Thể thao

Chủ tịch SLNA Nguyễn Hồng Thanh: ‘Làm bóng đá kiểu này khó có Ánh Viên sân cỏ’

Bóng đá Việt Nam bấy lâu nay tồn tại nghịch cảnh. Các ĐT trẻ thường không được kỳ vọng lại tạo dấu ấn đậm nét. Tuy nhiên, khi bước vào ngưỡng cửa chuyên nghiệp, họ dần dần bị rơi rụng. Ông Nguyễn Hồng Thanh đã có cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa.

Có một thực tế, bóng đá Việt Nam luôn có thành tích tốt ở các cấp độ đội trẻ nhưng khi lên đến tuyến U23 rồi ĐTQG, thành tích cứ thế giảm dần? Ông Nguyễn Hồng Thanh phân tích lý do chính nằm ở chiến lược đầu tư. Như Ánh Viên chẳng hạn, nếu chỉ đầu tư trong nước thì số huy chương của Ánh Viên chỉ ở mức độ khiêm tốn, nhưng khi đưa sang Mỹ sẽ khác. Ở đó, Ánh Viên được hưởng chế độ dinh dưỡng, khoa học tốt nhất, được cọ xát với các đối thủ mạnh, được tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp. Các tài năng bóng đá cũng cần phải đầu tư chuyên sâu, nếu chế độ thấp, thầy không chất lượng thì khó có Ánh Viên trong bóng đá. Đặc thù đào tạo con người ở địa hạt bóng đá rất khó.

Ở Việt Nam hiện tại tồn tại song song hai mô hình đào tạo trẻ là Học viện và Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Ông Thanh cho rằng mô hình nào cũng có mặt mạnh, hạn chế khác nhau. “Tùy vào tiềm lực tài chính mà mỗi địa phương chọn cho mình hình thức đào tạo. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề đó không quan trọng. Mấu chốt nằm ở hai điểm: tiềm lực tài chính và chủ trương, kế hoạch phát triển. Khi có những điều này rồi thì phải có bước tiếp theo. Đó là học hỏi ở các học viện danh tiếng bằng cách mời các chuyên gia hoặc thuê HLV, thay đổi về chế độ dinh dưỡng, có lộ trình thi đấu rõ ràng.

Theo ông Nguyễn Hồng Thanh U16 Việt Nam vẫn cần nhiều điều kiện mới tránh khỏi bị thui chột. Ảnh: Phương Nam

Bên cạnh đó, những cầu thủ trẻ xuất chúng, dạng cá biệt cần có mức độ đầu tư bài bản, xem là tài sản quốc gia. Cái này Liên đoàn sẽ sắm vai chính. Nếu họ không có tiềm lực thì phải phối hợp với các đội bóng. Nếu cần thiết, Chính phủ, Bộ VH, TT & DL có ý kiến chỉ đạo để các đội bóng yên tâm gửi gắm cầu thủ của mình cho VFF. Và khi VFF đào tạo trở thành cầu thủ trưởng thành rồi thì phải trả họ về cho các đội bóng”.

Theo ông Thanh, CLB cần đảm bảo tiềm lực tài chính và có lộ trình phát triển rõ ràng. Ngoài ra, Nhà nước cùng các cấp lãnh đạo cần động viên và tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Khi bắt tay với các học viện danh tiếng thì mấu chốt là họ phải đảm bảo đưa sang Việt Nam những chuyên gia chất lượng, tận dụng khoa học công nghệ của mình thì mới may ra có bước tiến vượt bậc.

Không chỉ SLNA mà nhiều lò đào tạo trẻ truyền thống đều đang gặp khó khăn. Ngược lại, những lò mới ra đời như PVF, Viettel hay Hà Nội T&T đang thống lĩnh ở cấp độ trẻ. Chủ tịch SLNA nêu lên 3 điều khác biệt: tài chính, cơ chế và con người. “Tôi lấy ví dụ ở SLNA. Không có tiềm lực tài chính mạnh nên khâu tuyển chọn thua xa. SLNA chỉ tuyển chọn trong tỉnh còn những lò mới nổi tuyển chọn cả nước cho nên đầu vào mình không thể bằng. Chưa kể, trong tỉnh mình mà họ nhảy vào thì mình cũng thua. Thứ nữa là cơ chế của VĐV. SLNA mới chỉ để cho VĐV ăn no. Ngoài ra, lương dành cho HLV cũng thấp hơn nhiều.

Và không riêng gì SLNA, những địa phương đang có sự chững lại cũng gặp những khó khăn cơ bản trên”.

Tác giả bài viết: Trần Khánh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP