Thể thao

Chàng kỹ sư xin vào tuyển Việt Nam và nỗi hổ thẹn của Premier League

Một chuyện cực sốc vừa xảy ra tại làng bóng Việt Nam vào hôm 30-9, khi HLV trưởng Hữu Thắng bị dúi vào tay tập hồ sơ xin thử việc ở ĐTQG của một kỹ sư đến từ Quảng Nam.


Chàng kỹ sư Phạm Quang Anh Tú gây sốc khi viết đơn xin thử việc ở ĐT Việt Nam.

Đừng nói là ở Việt Nam, trên khắp thế giới có lẽ cũng chưa từng có trường hợp một CĐV kiêm cầu thủ không chuyên chính thức đề đạt nguyện vọng được khoác chiếc áo đại diện cho cả một đất nước. Dư luận cho rằng, anh chàng người Quảng Nam nọ làm chuyện "động trời" cốt chỉ để trở nên nổi tiếng, hoặc đơn giản là có vấn đề về đầu óc.

Để được đứng trong hàng ngũ tinh hoa thể thao của một quốc gia, ngoài năng khiếu và đam mê thì người ta cần phải có cả một quá trình dài luyện tập nghiêm túc, bài bản, chuẩn mực. Chưa thấy ai ngủ dậy sau một đêm bỗng dưng thấy mình biến thành Crisiano Ronaldo hay Lionel Messi cả.

Nhưng dù hài hước đến đâu, câu chuyện của chàng kỹ sư Quảng Nam kia cũng có ít nhất một điểm đáng suy nghĩ. Muốn thành công, yếu tố đầu tiên chính là sự mạnh dạn. "Có chí làm quan, có gan làm giàu" - lời dạy được đúc kết từ ngàn xưa. Bóng đá, một môn chơi có tính đối kháng cao và sức ép rất lớn từ hàng vạn "chiếc loa thùng" sẵn sàng tuôn ra ngay cả những từ ngữ tục tĩu nhất từ 4 phía khán đài, càng cần đến sự quả cảm.

Tại Premier League, một trong số những CLB có "máu mặt" nhất là Tottenham vẫn trung thành với khẩu hiệu bằng tiếng Latin: "Audere Est Facere". Dịch theo lối "phủi", cụm từ ấy có nghĩa là... liều ăn nhiều. "Các em sẽ trượt tất cả các cú sút mà các em không dám thực hiện trước cầu môn đối phương", câu nói ưa thích của một chuyên gia đào tạo trẻ thuộc sân White Hart Lane.

Premier League hấp dẫn cầu thủ ngoại, nhưng cầu thủ Anh lại không đủ can đảm để thử sức ở những giải đấu khác.

Nhưng nói là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác. Bao nhiêu năm qua, ngoại trừ chức vô địch được tạo dựng nhờ lợi thế sân nhà và sự thiên vị trắng trợn của các trọng tài tại World Cup 1966, tuyển Anh chẳng thể giành được bất kỳ danh hiệu nào. Nguyên nhân thì có nhiều, song chủ yếu vẫn là do các cầu thủ Anh không đủ bình tĩnh, dũng cảm và kinh nghiệm ở những thời khắc quyết định.

Đa số các cầu thủ Anh đều chỉ thi đấu cả đời tại Premier League. Họ tâm niệm rằng chẳng việc gì phải rời bỏ giải VĐQG giàu sức hút và tiền bạc nhất hành tinh. Nhìn lại toàn bộ lịch sử, số lượng cầu thủ Anh ra nước ngoài thi đấu có vẻ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thập niên 1970 có Kevin Keegan tới Hamburg. Thập niên 1980 có Gary Lineker tại Barcelona. Sau có thêm Glenn Hoddle tại Monaco, Paul Gascoigne tại Lazio; David Platt tại Sampdoria; Steve McManaman, David Beckham, Jonathan Woodgate và Michael Owen tại Real Madrid... Xét về khía cạnh vật chất, hành động thu mình trong vỏ ốc của đám cầu thủ Anh không có gì sai. Tuy nhiên, ở góc độ trải nghiệm, đó là một sự nuối tiếc lớn.

Trước thềm mùa giải 2016/17, trong cơn lũ các cầu thủ ngoại đổ xô đến Premier League với giấc mơ đổi đời, chỉ có một cầu thủ Anh xách hành trang đi biệt xứ. Nhân vật mà chúng ta vừa nhắc tới không phải ai khác ngoài Joe Hart, thủ môn số 1 của ĐT Anh. Hart rời Man City không phải vì anh muốn thế, mà vì anh không còn nằm trong kế hoạch sử dụng của tân chiến lược gia Pep Guardiola.

Chỉ có 1 cầu thủ Anh là Joe Hart rời Premier League để ra nước ngoài thi đấu ở mùa giải 2016/17.

Trên thực tế, dù mất vị trí tại Man City, Hart vẫn có không ít cơ hội để ở lại xứ sở sương mù. Rất nhiều đội bóng đã đánh tiếng muốn chiêu mộ Hart, không chỉ các CLB tầm trung mà nghe đồn có cả Liverpool. Nhưng cuối cùng, Hart đã quyết định đi xa quê. Điểm đến mà thủ thành gốc Shrewsbury lựa chọn là Torino, một đội bóng không nhiều tham vọng tại giải Serie A.

Và ở tuổi 29 muộn màng, Hart xem ra sẽ chẳng học hỏi được gì nhiều từ chuyến đi tới nước Ý. Giá như Hart và các cầu thủ đồng hương của mình mạnh dạn "du học" sớm hơn, để rồi trở lại Premier League khi đã trưởng thành thì ĐT Anh nói riêng và bóng đá Anh được lợi biết mấy.

Mà tiến trình xin cọ xát tại nước ngoài đối với một cầu thủ Anh đâu có phức tạp gì cho cam. Nếu anh chàng kỹ sư Việt Nam "điếc không sợ súng" kia phải làm một bộ hồ sơ dày 5 trang và rình mãi mới có cơ hội để ấn vào tay HLV Hữu Thắng, thì tất cả những gì một tài năng trẻ từ lò Premier League phải làm khi có ý định tới La Liga hoặc Serie A chỉ là một chút dũng cảm và một cuộc điện thoại ngắn gọn tới người đại diện.

Đơn giản thế thôi, cớ sao không vung tay lên nổi???

Tác giả bài viết: Quốc Bảo

Nguồn tin:

  Từ khóa: hồ sơ ,kỹ sư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP