Kinh tế

Nhập nồi niêu, xoong chảo phải qua Bộ Y tế và Bộ Công Thương kiểm tra

Hiện về kiểm tra chuyên ngành trong thông quan hàng hóa đang có sự không thống nhất trong các văn bản của các Bộ về thời điểm kiểm tra dẫn đến các DN phải đi nhiều nơi, gõ nhiều cửa khi sản phẩm nhập khẩu có liên đới đến thủ tục tiền kiểm chuyên ngành.

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có công văn kiến nghị Thủ tướng và nhiều Bộ liên quan phản ánh việc có sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong việc kiểm tra chuyên ngành, dẫn đến phát sinh chi phí, mất thời gian của doanh nghiệp.

Theo văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết: Qua phản ánh của các doanh nghiệp (DN) tại TP. HCM, trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thời gian qua dù đã có nhiều cải thiện, song những khó khăn và vướng mắc vẫn rất lớn.

Kiểm tra chuyên ngành (ảnh minh họa)

Cụ thể, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu hiện nay còn phức tạp, thực hiện các trình tự thủ tục giữa các cơ quan mất nhiều thời gian, kéo dài thời gian thông quan, phát sinh chi phí gây hại cho DN.

Danh mục các mặt hàng bắt buộc kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan còn quá nhiều, chiếm 30 - 35% hàng hóa nhập khẩu hiện nay và có nhiều mặt hàng trùng lặp phải kiểm tra ở nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu.

Ông Phan Như Khuê, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM nêu ví dụ: "Một sản phẩm nồi niêu, xoong, chảo vì lý do tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải qua Bộ Y tế để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên thiết bị và qua cả Bộ Công Thương để kiểm tra nhãn năng lượng... Mặt hàng tủ lạnh, tủ làm mát vừa chịu sự kiểm tra hiệu suất năng lượng của Bộ Công Thương vừa chịu sự kiểm tra tiêu chuẩn hợp quy của Bộ Khoa học và Công nghệ; Sản phẩm sữa tươi vừa phải đi kiểm tra an toàn thực phẩm vừa phải đi kiểm dịch động vật... tại Bộ Y tế."

Theo kiến nghị của Đoàn, hiện về kiểm tra chuyên ngành trong trường hợp thông quan hàng hóa đang có sự không thống nhất trong các văn bản của các Bộ về thời điểm kiểm tra. Điều này dẫn đến các DN phải đi nhiều nơi, gõ nhiều cửa khi sản phẩm nhập khẩu có liên đới đến thủ tục tiền kiểm chuyên ngành.

Cụ thể, có nhiều Bộ khi ban hành Danh mục hàng nhóm 2 (hàng có khả năng mất an toàn và tiềm ẩn gây hại cho người, vật nuôi) phải kiểm tra trước, thông quan sau. Tuy nhiên, cũng danh mục ấy, nhiều Bộ vẫn thông quan rồi thực hiện kiểm tra chuyên ngành như Bộ Nông nghiệp, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội... Điều này gây khó khăn cho cơ quan hải quan và cả DN.

Ngoài ra, theo Đoàn ĐBQH TP.HCM, hiện Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn có phạm vi rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS (mã số hàng hóa xác định thuế hải quan); một mặt hàng chịu nhiều sự quản lý, kiểm tra của nhiều bộ, không thống nhất cùng một hoạt động gây lãng phí thời gian của DN, chi phí đội lên cao do phải trả thêm tiền kiểm định, lưu kho bãi và đền bù hợp đồng, phát sinh tiêu cực xin cho.

Nhiều hàng hóa đã chịu sự quy định của Luật Tiêu chuẩn Việt Nam, có thể thực hiện thông quan và lấy một mẫu đại diện, thực hiện hậu kiểm. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, những sản phẩm ấy vẫn được nằm trong các quy định kiểm tra chuyên ngành không chỉ của một bộ, mà các bộ liên quan.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP