Kinh tế

Tranh giành hàng tiêu hủy, xử phạt thế nào?

Luật sư cho rằng trong vụ tranh đoạt tang vật tiêu hủy tại Bộ KH&CN ngày 21/10, các cá nhân tranh đồ cũng như hội đồng tiêu hủy có thể bị xem xét trách nhiệm hành chính và hình sự.


maxresdefault
Luật sư Hoàng Trọng Giáp. Ảnh: Luật sư & Doanh nghiệp.

Dưới góc độ của một luật sư, tôi cho rằng hành vi, việc lao vào tranh đoạt hàng hóa là tang vật đang được tiêu hủy theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ là một hành động cực kỳ xấu, ứng xử thiếu văn hóa, có phần tham lam vô độ của con người. Những người ở đây, thiết nghĩ, đều là thành phần tri thức, được đào tạo, giáo huấn rất căn bản mà lại có những hành động như ở một nơi không có tổ chức, không có phép tắc, pháp luật gì cả. Đây là vấn đề văn hóa ứng xử, đạo đức công dân chứ chưa nói tới quy định pháp luật.

Nếu chiếu theo những quy định pháp luật hiện hành thì những cá nhân liên quan trong buổi tiêu hủy tang vật vi phạm rất có thể phải chịu những án phạt mà pháp luật đã dự liệu, nhẹ thì xử phạt nội bộ, xử phạt hành chính. Và nếu nặng, gây hậu quả nghiêm trọng, làm xôn xao dư luận thì có thể sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Trách nhiệm hành chính

Cụ thể, về trách nhiệm hành chính, những cá nhân lao vào tranh đoạt hàng tiêu hủy, đã vi phạm vào Quy định tại Điều 4 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (số 115/2013/NĐ-CP).

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Chiếm đoạt, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, thay thế tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu và các hành vi trục lợi khác.

2. Vi phạm niêm phong, mang tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu ra khỏi nơi tạm giữ, bảo quản trái phép.

3. Làm mất, thiếu hụt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

Đối với trách nhiệm của Hội đồng tiêu hủy, và cán bộ có trách nhiệm bảo vệ trong buổi tiêu hủy có thể áp dụng Điều 9 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP.

Điều 9. Trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu

1. Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

2. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.

Ngoài ra, buổi tiêu hủy có sự tham gia của đại diện phía Công an (PC46). Tôi cho rằng những cán bộ đại diện lực lượng công an tham dự ở đây chỉ với tư cách khách mời và chứng kiến sự việc, chứ không thể xem là lực lượng bảo vệ hàng hóa buổi tiêu hủy. Vì vậy, đại diện PC46 vô can nếu họ thật sự bất lực trước những hành động tranh đoạt hàng tiêu hủy kia.

tieuhuy11710 thumb 1
Các cá nhân tranh cướp hàng đang tiêu hủy có thể bị xem xét trách nhiệm hành chính và hình sự vì hành vi của mình. Ảnh: VTC

Trách nhiệm hình sự

Trách nhiệm hình sự bị đặt ra cho những cá nhân lao vào tranh đoạt hàng tiêu hủy, nếu có căn cứ cho rằng họ có hành vi cản trở, hoặc dùng thủ đoạn khác để qua mặt những người có thẩm quyền bảo quản, quản lý hàng tiêu hủy nhằm làm cho họ không thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi của buổi tiêu hủy tang vật vi phạm.

Trách nhiệm hình sự của những cá nhân đó có thể xem xét tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 Bộ luật hình sự.

Trách nhiệm hình sự đặt ra cho những cán bộ, lực lượng được phân công bảo vệ, quản lý tang vật vi phạm, nếu có căn cứ cho rằng họ là những người có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật vi phạm mà họ có biểu hiện lơ là, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng các biện pháp nghiệp vụ để bảo vệ, quản lý tang vật tiêu hủy… Những người này có thể xem xét tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 Bộ luật hình sự.

Câu chuyện tranh dành, chiếm đoạt hàng hóa là tang vật vi phạm đang được tiêu hủy không phải là câu chuyện lần đầu tiên xảy ra. Sự khác biệt là sự việc lần này bị lộ thông tin. Một hoặc một số cá nhân đã nhìn nhận sự quá đà trong lòng tham của con người, sự thiếu văn hóa trong ứng xử của một số cá nhân nên ghi lại hình ảnh, video và được báo chí dũng cảm đưa tin, và lan truyền. Một câu chuyện thật nhưng khó tin giữa trụ sở Bộ Khoa học & Công nghệ.

Tác giả bài viết: Luật sư Hoàng Trọng Giáp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP