Thế giới

Thêm giả thiết bất ngờ về vụ MH370 mất tích

Một nhà báo chuyên về lĩnh vực hàng không là Christine Negroni đã đưa ra một giả thiết mới, giải thích về sự biến mất của máy bay MH370.

Trong cuốn sách ‘The Crash Detectives’, nhà báo Negroni giải thích rằng, chiếc máy bay MH370 bị rơi sau khi cơ trưởng Zaharie Ahamd Shah đi vào nhà vệ sinh.

Một phần mảnh vỡ của máy bay MH370. Ảnh: Reuters

Chiếc Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines số hiệu MH370, chở theo 239 người mất tích hôm 8/3/2014, khi bay từ Kualar Lumpua đi Bắc Kinh.

40 phút sau khi cất cánh, máy bay mất liên lạc với kiểm soát không lưu.

Theo Mirror, nhà báo Christine Negroni tin rằng khi cơ trưởng đi vào nhà vệ sinh, trong buồng lái có một tiếng nổ do giảm áp, khiến không khí bị hút khỏi buồng máy bay, và đẩy hành khách vào cảnh tai ương.

Cụ thể, trong lúc ông Zaharie vắng mặt khỏi buồng lái, cơ phó Fariq Abdul Hamid có nhiệm vụ chính là thiết lập liên lạc với điều phối viên không lưu của Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh.

Các điều phối viên không lưu ở Kuala Lumpur bật tín hiệu chuyển giao vào lúc 1:19’ sáng ngày 8/3/2014, gửi tín hiệu radio: “370 của Malaysia, liên lạc với Tp Hồ Chí Minh 120.9. Buổi tối tốt lành”.

Theo tờ New York Post, Negroni cho rằng không lâu sau, thảm kịch bắt đầu xảy ra.

Việc giảm áp ‘có thể đã gây ra tiếng động lớn, như tiếng vỗ mạnh, hoặc tiếng mở nút chai rượu vang’.

“Sự việc diễn ra sau đó có thể là các luồng khí bị hút ra phía ngoài, mọi vật bị cuốn tung lên, gió thổi bay tất cả mọi thứ” – nhà báo Negroni giải thích.

Do con người không thể thở trong không khí loãng ở độ cao hơn 10km, nên buồng máy bay đã được bơm thêm không khí tương đương mức áp suất ở độ cao 2,4 km.

Nhưng Negroni cho rằng, hệ thống oxy trong buồng lái cũng có vấn đề, thậm chí ngay cả với số mặt nạ dưỡng khí, cơ phó Fariq không thể suy tính hợp lý và tay của cơ phó có thể bắt đầu phản xạ không chính xác.

Negroni lý giải rằng cơ trưởng Zaharie có thể đã không kịp quay trở lại buồng lái, do thiếu oxy trong không khí và không thể điều khiển máy bay.

Trong tình huống đó, người cơ phó thiếu kinh nghiệm lại nắm quyền cầm lái. Negroni cho rằng việc cầm lái máy bay khi đó ngoài khả năng của cơ phó.

Những gì xảy ra sau đó là máy bay tiếp tục bay theo hướng Ấn Độ Dương, có thể trong chế độ lái tự động, rồi biến mất.

Tác giả bài viết: Lê Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP