Kinh tế

Quy hoạch sai có thể 'phá' cả một vùng vì vài khu biệt thự

Các đại biểu Quốc hội cho rằng quy hoạch cần được thực hiện theo chu kỳ 10 năm với tầm nhìn dài hạn hơn, song phải được rà soát 5 năm một lần.

Thảo luận tại hội trường ngày 26/5 về dự Luật quy hoạch, đa số các ý kiến đều cho rằng, cần phải tích hợp quy hoạch để tránh chồng chéo, không ăn khớp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cần sớm thông qua Luật Quy hoạch làm tiền đề. Vị này nhìn nhận một quy hoạch tốt ban hành có thể “biến” vùng sa mạc thành khu sầm uất và ngược lại. "Quy hoạch sai, cả vùng sầm uất sẽ bị phá đi chỉ vì vài khu biệt thự, nên cần cân nhắc, thẩm tra chặt chẽ", ông nói và cho rằng, dự luật cần xem xét tích hợp các quy hoạch có quan hệ, liên quan với nhau, không nên để phân tán quá nhiều quy hoạch.

Đơn cử, hệ thống quy hoạch giao thông không nên tách rời quy hoạch đường bộ, đường thuỷ, hàng không. Cần tích hợp ngay trong trong quá trình xây dựng quy hoạch, tránh xảy ra mâu thuẫn…

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó, điều chỉnh quy hoạch cần mang tính dài hạn, chu kỳ là 10 năm, tầm nhìn 50 năm, định hướng 100 năm, nhất là quy hoạch hạ tầng… Tuy nhiên, việc rà soát nên làm 5 năm một lần.

Cùng quan điểm, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) nêu sự cần thiết trong tích hợp quy hoạch để tránh dàn trải, chồng chéo. Bà Thanh góp ý, việc tích hợp này không đơn giản như phép cộng số học mà phải bàn tới tính tổng thể, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của người cầm trịch, nhạc trưởng mà cụ thể là Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) lại đề cập tới quy trình thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn rườm ra. Điều này có thể dẫn tới xin - cho, phân tán trách nhiệm. Ông Sinh phân tích, quy hoạch tỉnh được xây dựng trên cơ sở quy hoạch quốc gia với thành phần hội đồng thẩm định là đại diện các bộ, ngành nên dễ chồng chéo. "Có trường hợp xin ý kiến lần đầu Bộ không ý kiến gì, nhưng xin lần 2 với tư cách là thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước thì lại có ý kiến khác. Địa phương cứ phải bê đi, bê về và chờ đợi phê duyệt quy hoạch", đại biểu tỉnh Hoà Bình nêu và đề xuất cần loại bỏ thủ tục không cần thiết này để tránh gây phiền hà. Ông Sinh cũng đặt vấn đề kiên quyết bỏ quy hoạch sản phẩm lâu nay vẫn là những "giấy phép con" hành doanh nghiệp.

Giải đáp thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, khi dự luật có hiệu lực từ 1/1/2019 thì quy hoạch sản phẩm cũng sẽ hết hiệu lực. Thay vào đó, thị trường sẽ quyết định số quy hoạch này. Nhà nước sẽ chỉ đảm bảo nhiệm vụ cung cấp thông tin dự báo, phân tích, đánh giá thị trường, định hướng cho người dân và doanh nghiệp.

"Quyết định đầu tư là của nhà đầu tư, theo quy hoạch ta đã đề ra. Ta không thể định lượng sản phẩm này bao nhiêu, sản phẩm kia bao nhiêu. Thị trường sẽ quyết định việc đó. Đây là điểm mới, cách mạng trong tư tưởng làm luật quy hoạch lần này”, Bộ trưởng Dũng nói.

Trong phần giải trình hơn 20 phút, ông Dũng nhắc lại khá nhiều lần điểm nổi bật của dự luật là mạnh dạn đổi mới lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành, khắc phục tình trạng chia cắt các ngành, địa phương, vùng miền và xung đột lợi ích. “Luật cũng thiết lập cơ chế cung cấp thông tin quy hoạch, bảo đảm công khai, khắc phục tình trạng xin - cho, tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch”, ông nói.

Tác giả bài viết: Anh Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP