Kinh tế

Ngô biến đổi gen: Năng suất cao đi kèm nỗi lo lớn!

Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì ngô là cây trồng chuyển đổi hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các giống ngô hiện nay thường bị nhiễm các loại sâu bệnh ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng. Vì thế, tại một số địa phương người dân đã bắt đầu sử dụng giống ngô biến đổi gen với những đặc tính vượt trội chống chịu với sâu bệnh. Theo xu hướng chung, liệu ngô biến đổi gen có phải là một giải pháp của nông nghiệp hiện đại?

Năng suất cao, kháng sâu hại.

Hiện nay, ở huyện Đô Lương, nhiều cánh đồng Ngô vụ xuân chuẩn bị thu hoạch đã bị sâu đục thân đục bắp phá hại. Chỉ tính sơ bộ, nếu trên 1 sào ngô có 50 cây ngô bị sâu phá hại thì người dân sẽ thất thu 10kg ngô bắp, đó là chưa tính tới chi phí ban đầu và công chăm sóc.

images1
Sâu đục thân bắp ngô làm giảm năng suất trên một đơn vị diện tích

Cỏ dại, sâu bệnh hại, đặc biệt là sâu đục thân, đục bắp là yếu tố gây hại đối với trên ngô ở các thời kỳ từ cây con cho tới khi thu hoạch khiến cho chi phí sản xuất tăng cao và giảm năng suất, sản lượng ngô. Anh Nguyễn Thế Tài – Xóm 8- xã Thuận Sơn – Đô Lương nói: Người dân chỉ mong muốn có được giống ngô có thể giảm công sức lao động, đem lại năng suất khi thu hoạch và tránh tình trạng sâu bệnh hại.
images2
Mỗi năm Nghệ An trồng từ 50.000-60.000ha ngô

Với mong muốn về một giống ngô có tính kháng cao đối với sâu hại, đặc biệt là sâu đục thân, đục bắp, hiện nay, trên địa bàn Nghệ An đã đưa giống ngô biến đổi gen vào sản xuất với diện tích trên 150ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Thanh Chương, Diễn Châu, Đô Lương, Anh Sơn, Hưng Nguyên,... Năm nay là vụ ngô thứ 2 chúng ta đưa ngô biến đổi gen vào trồng đại trà, chỉ riêng huyện Thanh Chương đã có gần 100ha sử dụng giống biến đổi gen, bước đầu đã có những kết quả khả quan.
images1293375 Ng bi n d i gen c a gia d nh ngo3
Ngô biến đổi gen của gia đình ông Nguyễn Văn Nam ở xóm 2 – xã Hạnh Lâm – Thanh Chương

Ông Nguyễn Văn Năm – Xóm 2 – xã Hạnh Lâm – Thanh Chương cho biết: Tỷ lệ nảy mầm cao, trồng cây nào được cây nấy, thứ 2 là đỡ sâu bệnh rất nhiều. Đối với ngô thì sâu cuốn lá và sâu đục thân rất nhiều nhưng đối với ngô biến đổi gen không có nên dân hạn chế được việc phun thuốc”

Ông Trần Phi Hùng- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương cho biết thêm: Bước đầu đưa giống mới vào sản xuất thì chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Người dân thường tính toán hiệu quả kinh tế, mới sản xuất 1 vụ đông và 1 vụ xuân nên người dân bắt đầu thấy được hiệu quả. Trong thời gian tới thì chắc chắn người dân sẽ sẵn sàng đón nhận những giống mang lại hiệu quả cao, trong đó có giống ngô biến đổi gen.

Nguy cơ phụ thuộc nguồn giống.

Việt Nam là nước thứ 29 trên thế giới sử dụng giống cây trồng biến đổi gen, chủ yếu là các giống ngô chống chịu sâu bệnh, giống đậu tương và cây bông. Sở dĩ chúng ta chú trọng đến cây Ngô vì mỗi năm diện tích trồng ngô đều được tăng lên, mặc dù thường xuyên sử dụng các loại giống ngô lai năng suất cao, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

images4
Ngô biến đổi gen cho năng suất 7 tấn/ha và có khả năng kháng sâu hại, nhưng giá thành cao và không chủ động được nguồn giống

Còn tại Nghệ An, năm 2015, Ngô biến đổi gen cũng được trồng đại trà ở một số huyện. PGS.TS Bùi Văn Dũng – Trưởng khoa Kinh tế -Trường ĐH Vinh cho rằng: Về góc độ kinh tế, trên thế giới, hiện nay, một số nước đã ứng dụng thành công những thành tựu của biến đổi gen như Brazil, Argentina, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan,… Còn Việt Nam chúng ta đã và đang phải nhập khẩu ngô biến đổi gen từ các nước đó để phục vụ nhu cầu trong nước. Vì vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng, việc đưa cây trồng biến đổi gen vào trong sản xuất là tất yếu trong xu thế phát triển Nông nghiệp hiện đại.
images5
Huyện Thanh Chương đã trồng ngô biến đổi gen vụ thứ 2 trên diện tích 100ha.

Chúng ta không thể phủ nhận rằng, ngô biến đổi gen có khả năng nảy mầm cao, kháng sâu bệnh, kháng thuốc cỏ khá tốt. Tuy nhiên, không tính tới những ý kiến trái chiều về tác động của biến đổi gen đối với con người, môi trường sinh thái thì chúng ta cũng phải tính tới chi phí đầu vào, năng suất ngô biến đổi gen. So với các giống ngô thông thường thì giá thành ngô giống biến đổi gen khá cao, 185.000 đồng/kg, gấp 2 lần giá ngô giống không biến đổi gen, trong khi đó năng suất không cao hơn là mấy. Cùng với sự độc quyền về công nghệ gen thì trong tương lai nông nghiệp của chúng ta cũng sẽ phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng giống. Vì thế, việc mở rộng sản xuất các giống Ngô biến đổi gen cũng cần có chiến lược rõ ràng, cẩn trọng và từng bước tiến tới chủ động tạo ra giống cây trồng biến đổi gen để người dân được hưởng lợi.

Tác giả bài viết: Phương Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP