Nhân ái

Người đàn bà “tận khổ” và tấm lòng với đứa trẻ mồ côi mắc bạo bệnh

“Cuộc đời bà Hường khổ không nói hết được nhưng cái tâm của bà ấy thì ít người có được. Vào cái tuổi này, bà ấy đáng lẽ là được an nhàn rồi nhưng từ khi nuôi bé Phúc Liên thì vất vả trăm bề”, ông Hoàng Đức Trì – Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ nói.


Ở tuổi 60, đáng lẽ bà Nguyễn Thị Hường có thể hưởng an nhàn nếu bà không "đèo bòng" đứa con không máu mủ bị giãn não thất - não úng thủy.


Căn phòng ở dưới chân cầu thang lộn xộn như một bãi chiến trường với những thuốc, quần áo, sách vở. Bà Nguyễn Thị Hường (SN 1957, trú xóm 12, xã Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An) lúi húi dọn dẹp lấy chỗ cho khách ngồi. “Phúc Liên bị đau, không đi học được dù đã 10 tuổi rồi. Tôi mua bảng chữ cái dán ở tường, thỉnh thoảng bày cho con học. Nó bị bệnh não úng thủy nhưng thông minh lắm, bày vài lần là biết thôi. Nhà thì rộng đấy nhưng hai mẹ con ở dưới này thôi, tôi già rồi, bồng bế Phúc Liên tắm rửa, vệ sinh cũng dễ hơn”, bà Hường phân trần.

Gần 60 tuổi, bà Hường vẫn đang phải nuôi “con mọn”, đứa con không phải bà sinh ra. Vất vả hơn khi đứa con lại mắc bệnh não úng thủy, hoàn toàn mất khả năng vận động và đi viện như cơm bữa.

“Bà Hường thì khổ không ai bằng. Mồ côi bố từ nhỏ, mẹ lại bị liệt nửa người. Hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Bà Hường lấy chồng, sinh con. Khi con trai được 2 tuổi thì vợ chồng chia tay. Một mình bà ấy vừa chăm mẹ, vừa nuôi con khôn lớn. Mẹ của bà Hường liệt nửa người nhưng khó tính lắm, không hiếm lần bà ấy gọi con gái đến bên giường rồi túm tóc, đánh đập. Anh con trai lớn, đi bộ đội thì bà ấy nhận con bé Phúc Liên về nuôi, nghe đâu con bé mồ côi mẹ từ khi sinh ra, bị người nhà bỏ rơi trong bệnh viện. Thời điểm ấy, bà Hường đang đi chữa bệnh”, ông Hoàng Đức Trì – Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ cho biết.


Chồng bỏ đi, con trai khôn lớn, bà Hường chăm sóc người mẹ liệt giường và đứa trẻ mồ côi khi vừa lọt lòng.


Bà Hường kể, năm 2006, bà vào viện phẫu thuật u hàm. Lúc này chị Lê Thị B. (quê Diễn Châu, Nghệ An) cũng nhập viện sinh con. Sau khi hạ sinh bé gái một thời gian ngắn thì chị B. tử vong. Bé gái không có người chăm sóc, sau 1 tuần ở lại bệnh viện, bà Hường quyết định đưa đứa bé về nhà nuôi dưỡng.

Để làm giấy tờ khai sinh cho bé, bà Hường tìm về quê chị B. hoàn thiện các giấy tờ cho – nhận con nuôi. Lúc này, bố đứa bé vẫn còn sống nhưng đã già yếu lắm rồi, chị B. là vợ hai của ông ấy. Sau nhiều nỗ lực, giấy tờ cho – nhận con nuôi được hoàn thiện. Bà Hường lấy họ của bố đẻ và chọn cái tên Phúc Liên để đặt cho đứa trẻ kém may mắn với hi vọng nó sẽ có nhiều phúc phận, khỏe mạnh và xinh đẹp.

Thế nhưng, cuộc sống của Phúc Liên chẳng được may mắn như cái tên mà bé đang mang. Lên 1 tuổi, Liên bắt đầu có những dấu hiệu không bình thường về sức khỏe. Đi khám, bác sỹ kết luận bị giãn não thất, não úng thủy. Vừa chăm mẹ bại liệt lại phải chăm con, đưa con đi viện, nhiều lúc bà Hường nghĩ mình không trụ nổi.


Thật không may, em bị giãn não thất - não úng thủy nhưng tình yêu của mẹ Hường đã giúp em xoa dịu những nỗi đau thể xác và những thiếu thốn về tình cảm.


Không thể kể hết nỗi cơ cực của người mẹ này trong suốt mấy năm trời chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho con. Có những đêm Phúc Liên đau quá, cứ đập đầu xuống giường, bà lại bế con suốt đêm, xoa đầu cho con bớt đau. Khi Phúc Liên được phẫu thuật đặt van não thất và ống dẫn lưu ổ bụng, tình trạng sức khỏe cũng không khá hơn. Bé hoàn toàn mất khả năng vận động, ngôn ngữ nhưng may mắn trí óc vẫn tỉnh táo để cảm nhận được những gì xung quanh. Mỗi khi cơn đau hành hạ, Phúc Liên đều cất tiếng gọi “ệ ơi” (mẹ ơi – PV) như tìm kiếm sự vỗ về. Chỉ cần nghe tiếng con, bà Hường lại lật đật chạy lại: “Mẹ đây, mẹ đây, tội nghiệp con gái mẹ, con đau lắm phải không?”.

“Khi Phúc Liên lên 2 thì mẹ tôi mất, được 6 tuổi thì bố đẻ Phúc Liên cũng qua đời. Giờ Phúc Liên chỉ có mỗi mình tôi, không mang nặng đẻ đau nhưng với tôi Phúc Liên là một phần cuộc sống của mình, bỏ bê răng được. Cũng một kiếp người, không được hưởng dòng sữa mẹ, không được cha chăm sóc, Phúc Liên chỉ có mỗi mình tôi. Nhiều đêm ôm con một mình trong bệnh viện tôi chỉ biết khóc, nó có tội tình gì đâu mà trời nỡ bắt phải khổ thế này. Nhiều người bảo tôi, gửi Phúc Liên vào các trung tâm bảo trợ xã hội cho nhẹ gánh nhưng tôi không làm được. Con khổ từ khi lọt lòng rồi, làm mẹ, răng đành mà cho con đi được”, bà Hường tâm sự.


Bà Nguyễn Thị Hường - người phụ nữ "tận khổ" nhưng có tấm lòng nhân hậu bao la.


Không đưa con đi viện thì cũng phải túc trực bên cạnh thường xuyên, thành ra bà Hường chẳng có thời gian để chăm sóc, trông nom 2 đứa cháu nội cho vợ chồng con trai. Hiểu được cái tâm, cái tình của mẹ và thương đứa em gái không chung máu mủ, anh Ngô Xuân Giang – con trai bà Hường cũng không nỡ phàn nàn, trách móc.

Cơn đau khiến Phúc Liên oằn cả người lên, ống dẫn lưu ổ bụng hằn rõ dưới lớp da mỏng. Bà Hường ôm lấy con, xoa xoa vùng đầu, chỗ đã được các bác sỹ phẫu thuật đặt van não thất từ 4 năm trước. “Con đau lắm phải không? Khổ thân con gái mẹ. Giá mà mẹ chịu đau thay được cho con?”, bà xuýt xoa như chính mình bị đau.

Khuôn mặt Phúc Liên giãn ra, nở một nụ cười. Con bé nhẹ nhàng gục đầu vào tay mẹ thiếp đi, bình yên…

Tác giả bài viết: Hoàng Lam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP