Trong nước

Chuyện tình gây xốn xang làng chè Hà Nội

Con đường dẫn đến khu điều trị bệnh phong Hà Tây, nay là Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cơ sở 3 (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Tây) nằm giữa một màu xanh bạt ngàn của cây chè và những cánh đồng lúa mơn mởn đang thì con gái. Chính đồi chè nho nhỏ ấy đã se duyên cho một cô gái làng với anh chàng bệnh nhân trẻ tuổi nhất khu điều trị. Nhưng, trong những câu chuyện hàng ngày của cư dân làng, mối tình ấy không phải là câu chuyện duy nhất…


Hạnh phúc của Chiến và Mái nảy mầm từ khu điều trị bệnh phong

Bệnh nhân yêu thương nhau như ruột thịt…

Tôi gặp ở trại phong ấy những người đã có thâm niên ở trại bằng tuổi của trại phong. Ông Nguyễn Văn Trí (84 tuổi) vào trại ngay từ những ngày đầu tiên, dễ đến 50 năm nay rồi. Ông kể, trước khi về trại phong Hà Tây ông đã trú ngụ ở trại phong Thái Bình. Ở đấy ông gặp bà Đặng Thị Tẹo, 2 người đã quyết tâm đến với nhau và sinh được 4 người con. Cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp xã hội của 2 người không thể nuôi được đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Ông quyết định chuyển về trại phong Hà Tây để gần mẹ già và gửi đàn con cho bà mẹ chăm sóc. Ông bảo, cả 2 vợ chồng ông đều ở thể bệnh nặng, muốn làm lụng thêm cái gì cũng khó. Cuốc đất, cày ruộng, trồng thêm vài luống rau, củ sắn với ông bà cũng là một việc nặng nhọc. Nên đành phải nhờ mẹ già chăm đàn cháu thơ.

Bà Tẹo bảo, bà bị nặng hơn ông nên nhiều khi mấy bà hàng xóm thấy bà khó nhọc trong việc nấu ăn, giặt giũ cũng giúp một tay. Hầu như ngày nào cũng vậy. Ở đây là như vậy, người nhẹ hơn giúp người nặng hơn, người bệnh ít làm hộ lý, giúp những người già, người không có khả năng tự phục vụ cho mình.

Rồi ông Trí chỉ lên dãy trên, bảo đấy là dãy dành cho người già không thể tự phục vụ mình. Ở đấy có một bà cụ mà ông rất quý mến. Có đồ ăn gì ông đều mang lên chia sẻ với bà. Rồi 2 ông bà nói chuyện, tâm sự với nhau rất nhiều. Ông bảo bà Phi là bạn tri kỷ của ông ở trại phong này. Gắn bó với nhau cũng bởi đồng cảnh ngộ, cùng hiểu, chia sẻ và thông cảm cho nhau mà.

Bà Phùng thị Diên (77 tuổi) cũng vào trại khoảng 40 năm rồi. Con virut hủi trong người bà đã không còn, nó cũng không gây bất lợi lắm cho cuộc sống của bà nhưng bà không thể rời xa khu điều trị này dù bà vẫn còn một gia đình trọn vẹn, yên ấm. Bà tâm sự, ông giục bà về nhiều lắm, các con bà cũng mong bà về với ông để ông bà có nhau tuổi già.

Bà cũng đã suy nghĩ về việc này bởi bà đã xa các con quá lâu rồi, các cháu cũng không được chăm nom gần gũi. Nhưng rồi cứ nhớ lại ánh mắt của hàng xóm láng giềng khi gặp mình ngày trước bà mới thấy mình không còn đường để quay về nữa. Bà bảo, người ta vẫn hỏi thăm bà nhưng thay vì gửi đến bà ánh mắt thiện cảm và chia sẻ thì họ gửi đến đôi chân bà, đôi tay bà, khuôn mặt bà một ánh nhìn dò xét, e ngại…

Ở trại phong này còn nhiều người cùng tình cảnh như bà Diên, muốn về nhà nhưng lại sợ ảnh hưởng đến những người thân của mình ở ngoài cộng đồng. Có những người bệnh nhẹ, thậm chí, dấu ấn bệnh tật nếu nhìn thoáng qua còn không phát hiện được nhưng họ đều gặp những ánh mắt soi xét của người đời nên chọn ở lại khu điều trị.
Ông Nguyễn Văn Nội (69 tuổi) cho biết, ở trại phong, mọi người sống với nhau như ruột thịt, cùng chia sẻ và lo lắng cho nhau. Ông bảo, có người cả đời ở trong khu điều trị, về với cát bụi cũng ở lại với trại. Những người còn sống chính là những người thân đưa tiễn họ về với đất trời, chăm sóc ngôi mộ cho họ những dịp Tết, giỗ…

Gieo mầm cho cuộc sống mới

Câu chuyện về cô gái làng quyết tâm vượt qua mọi thử thách để gắn bó với anh chàng bệnh nhân trẻ nhất làng được xem như một thành công của các cán bộ phụ trách chăm lo đời sống của bệnh nhân. Anh Nguyễn Quốc Hồng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, hồi mới biết câu chuyện của Nguyễn Văn Chiến và Lê Thị Mái, anh cũng lo lắng lắm.

Chiến đã được chữa khỏi bệnh nhưng dấu ấn của bệnh tật vẫn còn hiện diện trong cơ thể Chiến. Chiến không thể làm việc gì quá sức hoặc đôi khi có thể ảnh hưởng đến thế hệ sau nếu Chiến không có sức đề kháng. Nói hết với Mái mà cô ấy vẫn quyết tâm đến với Chiến. Mái bảo, có thể là do duyên số bởi Mái cũng có khá nhiều người theo đuổi, thế mà mới gặp Chiến chưa đầy 1 tháng, 2 người đã quyết định đến với nhau.

Những lời khuyên của anh Hồng, sự ngăn cản của bố mẹ không ngăn được quyết tâm của Mái. Chiến vốn là một thanh niên hiền lành, lại mặc cảm bệnh tật nên lại càng trầm mặc hơn. Mái một mặt thuyết phục bố mẹ, một mặt lại động viên an ủi Chiến để anh lấy lại sự tự tin, cùng cô vượt qua khó khăn. Mái bảo, cô đã nói với mẹ rằng, dù sau này con của họ có bị ảnh hưởng bởi bệnh tật của Chiến cô cũng phải chấp nhận vì đó là số mệnh của cô rồi. Cô bảo, nếu bố mẹ không cho lấy Chiến cô sẽ ở vậy… Thế là bố mẹ cô cũng phải chịu thua quyết tâm của 2 người.

Đến giờ hai vợ chồng Chiến – Mái đã có 3 đứa con, chúng đều được hòa nhập cộng đồng. Hiện giờ cuộc sống của gia đình rất tốt. Mái vẫn quán xuyến công việc ruộng đồng, Chiến, ngoài giờ làm thêm thì được bệnh viện tạo điều kiện cho tham gia công tác bảo vệ để kiếm thêm thu nhập. Anh Hồng cho biết, trước đây Chiến sống lặng lẽ lắm. Hết giờ đi làm phụ hồ ở bên ngoài, anh về phòng và giấu mình ở trong ấy.

Có thể chàng trai trẻ lo lắng cho tương lai của mình, tự ti nhưng bây giờ cuộc sống của họ rộn rã lắm. Mái hay nói, lại luôn biết chăm lo, động viên Chiến nên anh đã không còn ám ảnh cuộc sống chật vật trước đây. Mái bảo, Mái biết ơn khu điều trị rất nhiều, vì ở đấy, Mái đã gặp người chồng duyên nợ của mình, lại được tạo điều kiện, cho chỗ ở, tạo công ăn việc làm cho Chiến, lại cho vợ chồng Mái ruộng để tự cấy cày…

Nhìn ruộng rau xanh mướt, những cây lúa đang trổ bông và niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ Chiến - Mái bên cạnh những bồ lúa của mình… hình như có một sự sống mới đang đến với người bệnh… Hình như những mầm hy vọng đã được gieo lên từ đấy, từ những cây lúa và vài ngọn rau…

Tác giả bài viết: Nhật Thu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP