Thể thao

Nhìn lại mùa giải 2016 của SLNA: Một “bộ máy” đã cũ (Kỳ 3)

Ở những mùa giải đầu tiên, khi giải đấu cao nhất Việt Nam mang tên V.League, SLNA khiến tất cả phải lác mắt khi trình làng những ngoại binh hạng sang, có trình độ vượt trội so với phần còn lại.

Nhìn lại mùa giải 2016 của SLNA: Vì đâu “thiếu lửa”? (Kỳ 2)
Nhìn lại mùa 2016 của SLNA: Một trận đấu và nỗi đau 1 mùa giải (Kỳ 1)

Đó cũng là lý do, họ có được thành tích rất tốt. Thế nhưng, nhiều mùa giải gần đây, SLNA thường có những bản hợp đồng “hớ”, với những ngoại binh kém chất lượng và không ít cái tên phải thanh lý ngay sau lượt đi.

Odat và Baba mùa này không đến nỗi quá tệ nhưng nếu nhìn ra các đội bóng khác, chất lượng ngoại binh của đội bóng xứ Nghệ cũng chỉ ở mức trung bình. Rõ ràng, cần phải đầu tư và quan trọng, phải thay đổi trong tư duy tuyển ngoại binh.

Ngoại binh của SLNA mùa này chơi không ấn tượng. Ảnh: Hải Đăng.

Nhiều người hiến kế rằng, chỉ cần kiểm tra năng lực các ngoại binh đang thi đấu ở Việt Nam và tìm hiểu, thấy mức giá thích hợp thì đặt vấn đề; không nhất thiết phải lùng sục ở các nước khác, với những ngoại binh có hồ sơ “khủng” nhưng rủi ro cao.

Bên cạnh đó, khi bóng đá trẻ xứ Nghệ đang thất thế, việc “tre già măng mọc” là điều khó trông chờ. Mùa giải 2016 cho thấy, SLNA không hề có phát hiện nào đáng kể. Những tân binh như Văn Đức, Viết Nguyên, Phú Nguyên, Xuân Mạnh… không làm cho người ta nhớ nhiều.

Khi “vốn tự có” cạn kiệt dần, điều cần tính đến, là phải đi vay mượn, thậm chí phải mua. Cái này, nó sẽ ảnh hưởng đến bản sắc nhưng bóng đá chuyên nghiệp cần phải như vậy. Cần phải thay đổi tư duy và chấp nhận đầu tư, đưa về sân Vinh những nội binh chất lượng, dù có thể, họ không phải là dân xứ Nghệ.

SLNA có những cái khó về quản lý, khi tiền bạc, họ không có quyền tự quyết như nhiều đội bóng khác. Theo đó, tất cả những vấn đề, những gói đầu tư; họ đều phải làm tờ trình, gửi NH Bắc Á duyệt. Việc phải thông qua quá nhiều thủ tục hành chính đã khiến động lực, độ cống hiến của nhiều người không cao.

Lãnh đạo SLNA không có quyền tự quyết về tài chính cũng là một phần nguyên nhân khiến đội bóng này mất dần tính cống hiến. Ảnh: Trung Won.

Bắc Á đầu tư theo kiểu trách nhiệm, không tâm huyết dẫn tới việc 3-4 mùa giải gần đây, SLNA không được bật đèn xanh, không có một mục tiêu cụ thể nào. Bóng đá Nghệ An có một cộng đồng lớn với những giá trị vô hình và muốn nó hồi sinh sau những năm tháng “ngủ quên”, cần sự thay đổi về cơ chế, nhất là thái độ, tình cảm của nhà đầu tư, của tỉnh với bóng đá địa phương.

HLV Hữu Thắng từ chức cũng chỉ vì lý do, làm việc ở một tập thể không có mục tiêu rõ ràng. Cái mô típ ấy, cứ lặp đi lặp lại, mùa giải này qua mùa giải khác, thì đến khán giả cũng chán, huống gì người trong cuộc. Nên chăng, cần phải xem lại vấn đề ở cấp vĩ mô ấy để có những thay đổi trong mùa giải mới.

GĐĐH Hồ Văn Chiêm, người duy nhất gắn bó với SLNA từ ngày ra đời chia sẻ: “Các cháu có những vấn đề nhất định về thể lực cũng như tâm lý trong nửa cuối hiệp 2 nên thường nhận bàn thua ở những thời điểm ấy.

Cả mùa giải đã cho thấy điều đó, chứ không riêng gì trận Hải Phòng. Đội bóng mùa này có những cái không được như ý muốn, nó xuất phát nhiều từ những nguyên nhân khách quan. Tất nhiên là phải thay đổi và điều chỉnh chứ không thể kéo dài. Cái này các bộ phận liên quan đang lên kế hoạch để triển khai”.

Tác giả bài viết: Lâm Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP