Thể thao

Tuyển VN diễn nghĩa: Khổng Minh còn "lụy tình", huống hồ Hữu Thắng

Vân Trường năm xưa mất Kinh Châu/Thục Hán từ đây nhuốm thảm sầu/Dực Đức thương anh thời vong mạng/Di Lăng Huyền Đức trúng kế sâu.

1. Quan Vân Trường trong "Tam quốc diễn nghĩa" liệu có phải là tướng giỏi, điều này còn đang gây nhiều tranh cãi. Nếu xét trên khía cạnh một võ tướng ngồi trên ngựa, cắp long đao xông ra chém bay đầu Hoa Hùng khi chén rượu còn ấm, hay qua 5 ải chém 6 tướng, thì Quan Công đúng là tướng tài.

Tuy nhiên là tài nhất chưa, thì câu trả lời ắt hẳn là chưa, ít ra vẫn còn đó Lữ Phụng Tiên chiến tam anh.

Nhưng nếu xét trên khía cạnh thống soái vạn quân, điều binh khiển tướng, giỏi mưu lược, định giang san thì Quan Vân Trường dở, dở vô cùng.

Công Phượng, ngôi sao long lanh trong mắt HLV Hữu Thắng, có nhiều nét giống nhân vật Quan Vũ của "Tam quốc diễn nghĩa" đến không ngờ.


Uy dũng trên yên ngựa, nhưng Quan Vân Trường lại thất bại nơi màn trướng.

Công Phượng giỏi không, nếu xét trên khía cạnh một tiền đạo đơn thuần. Công Phượng giỏi. Cứ nhìn vào những bàn thắng để đời trong màu áo U-19 của Phượng thì rõ. Nhưng Phượng giỏi nhất chưa?

Tất nhiên là chưa, chí ít ở cùng vị trí, vẫn còn đấy một Văn Quyến phát tiết từ tuổi 16, với những bàn thắng để đời, những tuyệt kỹ mà Phượng chưa đạt tới được, cùng những thành tích cùng năm tháng huy hoàng trong màu áo đội tuyển quốc gia.

Là còn chưa nói đến chuyện Công Phượng có được một môi trường đào tạo cực kỳ chuyên nghiệp từ khi còn rất bé, được chơi trong một đội hình ăn ý với nhau cả chục năm trời, với một ông bầu hết lòng nâng niu và tạo điều kiện hết cỡ.

Phô diễn kỹ thuật, tỏa sáng trong đội hình từng "nhắm mắt cũng chuyền được cho nhau" là một chuyện. Thích nghi với lối chơi đồng đội, tỏa sáng khi gặp phải những đối thủ mạnh lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Người ta chưa thấy điều này ở Phượng.

2. Người ta nói rằng có ít nhất 2 lần Khổng Minh đã lựa chọn sai Quan Vân Trường. Lần thứ nhất là nghe lời nằn nì của Quan Vũ mà cử cầm quân ra hẻm Hoa Dung chặn Tào Tháo, bỏ lỡ cơ hội "nghìn năm có một" để chém chết, hay ít nhất là bắt sống chủ tướng của quân Ngụy.

Lần thứ hai là cử Quan Vũ đi trấn giữ Kinh Châu, để rồi vì vừa kém tài, vừa khinh địch, để mất Phàn Thành, bị Lã Mông chém đầu, gây nên bi kịch liên hoàn cho lần lượt Trương Phi, rồi Lưu Bị.

Người ta nói không phải Khổng Minh không biết Quan Vũ kém tài dụng binh, mà vì "lụy tình" khi đấy là em kết nghĩa của chủ tướng, nên đành phải giao ấn tín, dù biết mười phần, có đến 7 phần sẽ thất bại.


Công Phượng trong màu áo ĐTQG chưa có dấu ấn nào đáng kể.

Nếu chỉ cần là một HLV bình thường, Hữu Thắng sẽ chẳng bao giờ dám giao vận mệnh của ĐTQG vào không chỉ 1, mà đến 3 cầu thủ vốn chỉ mài đũng quần trên ghế dự bị, dù là ghế dự bị hạng sang ở những CLB đến từ những nền bóng đá đỉnh cao như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Hữu Thắng nhắc đến Công Phượng rất nhiều lần, với thái độ không ít tiếc nuối từ lúc Phượng bị chấn thương, và lần mới nhất là sau trận hòa 0-0 với lứa "đàn em" U-21. Ít nhiều, Công Phượng là cái phao cho Hữu Thắng bám vào những lúc ngặt nghèo.

Và đến lượt việc được gọi về tập trung ĐTQG là cái lối thoát cho Công Phượng sau chuỗi ngày dài bế tắc nơi xứ người, như chính tiền đạo này từng nói "rất nhớ cái không khí đặc biệt của V-League".

Hữu Thắng nhất định phải gọi Phượng, rộng hơn là cả Tuấn Anh và Xuân Trường là vì sức ép từ bầu Đức, khi ông không ít lần gây sức ép với liên đoàn, thậm chí đòi đuổi cổ HLV Miura vì không gọi "con cưng" của ông lên tuyển?

Quả tình, HLV Miura đã phải "bán xới" thật, nhưng như thế chưa đủ.

Có một sức ép nữa đến từ dư luận. Hình ảnh Công Phượng cùng đồng đội "thêu hoa dệt gấm" trên sân đấu trong màu áo U-19 vẫn đang ám ảnh người hâm mộ. Vả lại, không có cầu thủ HAGL, đội tuyển toàn quân gốc Nghệ, thì coi làm sao cho đặng?

3. Trong "Tam quốc diễn nghĩa", lần đầu tiên Lưu Bị cầm quân, cũng là lần cuối cùng. Chưa từng có kinh nghiệm điều binh khiển tướng, Lưu Huyền Đức trúng kế Lục Tốn, thua tan tác chạy về đến thành Bạch Đế thì qua đời.

Bầu Đức có phần may mắn hơn khi đưa ra một quyết định lớn về chuyên môn: giải tán hết đội bóng, đẩy đội U-19 lên chơi V-League. Kết quả là HAGL tan tác, tả tơi giữa vòng xoáy bóng đá chuyên nghiệp, và lý do trụ hạng năm ngoái vẫn đang nằm trong vòng đàm tiếu.


Từ ngày cầm quân, Hữu Thắng luôn bắt người hâm mộ nghe nhiều hơn là xem.

Dưới thời HLV Hữu Thắng, người ta vẫn chưa thấy sự khởi sắc nào có thể qua mặt được ông thầy cũ Miura. Có chăng là những tuyên bố sặc mùi "thuốc súng", đại loại tuyển Việt Nam sẽ chơi tiqui-taka, tấn công đẹp mắt, hay nếu không đen đủi, thì có thể thắng cả Iraq trên sân đối phương.

Câu nói thật lòng nhất của Hữu Thắng, có lẽ là câu "Biết đâu đấy, có khi cái khó lại ló cái khôn" trong cuộc họp báo trước trận gặp Syria vào sáng qua. Nó phản ánh chân thực nhất ĐTQG Việt Nam dưới thời HLV này: biến báo bằng miệng lưỡi qua từng trận, chứ chẳng phải chuyên môn.

Và biết đâu đấy, trong cái khó lại ló cái khôn. Như bầu Đức từng đe: "Bóng đá nam không vô địch SEA Games 2017, 80% quan chức VFF phải nghỉ hết".

Biết đâu đấy!!!

Tác giả bài viết: Ngô Trà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP