Kinh tế

Tết Đoan Ngọ: Những mặt hàng rục rịch lên 'cơn sốt'

Tết Đoan Ngọ cận kề cũng là lúc các mặt hàng như rượu nếp, hoa quả, thịt vịt, bánh tro là bắt đầu "nóng" lên.

Mặc dù, ngày mai mới là Tết Đoan Ngọ nhưng từ hôm nay (8/6) rất nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu chọn mua những đồ truyền thống theo quan niệm dân gian để cúng ngày Tết.

Rượu nếp

Chiều 8/6, rất nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu chọn mua rượu nếp để cúng. Theo quan niệm từ xưa, rượu nếp có vị nồng cay khi ăn vào sẽ giúp tiêu diệt các ký sinh trùng trong cơ thể.

Chị Tuyển (Tiểu thương bán rượu nếp ở Hà Nội) cho biết, khách bắt đầu đông từ trưa nay (8/6). Mức giá bán rượu nếp cơ bản ổn định như những năm trước khoảng 50.000 đồng - 60.000 đồng/kg với rượu nếp trắng, còn 80.000 đồng - 90.000 đồng rượu nếp cẩm.


"Đa số mọi người thường mua khoảng 5 lạng, ít người mua lên đến 1-2kg. Nhưng lượng khách đông lên trông thấy. Tôi đã chuẩn bị cả yến rượu nếp để bán cho khách trong hôm nay và chính ngày Tết Đoan Ngọ", chị Tuyển nói.

Ngoài các quầy bán tại chợ, nhiều người bán hàng cũng tranh thủ ngày Tết Đoan Ngọ chở rượu nếp đi rao khắp các đường, ngõ để bán cho khách hàng ngại ra chợ. Một người bán rượu nếp rong cho biết, đa số khách mua thường là người lớn tuổi, con cái bận đi làm nên ở nhà tự lo các đồ cúng cần thiết.

"Khách hàng rục rịch mua từ hôm nay nhưng phải đến ngày mai - chính ngày Tết Đoan Ngọ mới đông khách. Có 2 loại cơm rượu nếp là cơm rượu nếp trắng và cơm rượu nếp cẩm. Cơm nếp dễ nấu nhưng muốn thành cơm rượu phải có loại men đặc biệt để tạo vị thơm, ngọt, hơi cay", người bán nói.

Hoa quả

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, hoa quả cũng là mặt hàng được người tiêu dùng mua nhiều. Các loại quả được nhiều khách chọn mua là mận, vải, xoài hay dưa hấu. Khảo sát mức giá tại một số chợ như Nghĩa Tân, Đồng Xa, chợ Cầu Giấy...chưa có nhiều biến động so với những ngày trước.

Mức giá cụ thể như mận dao động từ 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg, xoài 27.000 đồng/kg, vải đầu mùa mức giá vẫn còn cao 30.000 đồng/kg, có nơi bán 25.000 đồng/kg. Các loại quả được khách hàng lựa chọn đa số có vị thanh chua, thơm dịu...phù hợp trong ngày Tết Đoan Ngọ và đặc trưng của mùa hè.


Anh Đức (Người bán hoa quả ở chợ Nghĩa Tân, Hà Nội) cho biết: "Khách mua đông nhất là từ chiều nay và sáng mai. Còn sáng và trưa nay nhìn chung vẫn như ngày thường. Mức giá không có biến động, nếu tăng cũng chỉ tăng nhẹ vài ba ngàn đồng mỗi kg. Vì bây giờ bán ế lắm, khách có nhiều lựa chọn như siêu thị, mua qua mạng hay các cửa hàng hoa quả...nên nếu bán đắt là họ quay xe đi ngay".

Còn chị Minh (Tiểu thương bán hoa quả) cho biết, chị đã chuẩn bị 1 tạ mận để đáp ứng yêu cầu của khách. Đón đầu được xu hướng của khách, năm nay vải mới lác đác số lượng ít, mận đang rộ mùa và ngon, ngọt, đỏ mọng nên nhiều khách tìm mua.

"Tôi chuẩn bị 1 tạ mận nhưng hôm nay đã có người mua cả chục kg cho hai bên nội ngoại và đồng nghiệp. Dự đoán sáng mai và trưa mai là thời điểm đắt khách nhất. Mận đang vào mùa, ngon ngọt mà mức giá phải chăng nên nhiều người sẽ mua hơn các loại hoa quả khấc", chị Minh nói.

Thịt vịt

Thịt vịt dùng để chế biến thành các món như luộc, bún măng hay om sấu được nhiều gia đình lựa chọn. Theo quan niệm từ xưa, thời điểm 5/5 Âm lịch có tiết trời nóng nực của mùa hè nên thịt vịt giúp giải nhiệt, thanh mát và cân bằng cơ thể. Theo lời một số tiểu thương bán gia cầm ở các chợ tại Hà Nội, lượng khách đặt mua vịt làm sẵn đông gấp đôi ngày thường.

"Tôi làm việc luôn tay luôn chân từ sáng mà chưa hết việc. Hôm qua có hơn 40 khách đặt, hôm nay lại có thêm hơn 10 khách nữa. Đa số đều là mối quen đặt làm sẵn. Nhiều gia đình công chức bân rộn, họ sẽ mua vịt làm sẵn về luộc hoặc chế biến luôn", một tiểu thương ở chợ Nhổn nói.

Theo khảo sát của chúng tôi, mức giá bán vịt làm sạch lông khoảng 70.000 đồng - 80.000 đồng/kg. Với bà nội trợ khi chọn mua vịt sống, cần lưu ý đặc điểm vùng ức tròn, da cổ và bụng dày, lông phủ đều. Chọn vịt trưởng thành, không nên chọn vịt non vì thịt nhão và không chắc. Để nhận biết vịt khỏe cần xem ở hậu môn vịt, không không dính phân chảy nhớt là vịt không mắc bệnh.

Bánh tro (gio)

Bánh tro được làm từ gạo nếp ngâm qua nước tro, gói vào lá rồi đem luộc. Bánh ăn mát, dễ tiêu phù hợp ngày hè nóng nực, sau khi đã ăn các đồ ăn nhiều chất đạm hay khó tiêu. Tại một số khu chợ như chợ Tân Định, chợ Nguyễn Văn Trỗi...ở Tp.HCM nhiều khách hàng đã tranh thủ thời gian nghỉ trưa mua bánh tro cho ngày 5/5 Âm lịch.

Giá bán bánh tro không nhân khoảng 30.000 đồng/chục, bánh tro có nhân khoảng 40.000 đồng/chục. Chị Hiền Anh (Quận 2, Tp.HCM) cho biết: "Tôi mới lấy chồng vào Nam được hơn nửa năm, đây là lần đầu đi mua bánh tro. Nhưng mẹ chồng tôi đã phải đặt trước mấy ngày vì sợ khách đông. Hôm nay khách chưa nhiều nhưng nếu đợi đến mai chắc khó chen chân".

Mức giá bánh tro được đánh giá không tăng hay giảm so với năm ngoái. Nhiều tiểu thương cho hay, hiện nay sức mua hàng ngày không cao nên phải đảm bảo mức giá phù hợp để hút khách.

Tác giả bài viết: Nghi Dung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP