Pháp luật

Vì sao càng truyền thông, “video đánh bạn dã man” càng xuất hiện nhiều?

Mới đây, mạng xã hội lại xuất hiện clip dài hơn 1 phút ghi cảnh nhóm học sinh thay nhau nắm tóc, dùng dép đánh vào mặt và đạp lên 2 bạn nữ khác. Video clip kiểu như thế này không phải xuất hiện lần đâu tiên trên mạng xã hội.

Nhóm nữ sinh đánh bạn vì nhắn tin trên facebook không được trả lời
Công an vào cuộc vụ 3 nữ sinh bị đánh hội đồng dã man
Nghệ An: Vụ nữ sinh bị dùng dép tát vào mặt - Gia đình không dám xem lại clip lần thứ 2
Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu: Hành vi đánh bạn là không thể chấp nhận được
Nhóm nữ sinh cấp 2 “xử” bạn vì cho rằng bị xúc phạm

Ngay sau khi đoạn video được đưa lên mạng, hàng trăm lượt chia sẻ gây xôn xao dư luận. Nhiều người tỏ ra rất bức xúc về vụ việc. Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng về những hành động đánh bạn kiểu dã man như vậy.

Theo xác minh ban đầu, nhóm học sinh đánh bạn học lớp 9 Trường THCS Quỳnh Long (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Hai nữ sinh bị đánh là học sinh trường THCS xã Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu).

danh ban 1
Hình ảnh đánh bạn dã man (ảnh từ videoclip)


Điều nghịch lý là nhà trường vẫn xử lý nghiêm những trường hợp bạo lực học đường và báo chí cũng truyền thông lên án đến giới trẻ về hành vi xấu này, nhưng tại sao hiện tượng này vẫn gia tăng?

Câu chuyện trên đây chỉ là một trong rất nhiều những câu chuyện đau lòng về bạo lực học đường. Một điều nhức nhối với xã hội. Bởi lẽ, chỉ cần một lệnh tìm kiếm trên google với từ khóa “Video nữ sinh đánh bạn” trong 0,43 giây đã cho ra 6 triệu kết quả, đó là con số giật mình.

Theo thông tin từ Báo Lao động Xã hội, cho thấy kết quả nghiên cứu về bạo lực giới trong trường học của Viện Nghiên cứu y - xã hội học phối hợp với tổ chức từ thiện Plan Việt Nam, thực hiện từ tháng 3 đến 9/2014 với 3.000 HS của 30 trường THCS, THPT ở Hà Nội, khoảng 80% HS cho biết, từ trước đến nay đã bị bạo lực giới (kỳ thị giới tính) trong trường học ít nhất một lần, 71% bị bạo lực trong vòng 6 tháng qua. Trong đó, bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục...) chiếm tỷ lệ cao nhất (73%), bạo lực thể chất (tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập...) chiếm 41%...

Con số này cho thấy, bạo lực học đường đã đến mức báo động không chỉ ở những “video clip đánh bạn dã man” mà nó là điều đáng lo ngại cho các bậc phụ huynh và nhà trường.

Trước những băn khoăn về việc tại sao việc tuyên truyền phổ biến pháp luật và việc lên án trên báo chí hành động bạo lực học đường càng mạnh, nạn bạo lực học đường vẫn tăng, Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư Tp HCM), người tham gia nhiều phổ biến pháp luật trên báo chí, cho rằng: “Báo chí vừa là một công cụ tuyên truyền pháp luật mang tính quảng đại quần chúng rất cao, nhưng không phải tất cả các nhà báo đều là các luật gia, luật sư, chuyên viên pháp lý để làm tốt vai trò tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nên đôi khi nhà báo vừa đưa tin vừa mô tả nội dung khá chi tiết về các hình thức bạo lực, nên từ đó nó cũng có thể tạo thành chất men kích thích cho bạo lực phát triển”.

Luật sư Út nêu thêm lý do: “Nhưng cũng có thể nhìn nhận rằng, việc bùng phát công nghệ thông tin nghe, nhìn trở thành phương tiện thông dụng khi nhìn thấy bất kỳ điều gì “hay, độc” thì người ta không bỏ lỡ cơ hội để quay phim, chụp ảnh và tung lên các trang mạng, vì hầu như ai cũng có thể có công cụ quay phim, chụp ảnh trong người, đó là chiếc điện thoại di động. Nếu công nghệ thông tin không phát triển đến mức như vậy thì người ta có xem được các hình ảnh hoặc các clip bạo lực hay không? Theo tôi chắc chắn là không, ngoài những lời kể được lan truyền mang tính truyền khẩu, tam sao thất bản”.

“Do đó, không nên vội kết luận rằng mặc cho báo chí hết sức tuyên truyền, phổ biến pháp luật mà bạo lực học đường vẫn gia tăng, mà điều đó là sự tất yếu phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, với các quốc gia phát triển thì bạo lực có vẻ như ít phổ biến hơn, có thể đó là do nền giáo dục về nhân cách, về kỹ năng sống song song với việc dạy chữ, dạy nghề. Điều đó mới là vấn đề mà các nhà quản lý nhà nước cần quan tâm”- Luật sư Út nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Hồng Chuyên (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP