sợ hãi, không dám tiến lại chỗ hòn đá, chứ đừng nói đến chuyện đụng vào.

Qua 11 giờ đêm, tức là đã 2 giờ đồng hồ sau khi xảy ra hiện tượng kỳ lạ, hòa thượng Thích Hồng Phương đến bên hòn đá, đặt tay vào cho mọi người xem và khẳng định thời điểm hòn đá linh ứng đã qua, mọi người có thể thoải mái đụng vào. Quả nhiên, mọi người đụng vào hòn đá, không thấy có hiện tượng kỳ quái nào nữa. Theo lời hòa thượng Thích Hồng Phương, chỗ mọi người đụng vào, chính là điểm giao linh của những oan hồn bị giết(?).

3. Ngay sau đó, hòa thượng Thích Hồng Phương thuê người đưa hòn đá về chùa. Sau đó, ông dành một chút không gian trước chùa, phía sát tường để đặt hòn đá. Sự việc đưa hòn đá về chùa khiến nhiều người xôn xao, người dân kéo đến rất đông chiêm ngưỡng hòn đá. Ai không tin năng lực kỳ dị của hòn đá thì đăng ký với hòa thượng Thích Hồng Phương được sờ vào hòn đá.

Những khi biết thời điểm “âm linh” hiển hiện trên hòn đá, ông gọi những người nghi ngờ, muốn mạo hiểm đến sờ tay vào. Suốt mấy năm trời, đã có hàng chục người ở tỉnh Bình Định bị “điện giật” khi chạm vào hòn đá lúc “âm linh” xuất hiện.

Cách đây 3 năm, sợ hòn đá ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mọi người, hòa thượng Thích Hồng Phương đã cho đào một cái hồ nhỏ ở sân chùa, xây bệ nổi lên khỏi mặt nước, rồi đặt hòn đá xuống đó, không ai đụng vào được nữa. Sau đó, ông cho xây dựng thêm hòn giả sơn cho quang cảnh phù hợp hơn. Nhiều người đến chùa cúng bái hòn đá nên lập thêm bát hương ở cạnh hồ nước.


Bà Lê Thị Tha, người từng bị “điện giật” khi chạm vào hòn đá (?).

Sự việc hòn đá “giật như điện” cũng khiến một số nhà khoa học chú ý. Theo lời hòa thượng Thích Hồng Phương, một nhà khoa học ở Bình Định đã đem máy đo từ trường đến đo các kiểu nhưng không thấy có điện hay từ trường phát ra từ hòn đá. Thế nhưng, khi ông này đến đúng thời điểm mà hòa thượng Hồng Phương gọi là “âm linh” thì đã bị “điện giật”, dù dùng máy đo không thấy kim đồng hồ dịch chuyển.

Theo nhà nghiên cứu khảo cổ học Nguyễn Vĩnh Hảo (ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Bình Định là vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất chứa đựng nhiều bí ẩn, đau thương. Nơi đây, từng xảy ra cuộc tàn sát đẫm máu của Nguyễn Ánh với nhà Tây Sơn... Vậy nên, vùng đất này, từng gốc cây ngọn cỏ cũng đều là chứng nhân của đổ máu.

Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Hảo cho rằng hòn đá ở chùa Thập Tháp và hòn đá ở chùa Hương Quang là những hòn đá được Nguyễn Ánh dùng để trả thù nhà Tây Sơn.

“Hòn đá ở chùa Thập Pháp mà mọi người đã biết lâu nay chính là viên bạch ngọc khổng lồ. Đó là viên ngọc chứ không phải đá thường. Tôi nói ra điều này là để cơ quan chức năng sớm biết, để có cách bảo vệ hòn đá. Còn hòn đá ở chùa Hương Quang nhìn bề ngoài có vẻ bình thường chứ không phải đá quý như viên bạch ngọc chùa Thập Tháp, nhưng tôi tin rằng có âm linh, có oan hồn trong đó (?) nên việc trước đây hòa thượng Thích Hồng Phương đem về chùa là việc làm thiện tâm, nhằm giúp nhiều người không biết tránh khỏi tai họa”, nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Hảo cho biết.

Câu chuyện về hòn đá có “điện” ở chùa Hương Quang, người dân quanh vùng đều biết và không ít người đã chứng thực điều đó. Tuy nhiên, thực hư hòn đá ấy như thế nào thì cần các nhà khoa học sớm vào cuộc nghiên cứu, giải mã những sự việc kỳ lạ xung quanh hòn đá này.

Theo sách Đại Nam thực lục (bộ chính sử của triều Nguyễn), sau khi chiếm được kinh thành Phú Xuân (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế), tháng 11-1802, Nguyễn Ánh sai phá hủy mộ của Hoàng đế Quang Trung và có 31 người là con gái, con trai, họ hàng, tướng hiệu đều bị lăng trì cắt nát thây tại Phú Xuân.

Còn tại Bình Định, tháng 3-1802, sau khi lấy được thành Hoàng Đế, Nguyễn Ánh có chỉ dụ tha tội cho những người theo Tây Sơn, sử dụng các hàng tướng, yên ủi để dân được yên tâm.

Vào cuối năm 1802, sau khi thống nhất được đất nước, lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, Nguyễn Ánh cũng tiến hành một cuộc hành hình những người trong hoàng tộc, tướng sĩ nhà Tây Sơn.

Tác giả bài viết: Phan Nhuận Phin

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP