Thể thao

U16 Việt Nam: Bóng đá ta chưa là gì cả, đừng ca ngợi quá

Các cầu thủ còn quá trẻ, đang trong quá trình phát triển cần tập trung thời gian để rèn luyện kỹ - chiến thuật, tích luỹ kinh nghiệm thi đấu. Những lời ca tụng quá đà có thể tác động tiêu cực tới 1 thế hệ giàu tiềm năng.

Video U16 Việt Nam lỡ cơ hội vô địch U16 Đông Nam Á (nguồn VTV):



Bóng đá Việt Nam không thiếu những bài học, một vài cầu thủ hoặc cả 1 thế hệ bị “đánh bẫy” bởi sự ca tụng quá đà của cả truyền thông lẫn người hâm mộ. Đôi khi chỉ là sự vô tình, đôi khi là sự thiếu hiểu biết, hoặc cả 2, đã đẩy cầu thủ vào một trạng thái xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển.


U16 Việt Nam thất bại ở chung kết U16 Đông Nam Á

Một ví dụ gần nhất chính là lứa U19 Việt Nam, với thành phần nòng cốt là quân của Học viện bóng đá HA.GL-Arsenal-JMG. Ra mắt công chúng bằng ngôi vị Á quân U19 Đông Nam Á năm 2013, U19 Việt Nam trong gần 2 năm sau đó đã khiến truyền thông và người hâm mộ ngất ngây với lối chơi đẹp mắt, quyến rũ.

Ở góc độ chuyên môn thuần tuý, phải thừa nhận rằng đây là lứa cầu thủ giàu tiềm năng phát triển, được đào tạo cơ bản mà lâu lắm bóng đá Việt Nam mới có. Sự ca tụng có lúc quá mức của truyền thông dường như đã khiến những người trong cuộc “lâng lâng”.

Đầu năm 2015, bầu Đức quyết định bỏ gần toàn bộ quân số cũ để “đôn” Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường và các đồng đội ở U19 Việt Nam lên V.League. Cũng từ đây, sự non nớt về kinh nghiệm, đuối về kỹ-chiến thuật và thể lực của lứa U19 bắt đầu bộc lộ. HA.GL trượt dài ở V-League.

Năm 2016, bầu Đức cho bộ ba nói trên ra nước ngoài. Công Phượng đầu quân cho Mito Hollyhock, Tuấn Anh đến FC Yakohama. Cả hai đều đang thi đấu ở giải hạng 2 Nhật Bản. Xuân Trường ký hợp đồng với Incheon United. Số lần ra sân của cả 3 cầu thủ HA.GL mùa giải này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giấc mơ châu Á của các cầu thủ nhà bầu Đức xa dần trong sự hụt hẫng của người hâm mộ.

Cho tới lúc này, có lẽ nhiều người mới nhận ra rằng, trong bóng đá có 1 khoảng cách rất xa từ cấp độ trẻ lên tới ĐTQG. Ở cấp trẻ, bóng đá Việt Nam từng tạo nên những thành tích cấp châu lục, như lứa U16 của “thần đồng” Phạm Văn Quyến năm nào. Cùng với các đồng đội Lâm Tấn, Như Thuật, Minh Đức…U16 của Văn Quyến năm 2000 đã gây địa chấn khi đánh bại U16 Trung Quốc.


Những lời tung hô quá đà sẽ làm hại một thế hệ tiềm năng

Nếu so với U16 của Văn Quyến trước đây, thành tích của U16 Việt Nam hiện nay chưa là gì. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, lứa U16 năm xưa đã rơi rụng cả. Văn Quyến, cái tên nổi bật nhất, tiếp tục toả sáng ở SEA Games 2003 trước khi đánh mất mình ở SEA Games 2005 bởi vụ bán độ ở Bacolod (Philippines).

Những đóng góp cho bóng đá Việt Nam của Quyến chẳng được bao nhiêu, nếu so với tiềm năng của tiền đạo gốc Nghệ. Như những chia sẻ sau này của “Quyến béo”, thì sự hâm mộ của công chúng, những lời ca tụng của truyền thông góp phần không nhỏ khiến Quyến trượt ngã.

Với U16 Việt Nam hiện nay, thật ngạc nhiên khi hành trình ở vòng loại đội bóng của HLV Đinh Thế Nam không nhận được nhiều sự chú ý. Nhưng sau khi giành quyền vào bán kết,

các góc cạnh của đội bóng trẻ bất chợt khai thác tối đa. Từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ đến việc nội bộ của đội bóng…tất tật đều được đưa lên mặt báo. Những cầu thủ như Khắc Khiêm, người ghi bàn giúp U16 Việt Nam thắng U16 Campuchia 1-0 ở bán kết, mô tả như những ngôi sao, người hùng của đội bóng.

Người ta quên bẵng mất là U16 Thái Lan và U16 Úc chỉ đưa đội hình 2 tham dự giải. Cũng chẳng ai nhớ những bài học nhãn tiền trước đó, rằng chiến thắng ở cấp độ trẻ chỉ là điểm khởi đầu.

Tôi phải lấy làm may mắn vì trong cơn bão ca ngợi, HLV Đinh Thế Nam vẫn biết lên tiếng nhắc các học trò, rằng “chúng ta chưa là gì”. Đúng! Bóng đá Việt Nam chưa là gì, ngay cả trong khu vực Đông Nam Á. Nên chăng, cần hãy biết tiết kiệm những lời ca ngợi không cần thiết?

Tác giả bài viết: Tiểu Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP