Thể thao

Giải mã sự độc đáo của bóng đá trẻ Nhật Bản

Môi trường và điều kiện địa lý ảnh hưởng quan trọng đến khâu đào tạo trẻ của các nền bóng đá. Bóng đá Nhật Bản trở thành ví dụ điển hình cho điều đó.

Không giống với Brazil, Tây Ban Nha hay Mỹ, người Nhật có phương pháp đào tạo bóng đá trẻ rất độc đáo. Họ hình thành bản sắc trong lối chơi dựa vào điều kiện môi trường nước nhà để từ đó tìm ra phương pháp huấn luyện phù hợp nhất cho các cầu thủ.

Địa hình chủ yếu ở Nhật Bản không bằng phẳng. Những cầu thủ nhí theo đó phải chơi bóng trên mặt sân đầy cát bụi bặm, gồ ghề và dơ bẩn chứ không phải thảm cỏ xanh mượt sạch sẽ.

Việc cơ sở hạ tầng thiếu các trang thiết bị hiện đại và thời tiết khắc nghiệt khiến trẻ em Nhật Bản bắt buộc phải thi đấu ở những nơi như vậy. Điều này tạo ra ảnh hưởng khác nhau đến lứa cầu thủ nhí.


Nhiều cầu thủ nhí Nhật Bản phải chơi bóng trên mặt sân cát đầy bụi bặm.

Đầu tiên, mặt sân không bằng phẳng và bụi bặm khiến trái bóng khó điều khiển. Nó sẽ lăn liên tục và làm quỹ đạo đi rất khó lường. Điều này tạo ra hai thái cực khác nhau.

Hễ chơi trên mặt sân kém chất lượng, các cầu thủ Nhật kiểm soát bóng tốt hơn đối phương. Nhưng ngược lại, họ ít rê, dắt vì khiến việc điều khiển bóng khó khăn hơn.

Để kiểm soát bóng trên mặt sân xấu, cầu thủ phải nỗ lực rèn luyện kỹ thuật cá nhân. Theo thời gian, các cầu thủ nhí trở thành những người kiểm soát bóng rất tốt khi trưởng thành.

Điều này giải thích vì sao đội tuyển Nhật Bản hay lứa cầu thủ trẻ khác luôn được đánh giá cao về khả năng điều khiển bóng.

Chơi trên mặt bụi bặm rất bất lợi. Thế nhưng điều đó rèn luyện cho cầu thủ Nhật Bản một tính nhân văn.


Không có nhiều cầu thủ nhí được chơi bóng trên mặt sân cỏ xanh mượt và hiện đại.

Không giống các mặt sân cỏ nhân tạo hay tự nhiên, sân đất trở nên lầy lội và dơ bẩn sau mỗi trận đấu hay tập luyện. Các cầu thủ nhí của Nhật lúc này được dạy phải luôn giữ cho mặt sân sạch sẽ.

Sau mỗi trận đấu hay tập luyện, cả đội cùng nhau làm sạch mặt sân. Khi trời mưa, bọn trẻ không ra sân tập luyện. Công việc của chúng là rút nước để làm khô mặt sân. Điều này hình thành nhận thức sâu sắc trong tư duy cầu thủ nhí.

Các HLV xem việc dọn dẹp sân giống như cội rễ xây dựng một tuyển Nhật có bản sắc riêng khi luôn thi đấu với phong cách "thành thật" và tinh thần fair-play.

Người Nhật lấy "chủ nghĩa hoàn hảo" làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Trong bóng đá, các HLV cũng áp dụng điều này. Trẻ em Nhật Bản được dạy rằng mắc sai lầm là điều không tốt.

Trên sân, người ta thường thấy những ông thầy quát mắng hay trừng phạt cầu thủ mỗi khi chúng phạm sai lầm. Hình thức có thể là chạy quanh sân.

Các cầu thủ từ đó hiểu rằng phải tránh rủi ro dẫn đến sai lầm. Từng cú sút, đường chuyền và kiểm soát bóng phải được thực hiện cẩn thận. Do không muốn rủi ro, nhiều cầu thủ chọn đường chuyền ngắn, thay vì chuyền dài.

Kết quả dẫn đến lối chơi tuyển Nhật đi theo trường phái chơi bóng ngắn, ban bật và có xu hướng kiểm soát thế trận.


Các cầu thủ Nhật rất ít dứt điểm. Họ chỉ sút khi chắc chắn thành bàn.

Khi theo dõi giải J.League của Nhật Bản, dễ nhận thấy bản sắc chung trong lối chơi các đội bóng. Họ sở hữu nhiều cầu thủ rất có kỹ thuật, chơi bóng ngắn và sút khá ít.

Thống kê cho thấy trung bình các pha dứt điểm vào năm 2012 của một đội tại J.League chỉ dừng lại ở con số 10,9, thấp hơn so với giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS) với 12,8 cú sút mỗi trận.

Đó là vì cầu thủ Nhật hiểu rằng rủi ro từ những đường chuyền và sút xa bất cẩn sẽ khiến họ mất bóng.

Những năm gần đây, lối chơi tiqui-taka của Barcelona và tuyển Tây Ban Nha trở nên thịnh hành. Nhiều nền bóng đá cũng tìm cách sao chép công thức này. Nhưng không phải đội nào cứ học theo đều thành công. Đó là vì môi trường và hoàn cảnh không phù hợp.

Với người Nhật, họ không cần sao chép lối chơi bất kỳ ai. Chính điều kiện địa lý và môi trường tự giúp các cầu thủ tìm ra bản sắc sao cho thích hợp.

(Bài viết được lược dịch theo cây bút Hiroki Kobayashi của World of Soccer)

Tác giả bài viết: Nguyên Trí Ảnh: Getty Images

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP