Kinh tế

Từng bước khẳng định thương hiệu mực khô Quỳnh Lưu

Với hơn 1.200 phương tiện tàu thuyền, bình quân mỗi năm sản lượng khai thác hải sản của huyện Quỳnh Lưu đạt gần 50 ngàn tấn. Trong đó sản lượng mực khai thác đạt khoảng 3.500 tấn. Thời gian qua, mực khô Quỳnh Lưu đã được khách hàng nhiều nơi biết đến với chất lượng thơm ngon, thịt dai và ngọt đậm. Hiện nay, để phát triển kinh doanh sản phẩm một cách bền vững, huyện đã thành lập hội sản xuất và kinh doanh mực khô, qua đó từng bước khẳng định thương hiệu mực khô Quỳnh Lưu.

Mực khô chủ yếu được sản xuất ra trên những con tàu khai thác nghề chụp 2 sào, 4 sào kết hợp câu, hoặc trên những tàu thuyền chuyên làm nghề câu mực từ ngoài khơi vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Theo bà con đi nghề mực cho biết thì càng tối trời càng dễ câu mực vì con mực sẽ theo ánh sáng của đèn điện trên tàu mà đến ăn mồi. Có những đêm, mực liên tiếp mắc lưới, mỗi thuyền thu về cả chục tấn mực to. Anh Nguyễn Văn Cương – ngư dân đã có hơn chục năm đi nghề câu mực của xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: “Làm mực thì phơi ngay trên thuyền luôn, cái gì tươi mà làm sẵn thì cũng ngon hơn.”

Mực khô Quỳnh Lưu nổi tiếng thơm ngon, dai và ngọt thịt


Mực sau khi khai thác từ biển khơi còn tươi nguyên được các ngư dân nhanh chóng sơ chế, phân loại và phơi khô ngay trên thuyền, sau đó cho ra sản phẩm mực khô và mực một nắng. Đến khi tàu cập bến sẽ bán lại cho các chủ cửa hàng cấp đông. Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có khoảng 15 hộ lớn và hàng chục hộ vừa và nhỏ chế biến thủy sản khô, trong đó có mực khô và mực một nắng. Khi vào vụ, trung bình mỗi hộ chế biến khoảng 5 tấn mực khô/tháng. Chị Nguyễn Thị Hoàn là một chủ cơ sở cấp đông hải sản lớn ở thôn Đại Tân, xã Quỳnh Long, mỗi năm cơ sở của chị thu mua và bán ra thị trường khoảng 10 tấn mực khô. Hàng thu mua về tới đâu là xuất bán đến đó, bao gồm cả thị trường nội địa và xuất sang Trung Quốc. Theo chị Hoàn thì trong những loại mực mà cơ sở của chị thu mua, cấp đông thì mực Quỳnh Lưu là ngon nhất, chất lượng thơm ngọt, đảm bảo hơn vì mực miền Nam không được ngọt do phơi chưa khô bằng. Việc cấp đông chỉ là cho mực vào kho bảo quản để mực giữ được màu đẹp chứ không hề ảnh hưởng đến chất lượng mực. Chị Nguyễn Thị Hoàn cho biết thêm:“Buôn đến đâu là bán luôn, xuất luôn đến đó. Tháng nào thuyền cũng về nên mình trữ lại, mực về có sản phẩm thì kêu 5 – 7 công nhân đến làm, trung bình 2 – 3 tấn. Khách họ đến tận nhà hoặc có khi mình gửi đi Trung Quốc, khách hàng gọi là mình gửi. Mấy năm nay nội địa cũng bán được như Vinh, Cửa Lò, Thanh Hóa.”

Chị Nguyễn Thị Hoàn – chủ cơ sở cấp đông xã Quỳnh Long đang giới thiệu sản phẩm mực khô cho khách hàng


Quỳnh Lưu là huyện có tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Bình quân mỗi năm sản lượng khai thác hải sản của huyện đạt 50 ngàn tấn, trong đó sản lượng mực đạt khoảng 3.500 tấn, chủ yếu tập trung ở các xã Sơn Hải, Quỳnh Long. Tuy nhiên, việc chế biến mực khô hiện nay chủ yếu dựa vào phơi nắng nên chất lượng sản phẩm không thật đồng đều và ổn định. Chế biến mực bằng biện pháp thủ công nên chưa đạt hiệu quả kinh tế cao, việc mở rộng thị trường tiệu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm cũng chưa được quan tâm đúng mức. Riêng tại Quỳnh Long, mỗi năm sản lượng khai thác hải sản của xã đạt gần 30 ngàn tấn, trong đó khoảng 2.000 tấn mực. Tuy nhiên cả xã mới chỉ có 3 kho cấp đông dự trữ mực khô và cũng chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Trần Quang Vệ - Bí thư đảng ủy xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Phải xác định Quỳnh Lưu trong đó có Quỳnh Long thì sản lượng mực khai thác về trong những năm tiếp theo rất lớn. Như thế nên phải nói rằng mực Quỳnh Lưu về chất lượng là một trong những loại hải sản có giá trị được nhiều nơi khác thừa nhận, sử dụng làm thực phẩm. Về việc để cho con mực Quỳnh Lưu có thương hiệu thì cần có thêm các căn cứ pháp lý, từ đó thị trường mới chấp nhận.”

Để nâng cao thương hiệu mực khô, huyện Quỳnh Lưu đã thành lập hội sản xuất và kinh doanh mực khô


Tháng 7/2016 vừa qua, huyện Quỳnh Lưu đã thành lập Hội sản xuất và kinh doanh mực khô nhằm từng bước khẳng định, nâng cao thương hiệu sản phẩm. Thời gian tới, Hội sẽ tập trung xây dựng thương hiệu mực khô Quỳnh Lưu lớn mạnh về mọi mặt, tạo sản phẩm mực khô chất lượng, an toàn thực phẩm, mang đậm nét văn hóa ẩm thực trong lòng du khách và người tiêu dùng gần xa. Chỉ tiêu sản lượng mực khô hàng năm toàn huyện phấn đấu đạt 400 – 500 tấn, trong đó có 20% sản phẩm được bao tiêu và đóng gói mang nhãn hiệu mực khô Quỳnh Lưu./.

Tác giả bài viết: Lê Nhung (Đài Quỳnh Lưu)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP