Kinh tế

Quỳnh Thắng: Nuôi bò vỗ béo cho thu nhập cao

Với diện tích đất đai rộng lớn ở xã miền núi, cộng với nguồn thức ăn chăn nuôi dồi dào, sẵn có tại địa phương như ngô, khoai, cỏ, rơm…, nhiều hộ nông dân ở xã Quỳnh Thắng đã đầu tư nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản phục vụ thị trường trong nước, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo của anh Nguyễn Đức Thao


Điển hình nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản là anh Nguyễn Đức Thao ở xóm 4, Tiến Thành. Gia đình anh Thao có 10 sào đất, trước đây trồng lúa, dứa nhưng năng suất không cao. Năm 2010, anh quyết định đầu tư vào nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản nên dành 4 sào để trồng cỏ voi, 1 sào trồng ngô, còn lại là diện tích trồng lúa. Những phụ phẩm nông nghiệp đều có thể tận dụng để làm thức ăn cho bò, vì vậy, từ 3 con lúc đầu khi mới nuôi, hiện nay, anh đã phát triển lên 9 con, trong đó có 5 con cho sinh sản. Bò sinh sản mỗi năm cho 1 con bê, chăm sóc 6 tháng thì bán được hơn 15 triệu đồng. Còn bò vỗ béo anh tìm mua bò gầy ốm ở các nơi khác về nuôi nhốt khoảng 4 tháng cho giá trị 1 cặp bò 60 triệu đồng, lãi từ 3 – 5 triệu đồng/con. Tính ra với số lượng 4 con nuôi quay vòng 3 lứa/năm, anh có lãi gần 50 triệu đồng. Nhờ nuôi bò nên mỗi năm anh có thu nhập trừ chi phí gần 150 triệu đồng. Anh Thao cho biết thêm: “Nuôi bò thì cũng dễ thôi, nuôi thì cũng cốt siêng. Nuôi bò có hiệu quả, nông dân thì phải nuôi bò. Nông thôn thì nuôi bò hiệu quả còn bộc phát thì không có. Một năm nếu mà đẻ đều 5 con thì cũng có khoảng 50 triệu”.

Nuôi bò đang là hướng phát triển kinh tế, thoát nghèo của bà con Quỳnh Thắng


Xã miền núi Quỳnh Thắng là địa phương có diện tích trồng dứa, mía, sắn lớn vào top đầu của huyện Quỳnh Lưu. Thế nhưng, theo cán bộ xã cho biết: mấy năm gần đây, diện tích trồng 3 loại cây chủ lực này cũng giảm xuống bởi bà con nông dân trong xã đã chuyển khá nhiều diện tích sang trồng cỏ voi, cỏ VA 06 và ngô phục vụ chăn nuôi bò. Không chỉ trồng trên đồi, trên ruộng, bà con còn tận dụng trồng cỏ ngay tại vườn, ở bờ ruộng, bờ rào…nên nhìn đâu cũng thấy cỏ mọc xanh tốt. Nguồn thức ăn cho bò dễ trồng, dễ chăm sóc nên tổng đàn bò của xã Quỳnh Thắng ngày càng tăng. Hiện nay, tổng đàn bò toàn xã có hơn 1.150 con, bao gồm cả bò sữa. Nuôi bò, đặc biệt là bò nhốt trở thành sự lựa chọn của rất nhiều hộ dân Quỳnh Thắng để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Với xuất phát điểm ban đầu từ 1 – 2 con, sau vài năm, hầu hết các hộ nuôi bò đều phát triển tổng đàn lên gấp đôi, gấp 3, giá trị hàng trăm triệu đồng. Bà con nông dân Quỳnh Thắng chia sẻ: nuôi bò hiệu quả hơn và “nhàn” hơn nuôi các loại con khác vì nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương. Nuôi 5 con hay 7 con bò chỉ 1 người chăm sóc là đủ. Hàng ngày chỉ dọn vệ sinh và ra ruộng cắt cỏ về cho bò ăn. Dịch bệnh hay rủi ro ở bò cũng rất ít xảy ra. Nhờ nuôi bò, bà con có nguồn thu nhập ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang và có điều kiện đầu tư cho con cái học hành. Ông Hồ Diên Thắng – Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu nói: “Cỏ cũng sẵn, hai là thức ăn thô ở địa phương cũng có, ba là địa hình thả và nhốt cũng rộng. Có sự đầu tư là có thể mở rộng được đàn bò nhốt. Vừa rồi thực hiện đề án của Đảng ủy thì ủy ban đang làm đề án về chăn nuôi xa khu dân cư, đang khuyến khích các hộ có đất đăng ký để đưa lên đồi”.

Hàng trăm hộ dân xã Quỳnh Thắng đều đang có cuộc sống khấm khá hơn từ nuôi bò. Tuy nhiên, nếu phát triển mạnh đàn bò trong khu dân cư, nuôi tại gia với số lượng lớn thì sẽ dẫn tới ô nhiễm môi trường, do vậy, việc quy hoạch vùng chăn nuôi và xứ lý chất thải của bò vẫn là những điều cần quan tâm khi phát triển đàn bò ở Quỳnh Thắng./.

Tác giả bài viết: Thanh Nhàn (Đài Quỳnh Lưu)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP