Pháp luật

Yên Thành vỡ hụi, nỗi đau không của riêng ai!

Yên Thành là huyện nghèo của tỉnh Nghệ An. Những năm gần đây, nguồn thu ngân sách của huyện chủ yếu là… đấu giá đất ở. Chương trình nông thôn mới trở thành nỗi ám ảnh của không ít gia đình khi các khoản đóng góp vượt quá sức dân. Khao khát kiếm tiền đã đẩy không ít gia đình vào vòng quay của “cơn lốc hụi”, khiến bao số phận khóc không thành tiếng…

Nghệ An: Thầy giáo thắt cổ tự vẫn vì nợ nần

Lừa từ xóm láng…


Cái tin “thầy” Nguyễn Hữu V thắt cổ tự tử như một tia sét đánh ngang tai. Trước khi “thầy” V chết, trang facebook cá nhân của nạn nhân đã kịp đăng những bức ảnh chia sẻ về một sự ra đi vĩnh viễn. Bức thư “thầy” V để lại, đề hẳn cái tên nghe lạnh xương sống: “Thư tuyệt mệnh”. Nội dung bức thư có đoạn: “Việc nợ nần tôi vay mượn mà vợ con không hay biết là hoàn toàn do tôi, không liên quan gì đến cha mẹ vợ con tôi…”.

Đám tang “thầy” V đông người đưa tiễn một cách hiếm có. Nhiều người bước sau linh cữu “thầy” V vì thương nạn nhân “hiền lành”, “chịu khó”, “biết lo vén cho gia đình”, nhưng không ít người bước đi với tâm trạng bất an, ngu ngơ như điên dại.

1
Làng Vân Nam, nơi chủ hụi Nguyễn Hữu V tìm lối thoát bằng con đường… tự tử.

Mờ sáng ngày 04/10/2016, vợ chồng anh H có mối quan hệ họ hàng với “thầy” V, như chết lặng khi nghe hung tin. Anh H kể với tôi, giọng méo mó: “Hắn lừa vợ em hơn 3 tỷ đồng anh ạ. Ngay chiều mồng 3 tháng 10, hắn còn ghé ô tô qua nhà, nói vợ em vay nóng giúp 500 triệu đồng, sáng mai trả. Nghe tin “hắn” thắt cổ chết, vợ chồng em như đứng trên đống lửa. Toàn bộ tài sản của vợ chồng em tích cóp bao năm, vợ em dại dột nghe hắn lừa tham gia phường hụi, giờ thì biết đòi ai đây”.

Cũng là người cùng làng, 2 anh em ruột người họ Trần cũng bị “thầy” V cho vào “bẫy”. Anh Tr bị V lừa 697 triệu đồng, anh Th bị lừa 270 triệu đồng. Anh Tr nói với phóng viên: “Tiền nớ là tui vay Quỹ tín dụng nhân dân xã L bằng tài sản thế chấp là toàn bộ nhà, đất ở và vay thêm một vài người. Giờ không biết kêu ai”. Anh Th trình bày với phóng viên, giọng rất ngây ngô: “Tui tưởng anh V là giáo viên, phải là người đàng hoàng nên nghe theo. Tui cho anh V vay 200 triệu có giấy tờ hẳn hoi, còn 70 triệu nữa, vợ anh V vay nhưng nay bảo cô ấy ký giấy biên nhận, cô ấy lại từ chối là răng hè?”.



Thôn Vân Đồng có 1 nạn nhân cũng “dích” bẫy của thầy V với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng, nhưng phóng viên không tiếp cận được vì anh luôn trong tình trạng “nói ít, cười nhiều”.

… Lừa sang đồng nghiệp.

Trường Tiểu học xã Bảo Thành là nơi vợ chồng “thầy” V công tác. Trường có 41 cán bộ, giáo viên thì có tới 25 người bị V lừa. Năm học 2015-2016, V đã “tư vấn” cho không ít giáo viên làm hồ sơ vay vốn ngân hàng để cho V vay lại với lãi suất cao hơn. Mấy tháng đầu, V trả lãi kịp thời, nhưng từ tháng 2/2016 đến nay, hạn trả lãi của V thường chậm.

Do thấy V trả lãi cao nên nhiều nữ giáo viên đã dấu chồng đem tiền nhà ra cho V vay. Nhiều giáo viên thế chấp cả sổ lương tại ngân hàng, thế chấp “sổ đỏ” tại tiệm vàng để lấy tiền cho V vay.

Từ ngày “thầy” V treo cổ đến nay, Trường Tiểu học xã Bảo Thành vẫn như đang chịu tang. Cô D bị thầy V cuỗm đi hơn 2 tỷ đồng. Cô H cán bộ quản lý nhà trường cũng bị “dính” khá nặng. Cô G là “chủ nợ” ít nhất của V với số tiền “vỏn vẹn”… 35 triệu đồng.

Đến giờ phút này, chưa thể có con số thống kê chính thức về số lượng “chủ nợ” của “thầy” V, nhưng cả 4 xã phía Nam huyện Yên Thành là Khánh Thành, Liên Thành, Công Thành, Bảo Thành, đều có nạn nhân của V.

2
Lá thư tuyệt mệnh của “thầy” V để lại sau cái chết được coi là “có chuẩn bị trước”

Thầy Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học bảo Thành năm học 2015-2016 phân trần: “Năm ngoái, tôi phát hiện ra một số giáo viên vay tiền cho V vay lại với lãi suất cao hơn, tôi đã không ký xác nhận vào hồ sơ. Nhưng sau đó, chính thầy V lại xui họ phản đối tôi trong các cuộc họp. Họ nói tôi làm như thế là vi phạm quyền tự do đầu tư kinh doanh của giáo viên. Phòng Giáo dục cũng nhận được một số đơn nặc danh vu khống tôi là lạm quyền. Bây giờ vỡ nợ, một số giáo viên gọi điện cảm ơn tôi vì sự can ngăn năm ngoái”.

Để trấn an tình hình, lãnh đạo huyện Yên Thành và phòng Giáo dục huyện liên tục về kiểm tra, trấn an tình hình. Tuy nhiên, không ít cô giáo là nạn nhân của “thầy” V tại Trường Tiểu học xã Bảo Thành không còn tâm trạng dạy học khi đến lớp. Cho các cô nghỉ ư? Không thể! Vì sẽ thiếu giáo viên! Kỷ luật các cô ư? Càng không được vì làm như vậy, khác nào đẩy họ vào chỗ chết?

Để cho vơi bớt nỗi đau.

Chủ kinh doanh vàng bạc Phúc - Nhiên ở chợ Khe (Bảo Thành) là người thắng đậm từ những nạn nhân này. Rất nhiều nạn nhân đã thế chấp sổ đỏ nhà và đất ở tại đây với thủ tục nhanh, gọn nhưng lãi suất lên tới 25%/tháng. Từ ngày vỡ hụi, nhiều nạn nhân đến xin được rút sổ đỏ và nộp tiền gốc, nhưng đều bị vợ chồng Phúc – Nhiên thẳng thừng từ chối. Lãi suất thì cao, chủ tiệm vàng Phúc - Nhiên lại được dịp ép con nợ gán nợ bằng bìa đỏ đất và nhà với giá rẻ mạt.

Anh Nguyễn Công H đã thế chấp 3 “bìa đỏ” cho tiệm vàng Phúc - Nhiên để vay gần 2,2 tỷ đồng đưa cho V.

Trong câu chuyện với các nạn nhân vỡ hụi, không ít người có chung câu hỏi với chúng tôi: “Trước khi thằng V chết, hắn đã kịp xây nhà cho vợ rất khang trang, mua ô tô cho vợ và nghe nói mua đất ở nhiều nơi. Tất cả tài sản đó nó đều chuyển sang cho vợ đứng tên. Bây giờ hắn chết, vợ hắn có nghĩa vụ trả nợ thay không?”.

Về góc độ pháp lý, vợ thầy V có nghĩa vụ trả nợ thay chồng nếu các chủ nợ chứng minh được việc vay mượn tiền của V có xác nhận của vợ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, theo như nội dung “thư tuyệt mệnh”, cái chết của thầy V có sự chuẩn bị trước nên rất khó. Mặc dù vậy, cơ quan điều tra có quyền yêu cầu vợ V chứng minh nguồn gốc các tài sản. Nếu vợ V không chứng minh được thì các tài sản mang tên vợ V được hình thành sau hôn nhân, do “lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của V mà có.

Để vơi bớt nỗi đau cho các nạn nhân cả tin, dại dột, các điều tra viên của Cơ quan điều tra Công an huyện Yên Thành cần vào cuộc quyết liệt, mẫn cán, tận tụy với dân hơn nữa, đồng thời có biện pháp xử lý các chủ tiệm vàng cho vay nặng lãi; yêu cầu vợ “thầy” V phải giải trình nguồn gốc các tài sản và cam kết trả nợ cho đồng nghiệp, người thân. Các ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn cũng cần khoanh nợ, giãn nợ cho những nạn nhân vỡ hụi như là hành động chia sẻ khó khăn, mất mát.

Tác giả bài viết: Trần Văn Công - Thu Hoài - Lê Thủy
Nguồn tin: Tạp Chí Hướng Nghiệp & Hòa Nhập

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP