Nhân ái

Rơi nước mắt trước ước mơ của cậu học trò mồ côi gầy tong teo

2 tuổi mẹ mất, 10 tuổi bị bố ruồng bỏ, lớn lên trong hoàn cảnh thiếu bàn tay chăm sóc của bố mẹ, đứa trẻ ấy phải ở với ông bà ngoại, cuộc sống thiếu thốn trăm bề.

Đó là hoàn cảnh của em Lê Minh Phụng ở xóm Sơn Lĩnh 1, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Mặc dù vậy, em vẫn cố gắng vươn lên học tập, với hi vọng thực hiện ước mơ trở thành vận động viên cờ tướng.
Vượt qua những con đường núi đất đỏ, chúng tôi tìm về thăm em, trong một ngôi nhà nhỏ lụp sụp, còn phủ “lớp áo ngoài” bằng mành đan lá mía, chẳng có một vật dụng nào đáng giá ngoài chiếc bàn và những quyển sách nơi em Phụng ngồi học bài.
Theo người dân địa phương kể lại, không giống như các bạn bè cùng trang lứa, Phụng lớn lên trong tình cảnh thiếu thốn cả tình thương yêu của bố lẫn mẹ. Năm 2002, mẹ em là Lê Thị Hương Trà phát hiện bị bệnh ung thư khi đang mang thai Phụng. Sợ ảnh hưởng đến thai nhi nên người mẹ này không dám uống thuốc, một mình vật lộn với những cơn đau cho đến lúc sinh con.
Em Phụng bên góc học tập của mình.
Sau khi sinh em ra được hai năm thì mẹ mất, để lại đứa con thơ dại cho chồng. “Cảnh gà trống nuôi con” với bao vất vả cực nhọc, cha của Phụng vẫn gắng chăm sóc đứa con thiếu mẹ. Năm Phụng lên 10 tuổi, bố lập gia đình mới, gửi em vào trại trẻ mồ côi. Thương cháu, ông Lê Hồng Nhị (ông ngoại Phụng) lại đón về ở cùng.
“Tội thằng Phụng lắm! 2 tuổi thì mất mẹ, 10 tuổi thì bố gửi nó vào trại mồ côi để đi bước nữa. Ông bà nội cũng không đem về nuôi. Dù sao thì nó cũng là giọt máu của nhà mình, nên vợ chồng tôi mặc dù đã 65 tuổi nhưng vẫn phải đón cháu về sống cùng.
Ở với chúng tôi thì thiếu thốn trăm bề, nhiều lúc cơm cũng chẳng được ăn no, áo quần cũng chẳng có mà mặc cho tử tế. Nhìn cháu mà tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong”, ông Nhị tâm sự.
Nhìn cơ thể gầy gò ốm yếu, nhỏ bé của em, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi được em cho biết năm nay Phụng đã là học sinh lớp 8A, trường THCS Thanh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An).
Từ khi về ở với ông bà ngoại tới giờ, trải qua 4 năm cắp sách tới trường, chưa một lần em được ăn sáng. “Nhiều lúc nhìn các bạn ăn bánh mì hay xôi, em thèm lắm. Bụng lúc đó sôi lên, nhưng em cũng chỉ biết nuốt nước miếng thôi chứ lấy đâu ra tiền để mua. Tiền học phí, tiền sách vở chần chừ mãi em mới dám xin ông bà, vì ông bà cũng không làm gì ra tiền cả. Những lúc thấy ông bà phải đi vay tiền khắp nơi để có tiền cho cháu đi học, em thương ông bà lắm! Lúc đó, em chỉ biết cố gắng học thật giỏi để lớn lên có thể giúp đỡ ông bà”, Phụng chia sẻ.
Nhiều hôm đi học cả ngày về quá kiệt sức, Phụng nằm sốt li bì trên chiếc giường. Nhưng nghĩ tới ước mơ của mình, Phụng lại gượng dậy ăn bát cơm, rồi lại đưa sách vở ra học bài cũ, tìm hiểu qua bài mới, cùng bạn bè tới trường. Phụng luôn đến trường đúng giờ, chăm chỉ nghe lời thầy cô giáo giảng bài. Chính vì nghị lực vượt khó đó, năm nào em cũng luôn được nhà trường tuyên dương, bạn bè thầy cô yêu quý.
Sau những giờ học tập căng thẳng, trở về với ngôi nhà nhỏ, cậu học trò nhỏ lại giúp ông bà làm những công việc lặt vặt trong nhà như quét dọn, chăn trâu, đi cấy…
Phụng và bà ngoại trong căn nhà nhỏ.
Chị Nguyễn Thị Thanh, hàng xóm của ông bà Phụng cho biết: “Thằng bé (Phụng – PV) ngoan lắm, không chỉ học giỏi mà còn biết giúp đỡ ông bà việc vặt trong nhà. 2 cụ tuổi đã cao, đáng lẽ ra giờ được ở nhà nghỉ ngơi, nhưng vì cháu mà vẫn phải cật lực bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cứ vào đầu năm học mới, ông bà lại chạy đi vay tiền hàng xóm để mua sách vở cho cháu. Thương thằng Phụng có ý chí học hành nên mọi người góp một ít cho cháu được đến trường”.
Giờ đây cuộc sống của Phụng và ông bà chỉ biết dựa vào 3 sào ruộng. Các cậu dì đều đi làm ăn xa, hoàn cảnh cũng chẳng khá giả gì. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng hàng ngày vợ chồng ông Nhị vẫn phải lom khom ra đồng mò cua, bắt ốc đem ra chợ bán lấy tiền mua thức ăn.
Khi hỏi về ước mơ của mình, Phụng cho biết: “Từ nhỏ tới giờ, em rất đam mê cờ tướng, mỗi lần thấy các ông trong xóm chơi là em đứng chăm chú xem. Nhiều lúc, đi học về thấy ai ngồi chơi cờ là em đứng xem quên luôn phải về nhà. Những hôm đó, em thấy có lỗi với bà ngoại lắm vì bà tưởng em xảy ra chuyện gì nên lại đi tìm. Giờ em cố gắng học thật giỏi, sau này thi đậu vào một trường đại học thể dục thể thao để trở thành một vận động viên cờ tướng”.
Trao đổi với chúng tôi, cô Bạch Tuyết - Giáo viên chủ nhiệm lớp 8A cho biết: “Em Phụng là một học sinh ngoan, có tố chất thông minh. Biết hoàn cảnh gia đình em khó khăn nên nhà trường cũng hỗ trợ cho em tiền học phí, sách giáo khoa… để em được tới trường”...

Tác giả bài viết: Nguyễn Thân – Trịnh Hằng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP