Thể thao

Lê Công Vinh và hội chứng tùy hứng phê bình

Ghi 4 bàn qua 3 trận liên tiếp trong màu áo đội tuyển quốc gia, Lê Công Vinh lại một lần nữa tỏa sáng ở tuổi 31, thời điểm xế chiều của sự nghiệp.

Dù chưa có một thống kê chính thức từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhưng nếu Công Vinh có mặt trong đội hình của HLV Nguyễn Hữu Thắng dự AFF Cup vào cuối năm nay, anh chắc chắn sẽ phá vỡ mọi kỷ lục của bóng đá Việt Nam về số lần khoác áo đội tuyển, số bàn thắng và số lượng giải quốc tế đã có mặt. Đấy là chưa nói, với phong độ hiện nay ở đội tuyển, chuyện Lê Công Vinh thắng giải Quả bóng vàng Việt Nam 2016 cũng hoàn toàn có thể và đó cũng sẽ là một kỷ lục.


Công Vinh liên tiếp bị ném đá dù tỏa sáng trong màu áo ĐTVN

Nhưng tại sao một cầu thủ tài năng như vậy, cống hiến cho quốc gia từ năm 17 tuổi đến nay, từng sang đến tận châu Âu thi đấu, vẫn thường xuyên bị chỉ trích, đôi khi khá nặng nề từ một bộ phận người hâm mộ, cho dù chưa từng có một nhà chuyên môn nào nghi ngờ về năng lực và đẳng cấp của Lê Công Vinh?

Câu chuyện của Lê Công Vinh phản ảnh phần nào tính nghiệp dư của bóng đá Việt. Một ngôi sao hàng đầu, vẫn chưa rời đỉnh cao phong độ, ấy thế mà cách đây 2 năm suýt nữa đã bị “xếp xó” trong trào lưu “trẻ hóa” một cách thiếu khoa học chỉ vì xuất hiện một nhóm cầu thủ U.19 mà tài năng chưa thẩm định được kỹ càng. Những nhà làm chuyên môn tại VFF đã chiều theo dư luận khi cố gắng đôn nhiều cầu thủ U.23 vào đội tuyển quốc gia, mặc dù những Lê Công Vinh, Văn Quyết, Thành Lương… vẫn đang tung hoành ở giải quốc nội.

Không thể trách người hâm mộ khi họ thích thấy một “hot boy” Công Phượng thi đấu nhiều hơn một cựu binh đã nhẵn mặt như Công Vinh; tuy nhiên, mọi sự thay đổi nào cũng phải xuất phát từ yếu tố chuyên môn chứ không thể dựa trên yếu tố tuổi tác hay “hợp thời” hay không. Rõ ràng, đến bây giờ Công Vinh vẫn là số 1 trên hàng công của đội tuyển, không cầu thủ trẻ nào có thể qua mặt được, vậy tại sao phải thay thế và chỉ trích chuyện “cựu binh lên tuyển” như trường hợp của Công Vinh. Chuyện Công Vinh hay bị phê phán có lẽ đơn giản vì người ta thích phê phán,vậy thôi.

Rất may, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã có được sự kiên định của mình dù ông chịu nhiều áp lực khi cầm quân với tư cách “người nhà”. Ông Thắng đã đi ngược dư luận, giữ lại bộ khung của người tiền nhiệm Miura để lại và gia cố bằng những cựu binh, những con người mà ông tin tưởng. Ông Thắng đặt niềm tin vào Công Vinh, sẵn sàng để Công Phượng đá dự bị, trân trọng các giá trị về chuyên môn cũng như khao khát cống hiến của cầu thủ. Đội tuyển của ông Hữu Thắng vẫn còn con đường dài để khẳng định, nhưng chiếc cúp vô địch tại Myanmar vừa qua đã cho thấy thành công bước đầu trong việc khôi phục những giá trị mang tính căn bản trong bóng đá.

Sự mạo hiểm của HLV Hữu Thắng đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên, cũng hy vọng ông tiếp tục kiên định với những chọn lựa của mình, bởi với một nền bóng đá hãy còn nghiệp dư như tại Việt Nam, thắng tung hô, thua “đạp đổ” vẫn là thói quen không hay chưa bỏ được. Hôm nay, Công Vinh ghi bàn đem lại chiến thắng thì anh sẽ được ca ngợi, nhưng biết đâu, chính Công Vinh sẽ là người đầu tiên bị chỉ trích sau một thất bại nào đó. Một khi giá trị của một cầu thủ lớn như Công Vinh, một trường hợp cụ thể, rõ ràng mà còn bị đánh giá “loạn xạ”, tùy hứng như vậy thì con đường phát triển một nền bóng đá có bản sắc hãy còn gian nan lắm.

Tác giả bài viết: Việt Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP