Kinh tế

Thầy giáo trẻ làm giàu từ nghề sản xuất củi trấu

Mặc dù, tuổi đời còn trẻ nhưng thầy Trần Đình Khoa – giáo viên Tường tiểu học Quỳnh Lâm B, huyện Quỳnh Lưu không chỉ được mọi người biết đến là một giáo viên giàu tính sáng tạo mà còn là một người điển hình trong việc tận dụng những phế phẩm nông nghiệp mà nhiều người nông dân bỏ đi để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.


Ngoài những giờ lên lớp thầy Khoa luôn bám sát xưởng sản xuất củi trấu để hướng dẫn công nhân làm việc.

Với 14 năm công tác trong ngành giáo dục, giảng dạy bộ môn Mỹ Thuật thầy Khoa đã dành tâm huyết và đào tạo nhiều em học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi do huyện, tỉnh tổ chức. Bên cạnh công tác giảng dạy, thầy luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế để nâng cao mức thu nhập cho gia đình.

Qua tìm hiểu ở trên các trang mạng, đồng thời nhận thấy ở địa phương Quỳnh Lưu nguyên liệu trấu nhiều nhưng người dân thường đốt và đổ ở trên các con sông gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vào mùa mưa lũ; do vậy để góp phần làm cho môi trường quê hương ngày càng thân thiện nên ý tưởng sản xuất củi trấu từ vỏ trấu được hình thành trong trí óc của thầy. Sau khi tìm hiểu kỹ về cách sản xuất củi trấu ở các tỉnh khác, đầu năm 2014 thầy Khoa đã mạnh dạn vay mượn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng ở tại xã Quỳnh Hoa và Quỳnh Thọ, 200 triệu đồng mua 2 máy sản xuất củi trấu ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sau đó, thầy tiến hành đi thu mua vỏ trấu ở các nhà máy xay xát gạo ở các địa phương trong toàn huyện và một một số xã lân cận thuộc huyện Diễn Châu. Với việc máy móc chạy không gây tiếng ồn, không khói bụi, đảm bảo cuộc sống của người dân xung quanh nên sản xuất gặp nhiều thuận lợi ngay từ bước đầu. Tuy nhiên, do ở địa phương đây là một nghề mới nên đầu ra về sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Nhằm khắc phục được vấn đề này, thầy Khoa đã chịu khó tìm đến các công ty sử dụng chất đốt giới thiệu và để lại sản phẩm dùng thử.

Những ngày đầu thành lập xưởng Thầy Khoa phải trực tiếp đến các cơ sở xay xát gạo để đặt mua trấu.

Nhận thấy việc sử dụng loại củi trấu này góp phần hạn chế khí thải độc hại ra môi trường và trong việc sử dụng gỗ, củi trong khai thác tự nhiên nên thầy đã nhận được đơn đặt hàng từ phía các công ty, nhà máy ngày một nhiều. Một tháng, xưởng của thầy sản xuất 100 tấn trấu và cho ra 95 tấn củi, với giá 1,1 triệu đồng/ tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà máy lò hơi ở Thanh Hóa, khu công nghiệp Nghi Sơn, Nam Cấm, nhà máy may, giấy trong tỉnh.

Từ việc làm này của thầy đã giải quyết được một lượng lớn vỏ trấu thải ra môi trường. Bên cạnh đó, thầy Khoa tiếp tục đầu tư 70 triệu đồng xây dựng nhà máy xay xát gạo tại gia ở xóm 2, Quỳnh Hồng vừa lấy nguyên liệu phục vụ cho nghề, vừa phát triển chăn nuôi để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường. Mỗi năm cho gia đình thầy thu lãi hàng trăm triệu đồng. Thầy còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập từ 3,5 – 5 triệu đồng/ tháng. Từ những việc làm này, năm 2015 thầy vinh dự được nhận giải “Thương hiệu vàng” Cục công nghiệp Việt Nam lần thứ 2.


Thầy Khoa vinh dự được nhận giải “Thương hiệu vàng” Cục công nghiệp Việt Nam lần thứ 2, năm 2015.

Thầy Trần Đình Khoa chia sẻ: “Để đảm bảo cho ra sản phẩm tốt thì trước tiên nguyên liệu trấu phải khô, không lẫn đá, sỏi, không bị ngấm nước. Trong quá trình sản xuất thì yêu cầu cao nhất là người kỹ thuật điều hành máy, do vậy đòi hỏi người đó phải có trình độ, năng lực mới làm tốt được công việc của mình. ”

Anh Ngô Văn Khanh – Công nhân tại xưởng của thầy khoa cho biết: “Qua hơn 2,5 năm làm việc ở xưởng thì thầy Khoa luôn quan tâm hướng dẫn công việc tận tình, tỉ mỉ, nhẹ nhàng và tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình.”


Nguyên liệu sản xuất không có gì khác ngoài vỏ trấu gạo.

Bên cạnh đó, thầy Khoa cũng rất tâm huyết với sự phát triển của làng, có nhiều đóng góp cho đời sống tâm linh của người dân địa phương. Qua nhiều lần tìm hiểu lịch sử của đền Voi, xã Quỳnh Hồng – đền thờ các vị tiền nhân có công giúp dân, giúp nước trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc; với mong muốn được nhiều người biết đền Voi, vì vậy thầy bỏ nhiều thời gian, công sức để thu thập thông tin cùng với UBND xã trình hồ sơ lên cấp trên để được công nhận di tích lịch sử.

Nhờ đó, vào năm 2012 đền Voi được đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, công trình kiến trúc nghệ thuật cổ kính, thiêng liêng. Thầy cũng là người tìm hiểu, khởi xướng kêu gọi đóng góp xây dựng miếu thờ Quan thượng tướng quân Hồ Phi Tứ - là người đã chỉ huy, lãnh đạo tiêu diệt được 28 vạn quân nhà Thanh góp phần quan trọng trong việc đánh đuổi quân nhà Thanh ra khỏi nước Việt, thuộc xóm 1, 2 Hồng Tiến, Quỳnh Hồng và cúng tế ông đầy đủ hàng năm vào ngày mất của ông 24/8 âm lịch. Miếu đã được địa phương cho phép thầy Khoa cùng một số người dân chăm sóc, bảo quản.


Quang cảnh di tích lịch sử cấp tỉnh đền Voi, xã Quỳnh Hồng.

Bác Vũ Ngọc Hoàn xóm 2, xã Quỳnh Hồng cho biết: “Thầy Khoa là một người rất có tâm đối với quê hương. Thầy đã không ngại quản thời gian, vất vả để tích cực tìm tòi các tài liệu liên quan đến các Đền, các vị thần đã có công giúp nước đã có thời gian ở địa phương, thông qua đó quảng bá các di tích đến với nhân dân khắp nơi.”

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tâm huyết với nghề, trách nhiệm với những công việc bản thân làm, đó là những phẩm chất đáng quý của thầy Trần Đình Khoa. Thầy luôn được học sinh và nhân dân địa phương yêu mến, là tấm gương đáng để mọi người học tập, noi theo./.

Tác giả bài viết: Hồng Diện

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP