Kinh tế

Năm 2016, số doanh nghiệp phá sản tăng 32% so với năm trước

Mặc dù ghi nhận con số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, song theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), năm 2016 cũng chứng kiến số lượng lớn DN rời bỏ thị trường tăng cao bất thường và số DN phải tạm ngừng hoạt động vẫn rất lớn.

Cụ thể, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 19.917 DN, tăng 4.268 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước (27,3%). Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không thời hạn hoặc chờ giải thể của cả nước là 40.750 DN, giảm gần 15.000 DN so với cùng kỳ (giảm 26,9%).

Như vậy, tính chung số DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn, không thời hạn và chờ giải thể trong năm 2016 vào khoảng hơn 60.600 DN.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản gặp khó khiến tỷ lệ doanh nghiệp ngành này phá sản chiếm số lượng lớn nhất trong các ngành (ảnh minh họa)
Theo cơ quan Bộ KH&ĐT, về quy mô doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng chiếm 92,5% trên tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. Cũng trong năm 2016, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2016 của cả nước là 12.478 doanh nghiệp, tăng 3.011 DN so với cùng kỳ năm trước (31,8%).

Bộ KH&ĐT cho biết, tổng số DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và phá sản trong năm 2016 vào khoảng 73.000 DN, con số này giảm hơn nhiều so với tổng số hơn 80.000 DN năm 2015, song số lượng DN chính thức rời bỏ thị trường cao hơn.

"Tổng số DN lâm cảnh khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động có thời hạn và không có thời hạn đã giảm từ 71.300 DN năm 2015 xuống 60.600 DN trong năm 2016. Tuy nhiên, số DN phá sản tăng lên từ 9.400 DN năm 2015 lên đến 12.478 DN năm 2016. Như vậy, có thể nói nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, số DN chính thức phải rời bỏ thị trường tăng cao", đại diện Cục Quản lý Đăng ký Doanh nghiệp cho hay.

Số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 93,1% trên tổng số đơn vị kinh doanh bị giải thể của cả nước.

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT, tình hình doanh nghiệp giải thể trong năm 2016 tăng tại một số vùng trong cả nước so với cùng kỳ năm 2015, cụ thể: vùng Tây Nguyên có 1.186 doanh nghiệp, tăng 273%; vùng Đông Nam Bộ có 4.849 doanh nghiệp, tăng 41,9%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 1.898 doanh nghiệp, tăng 28,1%; vùng Đồng bằng Sông Hồng có 2.274 doanh nghiệp, tăng 24,4%.

Ở chiều ngược lại, Trung du và miền núi phía Bắc có 567 doanh nghiệp, giảm 6,3%; vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có 1.704 doanh nghiệp, giảm 6,2%.

Về cơ cấu các ngành, số DN trong ngành nông, lâm thủy sản có số lượng DN giải thể nhiều nhất với khoảng trên 500 DN, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là kinh doanh ngành này chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, mất cân đối nguồn cung, quy mô vốn nhỏ khó cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Lĩnh vực có số DN phá sản nhiều thứ 2 là Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có số DN giải thể tăng 90,9%; Kinh doanh bất động sản tăng 69,6%; Khai khoáng tăng 61,5%... và cuối cùng ngành Thông tin và truyền thông có 394 doanh. Như vậy, ngành kinh doanh BĐS vừa là 1 trong 3 ngành có tỷ lệ DN đăng ký thành lập mới tăng cao nhưng cũng là 1 trong 3 ngành có số DN rời bỏ thị trường cao. Đây là dấu hiệu cho thấy, sự cạnh tranh trong kinh doanh BĐS rất lớn và đào thải thị trường mạnh mẽ.

Bà Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, số DN tạm ngừng hoạt động và giải thể do nhiều nguyên nhân trong đó có thiếu vốn, mất thị trường và nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh quyết liệt đã đẩy nhiều DN nhỏ khó gặp nhiều khó khăn hơn trước.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP