Pháp luật

'Cát tặc' hoành hành trên sông Lam, hàng chục héc ta đất biến mất

Theo chính quyền xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn, Nghệ An), chỉ trong vòng 15 năm trở lại đây đã có gần 50ha bãi bồi của xã bị sạt lở. Đặc biệt, từ năm 2010, tình hình khai thác cát sạn trên sông Lam đoạn qua xã diễn ra rầm rộ, diện tích đất sản xuất bị cuốn theo dòng sông không ngừng tăng lên.

“Cát tặc” hoành hành

Tại thời điểm PV có mặt tại bãi bồi xã Vĩnh Sơn, chỉ chưa đầy 1km dọc theo bờ sông Lam đoạn đi qua xã nhưng đã có gần chục chiếc thuyền hút cát sạn hoạt động hết công suất. Tiếng máy hút cát sạn đinh tai nhức óc vang cả một góc trời.

1 88479
Những “công trường” khai thác cát sỏi trên sông Lam đoạn qua xã Vĩnh Sơn

Người dân địa phương cho biết, các thuyền hút cát này không có số hiệu, chủ nhân là công dân các xã Long Sơn, Khai Sơn, Đức Sơn, Phúc Sơn. Đây là những xã có mỏ cát sạn đã được cấp phép khai thác hoặc thăm dò.

Ban ngày, các thuyền hoạt động cách bờ sông vài ba chục mét nhưng tầm từ 2-5 giờ sáng, những “vòi rồng” được cắm xộc sát bờ sông, nơi có trữ lượng sỏi lớn. Đây chính là nguyên nhân chính khiến dòng chảy bị thay đổi và hàng chục héc-ta đất bãi bồi của người dân Vĩnh Sơn biến mất.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, người nhận khoán 5ha đất 5% của xã Vĩnh Sơn tại bãi bồi cho biết: “Trước đây, vùng bãi bồi này được chia theo Nghị định 64 nhưng khi chuyển đổi ruộng đất lần 2, người dân không dám nhận vì sợ mất hết đất sản xuất nên xã phải quy về đất 5% cho thầu khoán. Người dân phải chấp nhận thực tế là diện tích đất tính theo đầu người giảm xuống và đi nhận đất sản xuất ở những vùng trong đê”.



Dẫn chúng tôi dọc bờ sông Lam, ông Ngọc cho biết, bờ sông ngày xưa nằm ở giữa lòng sông hiện nay. Sạt lở đã tiến vào bờ so với 5 năm trước từ 200-250m.

2 97846
Ông Ngọc bức xúc vì tình trạng khai thác cát sỏi trái phép

“Nhà tôi trồng 5ha mía tại bờ sông. Tính toán, năm nào gia đình tôi cũng tổn thất khoảng 10-20 tấn mía, tương đương với diện tích khoảng 1-2,5 nghìn m2 đất có mía bị cuốn trôi mỗi năm. Mía ở cuối chân bãi đã đến kì thu hoạch nhưng hôm nay còn, ngày mai đã trôi theo dòng nước là chuyện thường. Là người thường xuyên có mặt ở đây, tôi chứng kiến ngày nào cũng có sạt lở, 8ha rừng chống sạt lở của địa phương cũng đã bị cuốn trôi gần hết. Xót của lắm nhưng không biết làm cách nào, lực bất tòng tâm”.

Ghi nhận của PV, dọc bờ sông Lam qua xã Vĩnh Sơn có nhiều hố cát lộ thiên do việc “cát tặc” chĩa “vòi rồng” vào chân bãi hút cát sạn, sạt lở kéo dài theo bờ sông chừng vài km, có nơi tiến sát vào đất mía, đất màu của người dân và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cuộc chiến gian nan

Năm năm trước, trước tình trạng “cát tặc” hoành hành, ông Nguyễn Doãn Lý được người dân cắt cử làm nhiệm vụ phát hiện, báo cho chính quyền địa phương cùng tổ chức đẩy đuổi. Rồi chính ông và một số người dân đã trở thành nạn nhân của các đối tượng khai thác cát trái phép.

Chỉ tay vào vết thương hằn sâu một bên má, ông Lý kể lại: “Lúc đó khoảng 1 giờ chiều, khi phát hiện 2 tàu đang hút cát sát bờ sông, tôi và một phụ nữ đóng giả người đi làm đồng đã khống chế được đối tượng canh gác trên bờ. Tình thế quá cấp bách, trong lúc chờ người dân và UBND xã cử lực lượng ra ứng cứu, tôi và một vài người nhảy lên thuyền của các đối tượng.

3 122470
Sạt lở bờ sông chưa dừng lại

Tuy nhiên, chúng chống trả rất quyết liệt, dùng xẻng đánh mạnh vào má tôi, gây thương tích. Các đối tượng này có cả các loại vũ khí chống trả như dao, mã tấu khiến tiếp cận rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, trước sự quyết tâm của người dân, sau gần 1 giờ đồng hồ bao vây, một chiếc thuyền đã được kéo lên bãi. Một vài người vì quá bức xúc đã dùng cưa xăng phá thuyền, sau đó bị tòa xử án treo về tội hủy hoại tài sản.

Những “cuộc chiến” sau đó vẫn diễn ra, xô xát nhiều lần, một số cán bộ xã khi nhảy lên thuyền gặp phải sự chống cự quyết liệt của “cát tặc”, có người tưởng không còn đường về. Nhưng rồi, “cát tặc” đầu tư tàu thuyền hiện đại hơn, việc tiếp cận đầy đuổi dường như là không thể, bản thân các đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động nên việc đẩy đuổi đã không còn được tổ chức nữa, mặc cho “cát tặc” lộng hành”.

Năm 2011, UBND xã Vĩnh Sơn đã bỏ ngân sách địa phương vào thành phố Huế mua một chiếc thuyền vỏ sắt về để chống “cát tặc”. Tuy nhiên, thuyền của các đối tượng khai thác cát trái phép hiện đại hơn, lớn hơn lại sử dụng dùi sắt đâm thủng thuyền của xã nên chiếc thuyền chống “cát tặc” nay cũng chỉ để trưng bày ở sân ủy ban xã Vĩnh Sơn. Tình trạng khai thác cát trái phép vẫn tiếp diễn, đất đai vẫn ngày ngày bị cuốn trôi.

4 92926
Chiếc thuyền chống “cát tặc” của UBND xã Vĩnh Sơn trở nên vô dụng

Ông Phan Bá Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: “Năm 2000, xã còn 300ha đất bãi thì nay chỉ còn 250ha. Hai, ba năm trở lại đây, trước tình hình khai thác cát trái phép trên sông Lam qua địa bàn xã diễn ra rầm rộ, người dân và xã đã báo cáo lên UBND huyện Anh Sơn.

UBND huyện Anh Sơn đã tổ chức nhiều đoàn công tác đẩy đuổi, tình trạng có giảm nhưng khi đoàn công tác không có mặt, khai thác cát trái phép lại tiếp diễn và ngày càng trắng trợn. Chúng tôi đã hết cách, người dân và chính quyền xã không đủ sức để ngăn chặn, chỉ mong UBND huyện và các ban ngành sớm vào cuộc để giúp người dân giữ đất sản xuất”.

5 149719
Hàng chục héc ta đất và hoa màu của người dân Vĩnh Sơn bị sạt lở

Tác giả bài viết: Văn Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP