Nhân ái

Em không sống được bao lâu nữa, chỉ thương hai con mồ côi

“Em đau lắm, không ăn uống, không ngủ được, nhà thì gán rồi, người ta đang buộc mẹ con em đi, bàn thờ chồng không biết để đâu...”, cô Thái Thị Tuyết- giáo viên Trường Tiểu học Xuân Thành (Yên Thành, Nghệ An) nghẹn lời, nước mắt lã chã kể về hoàn cảnh của mình. Cô Quế - Chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện, cô Châu - Chủ tịch Công đoàn nhà trường cũng rơi nước mắt.

“Cô Tuyết cách đây 3 năm phát hiện bị K dạ dày, đến nay đã vào giai đoạn cuối. Anh chị em trong trường động viên thăm hỏi, chia nhau dạy thay, để cô thỉnh thoảng đến trường làm một số việc, chủ yếu cho khuây khỏa. Nhưng gần đây cô yếu lắm, không thể đến trường nữa”, cô Đặng Thị Châu, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Xuân Thành ngậm ngùi.

Đoàn chúng tôi gồm phóng viên, cô Phan Thị Quế, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục huyện Yên Thành và cô Châu cùng đến thăm cô Tuyết. Khi chúng tôi đến, có hai người công an từ nhà cô bước ra. Căn nhà nhỏ của cô bên đường đã bán cho người khác, nhưng mẹ con cô nấn ná chưa chuyển đi do không còn nơi ở, nên họ kiện lên công an đòi nhà. Cô Tuyết gắng gượng ra ngồi tiếp khách, thân thể gầy gò, nét mặt tiều tụy.

Khi tôi hỏi cháu trai Trương Tiến Nhật đang học lớp 11 tại sao bỏ học, cô khóc, nói: “Vì nó thương mẹ khổ quá, nên đã bỏ học ra Hà Nội đi làm rồi”.
Bàn thờ chồng cô Tuyết vẫn chưa biết di dời về đâu, trong khi nhà thì đã bán

Hoàn cảnh của cô hết sức thương tâm. Chồng cô, anh Trương Anh Sinh, sĩ quan Sư đoàn 341 (Thanh Hóa), trong một lần về thăm nhà vào năm 2003 bị tai nạn giao thông qua đời. Một mình cô chống chèo nuôi hai con nhỏ. Cô phát bệnh ung thư, phải ra Hà Nội điều trị, cậu con trai Trương Anh Hoàng mới học lớp 4 đã xin nghỉ học 2 tuần theo ra Hà Nội chăm mẹ ốm. Hai bên nội ngoại cũng quá khó khăn, không giúp được gì nhiều. Chi phí đi lại điều trị quá lớn cộng thêm 3 miệng ăn, trong đó có hai con ăn học, nên cô buộc phải bán căn nhà đang ở.

Tiền hết, nợ tiền điện nên bị cắt điện, hai mẹ con phải sống trong cảnh không điện khá lâu, sau xoay được ít tiền nộp nên mới được đóng điện trở lại. “Cháu Hoàng trước học ở Trường THCS Phan Đăng Lưu, nhưng vừa rồi chúng tôi chuyển cháu về trường, để đỡ các khoản đóng góp và có điều kiện giúp cháu”, cô Đặng Thị Châu nói. Hôm chúng tôi đến nhà, Hoàng đang đi học. Các cô cho hay Hoàng rất chăm ngoan, thương mẹ, mới 10 tuổi đã phải ra Hà Nội chăm mẹ ung thư rất chu đáo, bệnh nhân cùng phòng ai cũng phục, cũng thương.

Trên hương án, bàn thờ chồng chị vẫn còn để đó, chưa biết dời vào đâu. Cô Phan Thị Quế cầm tay cô Tuyết, an ủi: “Thôi em cố gắng sắp xếp về nhà mẹ ở, chứ ở đây người ta đòi nhà cũng thêm áp lực. Em cứ an tâm điều trị, bọn chị sẽ bên em, giúp đỡ em bằng tất cả khả năng của mình”.

“Em đau lắm, vết cắt cũ xuất huyết, không ăn được, lại không ngủ được.... Bác sĩ dặn ra Hà Nội kiểm tra, nhưng em không còn tiền và cũng không đủ sức để đi. Chắc em không sống được bao lâu nữa, chỉ thương hai đứa nhỏ sau này mồ côi, nhà cửa cũng không có...”, cô Tuyết nấc nghẹn.

Tác giả bài viết: Quang Đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP