Thế giới

Nga lo vũ khí Mỹ vào Việt Nam?

Việt Nam quan tâm tới việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí nhưng sẽ không vội vã, và Nga vẫn có cách hưởng lợi.

Học máy bay Nga, khó lái máy bay Mỹ!

Ngày 23/5, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, tờ Quan điểm của Nga đã cho đăng tải bài bình luận “Mỹ nỗ lực trở lại Việt Nam bằng sự hỗ trợ vũ khí”.

Bài báo cho biết đích thân Tổng thống Obama trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã tuyên bố Mỹ quyết định gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vốn đã tồn tại nửa thế kỷ qua.

Bài viết trên tờ Quan điểm của Nga ngày 23/5


Tờ báo Nga cũng điểm lại những bước phát triển trong quan hệ song phương Việt-Mỹ. Theo đó, ông Obama trở thành Tổng thống thứ 3 của Mỹ thăm chính thức Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Trước đó là chuyến thăm năm 2000 của Tổng thống Bill Clinton và năm 2006 của Tổng thống George Bush để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng 3 lần thăm chính thức Mỹ: chuyến thăm năm 2007 của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, chuyến thăm năm 2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và chuyến thăm vào mùa hè năm 2015 của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Mỹ tăng từ mức 2 tỷ USD năm 2001 lên 40 tỷ USD năm 2015.

Theo đánh giá của tờ Quan điểm, trong những năm qua, quan hệ Việt-Mỹ đã được “ổn định”, nhưng “ký ức về Chiến tranh Việt Nam không cho phép hai nước mua bán vũ khí”.

Tờ USA Today của Mỹ đưa tin về việc Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam


Bài báo dẫn lời ông Konstantin Sivkov, Phó Chủ tịch thứ nhất Viện các vấn đề địa chính trị, cho biết có những yếu tố khác nhau ảnh hưởng tới nước này hay nước khác khi quyết định mua vũ khí của nước ngoài.

Ông Sivkov nói: “Vấn đề nằm ở chỗ khi một quốc gia xây dựng lực lượng vũ trang của mình và biết rằng không thể tự đảm bảo hoàn toàn vũ khí trang bị kỹ thuật thì vấn đề đặt ra là lựa chọn nhà cung cấp nước ngoài nào. Khi đó sẽ bắt đầu cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng đối lập”.

Theo ông Sivkov, xu hướng thứ nhất hướng tới việc đa dạng hóa tối đa nguồn cung, hay nói đơn giản là mua vũ khí từ rất nhiều nhà cung cấp ở các nước khác nhau. Nếu một nước nào đó “đá” thì tiềm lực chiến đấu của quân đội chỉ ảnh hưởng chút ít chứ không trầm trọng bởi sẽ có các nguồn cung khác.

Tuy nhiên, để có được vũ khí từ các nhà cung cấp ở các nước khác nhau, cần phải có hệ thống quản lý lực lượng vũ trang tiên tiến hơn, tốn kém hơn và phức tạp hơn.

Nếu những phi công Việt Nam đã học lái máy bay Nga thì họ sẽ gặp không ít vấn đề khi chuyển sang máy bay Mỹ, và ngược lại. Khi đó sẽ cần thêm tiền để đào tạo lại phi công, để chuẩn bị lại cơ sở kỹ thuật với trang thiết bị mới…

Ông Sivkov nói: “Việt Nam là một đất nước không giàu. Chưa hẳn ngay hôm nay hay ngày mai họ có thể cho phép mình thiết lập hệ thống vũ khí đa dạng hóa bằng cách mua vũ khí, mà sẽ tiếp tục với hệ thống cung cấp tương đồng và dễ hiểu hơn”.


Nga chưa lo lắng

Tờ báo dẫn lời ông Sivkov nói: “Rất lâu nữa họ (người Việt Nam) vẫn chưa thể quên những gì người Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Hơn nữa, trước mắt họ đã có nhiều ví dụ cách đây không lâu khi một số nước quyết định khôi phục quan hệ với Mỹ nhưng có một kết cục tồi. Đó là Libya, Nam Tư”.

Hình ảnh một chiếc F-5 trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được báo chí Mỹ đăng tải


Theo tờ Quan điểm, tất cả những điều đó dẫn tới thực tế Việt Nam “sẽ quan tâm tới việc gỡ bỏ lệnh cấm” và chắc chắn sẽ mua “điểm” một vài vũ khí của người Mỹ nhưng chỉ là để “làm quen với vũ khí và trang bị kỹ thuật của kẻ thù tiềm tàng”. Việc mua sắm ồ ạt chắc chắn sẽ không có.

Chính vì vậy, bài báo cho rằng các nhà cung cấp Nga ở thị trường Việt Nam chưa có gì phải lo ngại người Mỹ.

Chuyên gia Sivkov còn lạc quan cho rằng: “Sắp tới chúng ta thậm chí có thể giành chiến thắng từ điều đó. Có thể, chúng ta sẽ có được những tính năng nào đó của vũ khí Mỹ, với chính sách khôn ngoan của chúng ta”.

Tổng biên tập tạp chí “Xuất khẩu vũ khí” của Nga, ông Andrei Frolov thì cho rằng sẽ có rất ít thay đổi liên quan tới quyết định của ông Obama.

Tàu ngầm Kilo do Nga sản xuất cho Việt Nam

Ông Frolov nói: “Tôi nghĩ, đây đơn giản chỉ là nói về một cơ sở pháp lý nào đó rằng việc bán vũ khí như vậy về nguyên tắc là có thể. Nhưng tôi không nghĩ rằng ngay ngày mai Việt Nam sẽ vội vã mua vũ khí của Mỹ”.

Khi bình luận về lo ngại viễn cảnh cạnh tranh giữa Nga và Mỹ đối với thị trường vũ khí Việt Nam, ông Frolov cho rằng cuộc đấu cạnh tranh ác liệt đang diễn ra ở đây ngay cả khi chưa có sự tham gia của người Mỹ. Trước hết, đó là các nhà cung cấp vũ khí từ Israel và các nước châu Âu.

Trong phần cuối, bài báo trên tờ Quan điểm cho biết ngay từ lâu đã có ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ trở thành nơi cạnh tranh giữa Nga và Mỹ và Washington cũng đang nỗ lực đóng vai trò lớn hơn trong cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới các hòn đảo tranh chấp.

Tuy nhiên, bài báo kết luận rằng: “Trong khi đó, Nga vẫn luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác chính của mình ở châu Á”.

Tác giả bài viết: Bảo Minh

  Từ khóa: vội vã ,quan tâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP