Thế giới

Trung Quốc phát hiện trữ lượng lớn băng cháy ở Biển Đông

Sự phong phú tài nguyên sẽ không giúp làm giảm các xung đột chính trị sâu sắc ở các vùng tranh chấp, mà có xu hướng làm trầm trọng thêm vấn đề chủ quyền ởBiển Đông.

Tờ Bưu điện Hoa Nam ngày 27/6 đưa tin cho biết, Trung Quốc đã phát hiện trữ lượng băng cháy rất lớn ở Biển Đông, gần lưu vực miệng Pearl River. Đây có thể là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển nhiên liệu tinh khiết cao như một nguồn năng lượng tiềm năng mới.

Băng cháy. Ảnh SCMP.


Theo tờ Quảng Châu Nhật báo, cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc khẳng định có băng cháy ở Biển Đông, gần bờ biển của lưu vực miệng Pearl River ba năm trước. Trung Quốc tin rằng khu vực này có thể chứa khoảng 100 đến 150 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên. Nguồn khí đốt tự nhiên này trải dài trên một vành đai rộng 350 km2, ở độ sâu khoảng 1350-1430 mét dưới mặt nước biển.

Băng cháy hay hydrat metan là các tinh thể băng tinh khiết có chứa khí dễ cháy bên trong. Băng cháy tồn tại dưới dạng hỗn hợp rắn, trông bề ngoài giống băng hoặc cồn khô, ở dạng tinh thể màu trắng, xám hoặc vàng, có thể trong suốt hoặc mờ đục, được hình thành trong điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp.

Băng cháy là nguồn năng lượng mới, được rất nhiều quốc gia quan tâm vì trữ lượng khổng lồ của nó. Loại khoáng sản năng lượng mới này dự báo lớn gấp 3 lần tổng tài nguyên năng lượng hóa thạch được biết đến trên toàn thế giới. Một mét khối băng cháy chứa khoảng 164 mét khối khí đốt tự nhiên. Do đó, nó được xem là một dạng nén khí đốt hoàn hảo. Nó cũng sạch hơn so với nhiên liệu hóa thạch khác vì chứa ít thành phần gây ô nhiễm.

Băng cháy đã được phát hiện tại hơn 100 quốc gia, nơi nó bị chôn vùi trong lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực và dưới đáy đại dương. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có trữ lượng băng cháy khá lớn. Từ năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị khoa học về băng cháy. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định, chương trình nghiên cứu, đánh giá tài nguyên băng cháy hướng tới thăm dò băng cháy trên những vùng biển và thềm lục địa có triển vọng.

Tuy nhiên, việc khai quật băng cháy để sử dụng cho mục đích thương mại là một thách thức lớn. Chúng rất dễ tan và bay hơi. Hơn nữ, các nỗ lực khai thác loại khí đốt ở sâu dưới đáy biển này có thể dẫn tới các nguy cơ sạt lở đất.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, Trung Quốc đã triển khai tàu lặn điều khiển từ xa Seahorse có thể lặn ở độ sâu 4.500 mét để thăm dò trữ lượng băng cháy ở Biển Đông.

Biển Đông vốn là một vùng biển không chỉ có vai trò quan trọng về thương mại hàng hải mà còn rất giàu tài nguyên thiên nhiên, có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt phong phú.

Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế, việc phát hiện các mỏ dầu, khí đốt, băng cháy lớn ở Biển Đông có thể là một yếu tố góp phần làm leo thang căng thẳng trong vùng biển này, thúc đẩy các chính sách bành trướng mạnh mẽ hơn nữa của Trung Quốc - quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và luôn đói khát tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nhiên liệu.

"Sự phong phú tài nguyên sẽ không giúp làm giảm các xung đột chính trị sâu sắc ở các vùng tranh chấp, mà có xu hướng làm trầm trọng thêm vấn đề chủ quyền ởBiển Đông", Ely Ratner - Phó Giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới cảnh báo.

Tác giả bài viết: Hoàng Hải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP