Thể thao

Hồ Hải Hoàng: Trọn vẹn chữ "tình" với đam mê cổ vũ

4 năm sát cánh cùng hội cổ động viên Sông Lam Nghệ An và hội cổ động viên bóng đá Việt Nam VFS, Hồ Hải Hoàng đã trở thành một biểu tượng cho "tình yêu đẹp mà chẳng mấy lần được đáp lại" của người hâm mộ dành cho bóng đá Việt Nam.

2 năm qua, người hâm mộ bóng đá nước nhà hẳn sẽ ấn tượng với hình ảnh một "đoàn quân đỏ" ở khán đài D, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình hay sân Thống Nhất mỗi khi đội tuyển Việt Nam thi đấu. Đó là những thành viên của Hội cổ động viên bóng đá Việt Nam - VFS - những người luôn có mặt trong mọi trận đấu của tuyển Việt Nam để động viên tinh thần cho các cầu thủ.

"Chỉ huy" dàn cổ động viên ấy là anh Hồ Hải Hoàng - một trong những hoạt náo viên lâu năm nhất của VFS. Với người thủ lĩnh tinh thần của VFS khu vực phía Bắc, cổ động bóng đá đơn giản là một đam mê mà người con Nghệ An dành cho trọn một chữ "Tình" giản đơn, son sắt. Cuộc nói chuyện dưới đây sẽ hé lộ phần nào đam mê trong anh, đồng thời mở ra một góc nhìn về bóng đá Việt Nam từ ngay trên các khán đài.


Hồ Hải Hoàng là một CĐV bóng đá nổi tiếng

- Điều gì đã thôi thúc anh trở thành một cổ động viên bóng đá?

Mình không thích xem bóng đá, cũng không có nhiều thời gian để tìm hiểu về môn thể thao này. Nghe có vẻ kỳ lạ với một CĐV!

Cái mình yêu thích là sự cuồng nhiệt trên các khán đài, những tiếng hát không ngừng của người hâm mộ trong mỗi trận bóng đá. Cái không khí ấy khiến ta quên những âu lo mệt nhọc của cuộc sống, được vui được buồn, được vỡ òa cảm xúc khi có bàn thắng.

- Nhiều năm sát cánh cùng anh em CĐV Sông Lam Nghệ An trên khán đài, lại tham gia cùng Hội CĐV bóng đá Việt Nam - VFS trong 2 năm qua, anh có kỷ niệm gì đáng nhớ nhất?

Kỷ niệm thì nhiều nhưng có lẽ nhớ nhất là pha ăn mừng bàn thắng của Vũ Minh Tuấn. Lúc đó mình đứng trên dàn giáo (nơi dành cho người cầm loa) và bỏ loa nhảy xuống dưới ôm chầm lấy những người ở đấy.

Mình đã khóc tu tu như một đứa trẻ dù không biết họ là ai, nó như điều gì đó dồn nén lại để rồi vỡ tung ra. Cảm giác đó không điều gì có thể đánh đổi được, nó thực sự đáng nhớ.


Các cổ động viên luôn sát cánh cùng đội tuyển trong mọi trận đấu. Ảnh: Hồng Nam

- Để tạo nên làn sóng cổ động đáng chú ý trên sân Mỹ Đình, VFS đã gặp phải không ít khó khăn bởi cổ động chuyên nghiệp vốn không phải truyền thống của người Việt Nam. Ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình, người ta thích xem hơn là hò hét, anh có nghĩ như vậy không?

Không phải chỉ ở sân Mỹ Đình đâu, mà sân vận động nào ở Việt Nam cũng thế. Người ta gặp rất nhiều khó khăn để đón nhận phong cách hay bài hát cổ vũ mới.

Đại đa số khán giả Việt Nam rất khó tính, không chỉ trong cách tiếp nhận cổ vũ, mà còn là tình yêu đối với các cầu thủ. Họ chỉ đến sân khi các cầu thủ đã có sự thể hiện tốt trước đó. Nếu kết quả không tốt, sân bóng lại càng đìu hiu hơn.

Điển hình như vòng chung két U19 Đông Nam Á tại sân Hàng Đẫy vừa rồi, chỉ có một nhóm CĐV của VFS cỗ vũ U19 Việt Nam đến hết giải đấu. Còn lại, xung quang Hàng Đẫy chỉ là không khí hiu quạnh khi rất ít người đến ủng hộ các em.


Anh Hồ Hải Hoàng cùng một nhóm cổ động viên của VFS trên sân Hàng Đẫy

- Nhưng VFS vẫn cháy hết mình dù số người đi cổ vũ chỉ khoảng 20-30 người, dù thời tiết (mưa gió) hay thời gian (đá vào dịp giữa tuần) không ủng hộ. Động lực nào đã giúp anh cùng mọi người tiếp tục với công việc tiếp lửa của mình?

Điều mà thôi thúc trong mình cũng như anh em, là chứng minh cho mọi người thấy đam mê và tình yêu đích thực của CĐV. Chỉ cần các cầu thủ chiến đấu vì màu cờ sắc áo dân tộc, họ sẽ không bao giờ phải cô đơn.

- Nhìn các cầu thủ Việt Nam phải chơi giữa những khán đài trống vắng của người hâm mộ, một CĐV như anh hẳn sẽ có những tâm tư, suy nghĩ?

Thực sự mình rất thương các em. Lứa U19 Việt Nam của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh được nhiều người quan tâm, trong khi lứa U19 năm nay phải chơi dưới sự thờ ơ của khán giả nhà.

Các em cũng khoác lên mình chiếc áo đỏ sao vàng và đang nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo. Nhưng chỉ vì không thích lối đá mà mọi người không quan tâm các em thì có phải quá thiệt thòi cho các em hay không?

Dù sao, các em đã nỗ lực không ngừng để mang lại kỳ tích cho bóng đá Việt Nam. Cũng mong rằng sau kỳ tích ấy, người hâm mộ biết đón nhận và quan tâm hơn đến bóng đá trẻ, công bằng hơn ở mọi cấp độ đội tuyển của bóng đá Việt Nam.

- Có một câu chuyện vui như thế này: Anh từng hỏi Mạc Hồng Quân (tuyển thủ Việt Nam) là "Quân hôm nay không đá hả em?", trong khi Hồng Quân đã chơi hay và là tác giả bàn thắng duy nhất. Đó là cái thiệt của các CĐV, nhất là anh - người "nhạc trưởng" của cả một tập thể, toàn phải nhảy múa, hát hò tiếp lửa mà không biết đến diễn biến trận đấu. Anh có nghĩ vậy không?


Là "nhạc trưởng" của VFS, anh luôn phải quay lưng với diễn biến trận đấu. Ảnh: Hồng Nam

Hôm ấy mình không biết Quân ghi bàn thắng duy nhất thật. Hầu như các trận đấu, người cầm loa ít biết có những ai đá chính, ai dự bị. Câu hỏi thật nhưng Quân lại tưởng đùa nên cũng vui vẻ và mình cũng kịp xin một kiểu ảnh kỷ niệm với Quân.

Với những CĐV thì họ đúng là rất thiệt thòi với vị trí khó xem trận đấu. Với những người cầm loa và điều hành như mình, mọi chuyện còn khó khăn hơn bội phần bởi liên tục phải quay lưng lại để kêu gọi cổ vũ.

Chưa kể việc hò hét nhiều rất ảnh hưởng đến thanh quản của mình, nên có những trận đấu kéo dài đến 120' thì để khỏi khàn giọng phải mất 3-4 ngày. Và chỉ cần một cốc nước lạnh hay trời trở lạnh, người cổ vũ có thể viêm họng bất cứ lúc nào.

- Nhiều người nói: Cái "nghiệp" CĐV Việt Nam nó bạc thật. Bỏ tiền mua vé, mua dụng cụ cổ vũ, bỏ thời gian lên sân, bỏ công sức cổ vũ mà thành tích đội tuyển vẫn không được như mong đợi. Anh nghĩ sao khi họ nhận xét về đam mê của mình như vậy?

Thua thì thua, yêu cứ yêu và đam mê cứ việc đam mê. Mình chẳng mảy may quan tâm tới điều gì khác dù đó tình yêu dai dẳng mà chẳng mấy lần được đáp lại.


Cổ vũ tuyển Việt Nam luôn có buồn nhiều hơn là vui. Ảnh: Hồng Nam

- Khi đội bóng thất bại, điều đầu tiên anh muốn làm là gì?

Thường thì mình hay yêu cầu mọi người giơ những cánh tay lên và hát một khúc cuối của bài "Đường đến ngày vinh quang" của cố nhạc sỹ Trần Lập: ''Ngày đó ngày đó sẽ không xa xôi, và chúng ta là người chiến thắng'' với một niềm tin và tiếp tục chờ đợi.

Chỉ cần trái bóng còn lăn, CĐV sẽ còn tiếp tục yêu thương đội tuyển.

- Anh đã có một cuộc sống nhiều người mơ ước. Chia tay đam mê để dành thời gian cho gia đình cũng là quyết định không quá khó khăn?

Sau AFF Cup vừa rồi thì mình cũng chính thức chia tay Hội CĐV bóng đá Việt Nam - VFS để dành tất cả thời gian cho gia đình và công việc. Dẫu còn nhiều dự định dang dở, song điều kiện lúc này không cho phép mình rong ruổi khắp nơi để theo chân đội tuyển.

Nếu sau này bé Xốp - con mình, lớn hơn mọi thứ thuận lợi thì mình sẽ tiếp tục. Vẫn có một cái hẹn với những CĐV gắn bó với mình vào AFF Cup 2018, mình không quên được.


Cổ động viên nhiệt thành với lời hứa trở lại một ngày không xa. Ảnh: Hồng Nam

- Nhưng với "Sóng Nghệ", ở nhà chứng kiến tuyển Việt Nam thi đấu quả là điều khó khăn khi cái "chất" cổ vũ đã ngấm vào máu?

Đam mê cổ vũ nó đã ăn sâu vào máu mình rồi. Nhưng có trận mình xem TV ở nhà, nhưng có trận mình vẫn đến sân để cảm nhận trọn vẹn bầu không khí cuồng nhiệt. Tình yêu sẽ được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, vì yêu thế nào chẳng là yêu.

- Anh có thể chia sẻ về dự định của cá nhân trong thời gian tới?

Như trên đã nói, hiện tại mình đã nghỉ công tác tổ chức của VFS để dành tất cả thời gian cho gia đình, công việc, bạn bè. Mình chỉ tham gia hỗ trợ cho hội khi cần, thay vì tiếp tục lên sân và điều hành công việc.

Mong rằng dù vui hay buồn, dù thành hay bại, CĐV vẫn dành trọn một tình yêu với bóng đá nước nhà.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện. Chúc anh luôn luôn khỏe mạnh, có nhiều niềm vui và gặt hái nhiều hơn những thành công trong cuộc sống.

Tác giả bài viết: Hồng Nam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP