Thế giới

Biển Đông sẽ có thêm tên mới?

Đang có nhiều ý kiến và động thái hướng tới tìm thêm một tên quốc tế mới cho Biển Đông, thay vì “South China Sea” vốn thường xuyên bị lợi dụng.

Trung Quốc tuần tra phi pháp trên Biển Đông


Trong lúc tình hình Biển Đông vẫn đang có nhiều biến động xuất phát từ những hành động gây quan ngại của Trung Quốc, nhiều bên đã đặt ra vấn đề xoay quanh cái tên tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trong các tài liệu quốc tế là “South China Sea” (biển Nam Trung Hoa).

Trắng trợn lợi dụng

Trên thực tế, tên của một vùng biển hay đại dương không nhất thiết bao hàm ý nghĩa về chủ quyền mà xuất phát từ cách gọi, đôi khi cảm tính của các nhà thám hiểm hàng hải và các chuyên gia vẽ bản đồ trong quá khứ. Chẳng hạn như Ấn Độ không một mình chiếm hữu Ấn Độ Dương và Mexico cũng không thể tuyên bố chủ quyền với toàn bộ vịnh Mexico. Tuy nhiên, với ý đồ tìm mọi cách áp đặt tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, giới chức Trung Quốc không ngần ngại lợi dụng tên “South China Sea”.

Theo tờ The Wall Street Journal, Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải Viên Dự Bách hồi tháng 9.2015 trắng trợn tuyên bố “South China Sea, giống như cái tên đã chỉ ra, là vùng biển thuộc về Trung Quốc”. Viên phó đô đốc này còn ngang nhiên bóp méo lịch sử khi nói Biển Đông thuộc về Trung Quốc kể từ đời nhà Hán cách đây 2.000 năm.

Sau đó, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris đã cực lực phản bác lập luận sai trái nói trên: “South China Sea không thuộc về Trung Quốc cũng như vịnh Mexico không thể thuộc về Mexico”.
Ngoài ra, “South China Sea” cũng mới xuất hiện vào đầu thế kỷ 20. The Wall Street Journal dẫn lời giới chuyên gia chỉ ra rằng các nhà hàng hải Bồ Đào Nha đến khu vực vào đầu thế kỷ 16, họ gọi phần phía tây Biển Đông là biển Chiêm Thành còn phía đông là biển Luzon. Trước đó, các tàu Ả Rập hồi thế kỷ thứ 10 dùng tên biển Malay để chỉ vùng biển tây nam nằm giữa eo Sumatra và Chiêm Thành. Đến tận sau 1800, cụm từ “China Sea” (biển Trung Hoa) mới xuất hiện trên các bản đồ phương Tây do các tàu buôn dùng Trung Quốc, đối tác giao thương lớn nhất của họ trong khu vực lúc đó, để làm mốc chứ cũng không có hàm ý gì về chủ quyền. Và cũng mãi đến thập niên 1930, tên “South China Sea” mới được dùng để phân biệt với “East China Sea” (biển Hoa Đông).

Người dân ngồi bên ngoài một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh xem tin tức về tranh chấp Biển Đông phát trên truyền hình Trung Quốc Reuters


Động thái của Indonesia

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến tên gọi ở Biển Đông, Indonesia tuyên bố sẽ đặt tên cho vùng biển xung quanh các quần đảo Natuna và Anambas của nước này là “biển Natuna”, theo tờ The Jakarta Post. Động thái này được cho là nhằm bảo vệ khu vực khỏi sự đe dọa của “đường lưỡi bò”.

Jakarta không trực tiếp tham gia tranh chấp đối với Hoàng Sa và Trường Sa nhưng vùng biển xung quanh Natuna cũng bị đường lưỡi bò liếm trúng, đồng thời tàu cá, tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hoạt động phi pháp tại đây. Kyodo News dẫn lời giới chức Indonesia cho biết nước này sẽ sớm hoàn tất hồ sơ để chính thức nộp lên LHQ.

Trước Indonesia, vào năm 2012, Philippines cũng đã đổi tên một phần Biển Đông trên các bản đồ và thư từ chính thức của chính phủ thành “West Philippine Sea” (biển Tây Philippines) nhưng không được công nhận rộng rãi.

Ngoài ra, đã và đang có nhiều nỗ lực tìm kiếm tên quốc tế mới cho Biển Đông nhằm ngăn chặn mọi ý đồ lợi dụng. Trong số những cái tên tiềm năng là “Southeast Asia Sea” (biển Đông Nam Á), “Indochina Sea” (biển Đông Dương) và “ASEAN Sea” (biển ASEAN), cái tên “biển Đông Nam Á” có thể là lựa chọn thích hợp nhưng sẽ vấp phải sự chống phá từ Trung Quốc. Vì thế, chuyên gia Ellen Frost của Trung tâm Đông - Tây (Mỹ) cho rằng có thể sử dụng cụm từ “South Sea” (biển Nam). Bắc Kinh sẽ khó lòng phản bác vì bản thân Trung Quốc dùng từ “Nam Hải” để gọi Biển Đông. Loại bỏ từ “China” là một thay đổi nhỏ “nhưng đóng góp đáng kể cho hòa bình khu vực”, trang tin Quartz dẫn lời bà Frost nói.

Singapore kiên định về Biển Đông

Trong diễn văn đọc trước quốc dân nhân ngày Quốc khánh Singapore hôm 21.8 vừa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định nước này cần kiên định nguyên tắc về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông trước các sức ép từ bên ngoài.

Kênh Channel News Asia dẫn lời ông Lý nói tuy Singapore không trực tiếp tham gia tranh chấp và cũng không theo bên nào nhưng nước này có lợi ích sống còn trong việc góp phần bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và sự đoàn kết thống nhất của ASEAN. “Nếu luật pháp bị coi như không thì những quốc gia nhỏ như Singapore sẽ không có cơ hội tồn tại”, ông Lý nói và khẳng định thêm điều rất quan trọng với Singapore là: “Tranh chấp không ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hàng không”.

Mặt khác, theo trang tin Today Online, dân mạng Trung Quốc đang ra sức dùng những lời lẽ nặng nề nhằm vào Singapore vì cho rằng nước này không về phe Bắc Kinh trong chuyện Biển Đông. Một tài khoản trên mạng xã hội Weibo lớn tiếng nói Thủ tướng Lý “đâm sau lưng Trung Quốc”. Thậm chí sau khi có tin ông Lý bị choáng khi đang đọc bài diễn văn nói trên và phải nghỉ ốm đến ngày 29.8, một tài khoản dè bỉu ác ý rằng: “Sẽ sớm có sự thay đổi lãnh đạo (ở Singapore)”.

Tác giả bài viết: Thụy Miên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP