Thể thao

Bóng đá Trung Quốc khó 'hóa rồng' dù đầu tư hàng tỷ USD

Người Trung Quốc hy vọng sản sinh ra lứa cầu thủ hàng đầu thế giới trong tương lai. Họ thực hiện điều đó bằng cách xây dựng hàng ngàn học viện bóng đá.

Thế nhưng các chuyên gia lại bày tỏ sự hoài nghi với kế hoạch trên và nhìn thấy một sự lãng phí. Mặc cho điều đó, những lò đào tạo bóng đá vẫn cứ mọc như nấm với tham vọng sản sinh ra lứa siêu sao Cristiano Ronaldo, Lionel Messi, Neymar...

Trải dài khắp Trung Quốc sẽ có khoảng 20.000 lò đào tạo bóng đá ra đời. Ở Quảng Châu, học viện Evergrande lớn nhất thế giới đã đi vào hoạt động với hơn 2.000 học viên tập luyện. Tại khu đánh golf Mission Hills thuộc Hải Nam, một tổ phức hợp cũng sắp ra đời để phục vụ hơn 1.000 học viên nhí.

Học viện bóng đá bùng nổ không đi đôi với thành công.


Số học viện bóng đá ở Trung Quốc sẽ còn tăng vọt. Dù vậy, nhiều chuyên gia tin mô hình đào tạo bóng đá tại đất nước tỷ dân đang thiếu một thứ rất cơ bản.

Tom Byer, huấn luyện viên sống tại Nhật được Trung Quốc thuê đào tạo cho các cầu thủ, lắc đầu ngao ngán khi được hỏi về sự bùng nổ các học viện. "Họ đang đi sai hướng", Tom Byer nói. "Mọi người đang lạc lối bởi tư duy cũ mòn".

Ông lật lại những sai lầm từ quá khứ. "Hãy nhìn, Mỹ, Australia, Ấn Độ... các quốc gia này đầu tư rất nhiều vào những lò đào tạo bóng đá. Thế nhưng có bao nhiêu siêu sao được sản sinh? Nhiều quốc gia luôn suy nghĩ cứ chi hàng trăm triệu USD sẽ mở khóa được bí ẩn của sự phát triển", Byer chia sẻ.

Người Trung Quốc cũng thiếu nền tảng cơ bản cho cầu thủ nhí. Ví dụ như điều khiển bóng, Tom Byer cho rằng đây là kỹ thuật khó nhất và một học viên phải tập từ lúc rất nhỏ. Chúng cần rèn luyện hàng giờ để điều khiển, hiểu được tầm quan trọng hơn là chạy loanh quanh rồi đuổi theo bóng.

Người Trung Quốc thiếu định hướng cơ bản cho cầu thủ nhí.


Tại Nam Mỹ không có nhiều học viện bóng đá, vì vậy Lionel Messi và Neymar toàn học hỏi kỹ năng chơi bóng từ đường phố. Họ làm quen với trái bóng rất sớm và không có HLV nào chỉ dạy. Nhưng điều đó giúp các ngôi sao Nam Mỹ nắm vững kỹ thuật cơ bản từ sớm.

Đồng quan điểm với Byer có cựu trung vệ Rio Ferdinand. Anh cho rằng trẻ em cần phát triển bóng đá "sớm nhất có thể", thậm chí trước lúc vào học viện.

Song, người Trung Quốc không có sự kiên nhẫn để nghe theo lời khuyên của Tom Byer và Ferdinand. Năm 2022, Trung Quốc phải giành quyền dự World Cup. 50 năm tiếp theo, thế hệ những Messi, Ronaldo, Beckham mới sẽ đến từ Trung Quốc.

Gần đây, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "hóa rồng" bóng đá nước nhà. Họ hợp tác với Barcelona, theo đó đại diện xứ Catalan sẽ cử các HLV tới Trung Quốc để huấn luyện cầu thủ nhí. Ngoài ra, bóng đá nhiều khả năng trở thành môn học được giảng dạy trong trường.

Những điều đó rất phù hợp trên chặng đường phát triển bóng đá của Trung Quốc. Rio Ferdinand cũng thừa nhận quốc gia này có tiềm năng trở thành cường quốc bóng đá. Thế nhưng điều đó chỉ thành hiện thực nếu bọn trẻ làm quen với bóng đá đủ sớm. Bằng không, mọi nỗ lực sẽ lãng phí.

"Kế hoạch của người Trung Quốc không phải trong 5 năm, mà là 10, 15, 20 năm vì họ có xuất phát điểm rất thấp. Tôi nghĩ bóng đá Trung Quốc chỉ phát triển nếu trẻ em bắt đầu chơi bóng ở độ tuổi 7 trở xuống. Nếu để các cầu thủ nhí làm quen với bóng đá sớm, có khi Trung Quốc sẽ vượt qua cả người Anh. Tuy nhiên, vấn đề là họ không quan tâm đến độ tuổi nào phù hợp để trẻ em chơi bóng đá", Ferdinand cho biết.

Tác giả bài viết: Nguyên Trí

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP