Thể thao

Ký ức về một thời lửa cháy dưới sân và trên khán đài giữa CAHN và SLNA

Cuộc chạm trán giữa HN.T&T - SLNA bây giờ, khiến nhiều người liên tưởng đến trận đấu đầy duyên nợ của đội bóng xứ Nghệ và một đại diện nổi tiếng khác của Thủ đô trước đây là CAHN. Một trận chiến nảy lửa đúng nghĩa, khi nóng cả dưới sân và trên khán đài...


Những ngày hội lớn

Vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, bên cạnh những cuộc chạm trán nảy lửa kiểu derby Thủ đô giữa CLB Quân Đội (Thể Công) - CAHN, derby nghành Công An, CAHN - CAHP, CAHN - CA TP.HCM, trận đấu giữa những đội bóng được xem là kình địch như SLNA - CAHN cũng rất được chờ đợi. Trong quá khứ, đã từng có một giai đoạn, đội bóng xứ Nghệ coi CAHN như bậc "đàn anh" và là đội bóng mình cần phải học tập, noi theo.

Tuy nhiên sau này, khi bóng đá Nghệ An bắt đầu phát triển, với việc trình làng rất nhiều lứa cầu thủ tài năng như Hữu Thắng, Văn Lưu, Quang Trường, Thanh Tuấn, Sỹ Sơn, Sỹ Thuỷ, Sỹ Hùng..., hai đội bóng trở thành những đối trọng, kình địch của nhau.


CDV SLNA công thành sân Vinh trong trận đấu gặp CAHN

Ông Nguyễn Hồng Phong, một trong những Chủ tịch đầu tiên của Hội CĐV SLNA, người từng tận mắt chứng kiến rất nhiều trận đại chiến giữa SLNA - CAHN, kể lại.

"Người dân cả năm, chỉ chờ trận đấu với CAHN để xem. Đá 15 giờ thì 12 giờ, sân Vinh đã gần như chật cứng. Khán giả không chỉ ở thành phố mà tận các huyện xa xôi đổ về, biến thành Vinh như ngày hội lớn vậy. Hồi đó, Hội CĐV chưa tổ chức quy củ, nhưng khán giả ai đến sân cũng ý thức. Họ tự mua băng rôn để treo lên đầu, rồi vào sân cổ vũ rất nhiệt. Đá ở sân Vinh gần như 100% là CĐV Nghệ An còn khi ra Hàng Đẫy, khán đài B được chia đôi, mỗi bên một nửa".

Theo lời kể của ông Phong, vì sân Vinh sức chứa có giới hạn nhưng nhu cầu vào xem trận đấu của NHM xứ Nghệ là rất lớn. Thế nên, do không muốn bỏ qua trận đấu của cả mùa, hàng ngàn khán giả đã tìm mọi cách "công thành", trèo rào và leo cầu thang vào sân.


Những trận đấu trên sân Vinh giữa SLNA - CAHN luôn chật kín khán giả. Ảnh Quang Minh

"Sự kình địch, đối trọng giữa hai đội nên khiến trận đấu giữa SLNA và CAHN bao giờ cũng rất căng thẳng, hấp dẫn. Đi xem những trận đấu này rất sướng vì cầu thủ máu và một năm cũng chỉ có một trận nên gần như khán giả không ai muốn bỏ qua", ông Phong cho biết.

"Thời bóng đá chưa còn lên chuyên nghiệp nên các đội bóng đều có màu sắc địa phương rất lớn. Ví dụ SLNA thì toàn cầu thủ gốc Nghệ còn CAHN hầu hết là xuất thân Hà Nội. Thế nên, mỗi trận đấu của hai đội rất hấp dẫn, được chờ đợi. Anh em ra sân ai cũng máu và xác định chơi hết mình để trước là phục vụ khán giả và sau là giành chiến thắng để thể hiện cái tôi, niềm kiêu hãnh của đội bóng mình", cựu thủ môn Nguyễn Đức Thắng, người đang là trợ lý thủ môn của SLNA bày tỏ.

Cuộc chiến nảy lửa trên khán đài

Các trận đấu giữa SLNA - CAHN không chỉ căng thẳng, quyết liệt ở dưới sân mà trên khán đài cũng có một cuộc chiến nảy lửa khác giữa CĐV hai đội. CĐV của CAHN vốn nổi tiếng cuồng nhiệt, máu lửa bậc nhất của BĐVN thời điểm bấy giờ. Thế nên, mỗi khi được tiếp đại kình địch SLNA trên nhà Hàng Đẫy, những người yêu mến đội bóng nghành Công An chuẩn bị rất kỹ lưỡng những "đặc sản" để "đón khách".

"Trước mỗi trận đấu gặp SLNA trên sân nhà, anh em Hội CĐV CHF lại lên kế hoạch rất kỹ từ 2 tuần trước. Chúng tôi ngồi uống bia, để bàn xem mua những vật dụng gì để cổ vũ, để ném sang cổ vũ, khiêu khích CĐV đội khách", anh Đinh Nhật Hoàng - một thành viên cốt cán của Hội CĐV CAHN nhớ lại.


CDV CAHN nổi tiếng bởi sự cuồng nhiệt và tình yêu rất lớn với đội bóng của mình. Ảnh Hoàng Hip

Trước mỗi trận đấu, CĐV đội bóng Thủ đô chuẩn bị rất nhiều trứng thối, cà chua và cả mắm tôm để ném về phía khán đài nơi có CĐV đội khách SLNA đang ngồi. Và khi trận đấu bước vào thời điểm căng thẳng nhất, những "vật thể bay" liên tục được ném đi, thậm chí những vật dụng khác như giày, dép, chai nhựa cũng là "vũ khí" được trưng dụng trong những cuộc chiến được chính CĐV chủ nhà "châm lửa".

Bị ép về số lượng khán giả, nhưng CĐV Nghệ An ở Hà Nội cũng ko phải dạng vừa. Nếu bị chửi họ sẽ chửi lại, bị ném sẵn sàng ném lại, để đáp trả lại những gì mà CĐV chủ nhà dành cho mình.

"Thời đấy màu cờ sắc áo rất lớn. Tất cả đều máu lửa nên khi vào sân chúng tôi sẵn sàng làm tất cả để thể hiện tình yêu, niềm kiêu hãnh với đội bóng của mình. Nhiều trận đấu căng thẳng, lời qua tiếng lại, CĐV hai đội còn nhảy vào đánh nhau. Tuy nhiên, dù đánh nhau nhưng tất cả đều vô tư khi chỉ dùng tay không, chứ không mang những vật dụng nguy hiểm để ném nhau", anh Nguyễn Hoài Nam - cựu Chủ tịch Hội CĐV CAHN cho biết.


Trận đấu giữa CAHN - SLNA không chỉ nóng dưới sân mà còn căng thẳng trên khán đài. Ảnh Quang Minh

Cũng giống như cuộc chạm trán nảy lửa giữa SLNA - CAHN trước đây, trận đấu giữa đội bóng xứ Nghệ và đại diện Thủ đô hiện tại là HN.T&T cũng rất đáng được chờ đợi.

Sức nóng của trận đấu, với tính chất căng thẳng, quyết liệt và sự kình địch vẫn được hai đội bóng thể hiện dưới sân. Tuy nhiên, trên khán đài đã không còn những cuộc chiến, màn chửi bới đã trở thành "đặc sản" giống như cách CĐV CAHN và SLNA thể hiện như trước đây nữa.

"Giống như CAHN, HN.T&T được xem là đối thủ kình địch với SLNA. Thế nên mỗi trận đấu gặp đối thủ này dù ở sân nhà hay làm khách, với người Nghệ đó vẫn là một ngày hội thực sự. Ngoài việc thể hiện tình yêu với đội bóng, đó cũng là dịp chúng tôi gặp gỡ, tạo ra sức mạnh cộng đồng lớn.

Tuy nhiên, khác với thời xưa bây giờ CĐV SLNA cổ vũ văn minh, chuyên nghiệp hơn. Mặt khác, bóng đá bây giờ khác nên dù hai đội kình địch dưới sân nhưng trên khán đài CĐV hai đội gần như đã gắn kết, không còn hiềm khích để tạo ra các cuộc chiến căng thẳng khác", một thành viên trong BCH Hội CĐV SLNA phía Bắc cho biết.

"Với cầu thủ như chúng tôi hồi xưa, mỗi trận đấu giữa SLNA gặp CAHN ngoài việc giống như một trận chiến, thì đó cũng là ngày hội thực sự. Được thi đấu trong bầu không khí lễ hội, với các khán đài được nêm chặt khiến anh em rất phấn khích.

Qua vạch vôi sân bóng là chúng tôi chỉ tập trung chiến đấu hết mình, trước là vì khán giả và sau là vì màu cờ sắc áo của SLNA. Cũng giống như trận đấu giữa CAHN- SLNA trước đây, hai đội bóng HN.T&T - SLNA bây giờ cũng rất kình địch nhau.

Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi thì những trận đấu bây giờ không còn tính chất căng thẳng, quyết liệt như hồi xưa nữa. Cũng dễ hiểu bởi bóng đá bây giờ hiện đại, tân tiến rồi nên chỉ cần đá máu quá là dễ bị máy quay truyền hình ghi lại, trọng tài phát hiện ngay. Thời của chúng tôi đá máu, tiểu xảo nhưng thực tế nó cũng chỉ là mánh khoé để mang lại những kết quả có lợi cho đội bóng của mình", Trợ lý HN.T&T Văn Sỹ Sơn, cựu cầu thủ SLNA.

Tác giả bài viết: Tú Phạm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP