Kinh tế

Kinh doanh bánh mì nướng muối ớt Khmer nở rộ tại Sài Gòn

Nhanh nhạy trong việc cập nhật các xu hướng kinh doanh mới, một số tiểu thương ở TP HCM gần đây chuyển sang bán bánh mì nướng muối ớt Khmer sau trào lưu xoài lắc, mì cay...

Đường Lê Quang Sung (quận 6) có khoảng 10 tiệm bánh mì nướng muối ớt, với lượng khách đến mua rất đông, cao điểm là vào buổi chiều.

Bà Tám, chủ tiệm bánh nằm ngay ngã ba Lê Quang Sung - Cao Văn Lầu cho biết, tình cờ ăn được món bánh mì này, bà thấy lạ miệng nên lặn lội xuống huyện Nhà Bàn, Tịnh Biên (An Giang) để học cách làm.

Sau đó, bà cùng các chị em mở quán và bán với giá 8.000-10.000 đồng mỗi phần. Từ khi mở hàng đến nay đã 4 tháng, nhưng ngày nào quán bánh mì nướng muối ớt của bà Tám cũng nhộn nhịp, nhất là vào giờ chiều. Khách xếp hàng đông đúc chờ đến lượt mua. Mỗi ngày, bà Tám bán khoảng 1.000 ổ bánh, thu lãi hơn 1 triệu đồng.

Khách xếp hàng đợi mua bánh mì nướng muối ớt. Ảnh: Thái Nguyễn


Theo bà Tám, việc chế biến món ăn này không khó. Các công đoạn chỉ là bánh mì quét muối ớt bên ngoài đem nướng giòn trên bếp than. Món ăn này đã có từ rất lâu ở Tịnh Biên - An Giang. Khi đổ bộ đến Sài Gòn, món ăn thay đổi bằng cách bổ sung thêm bơ, nước xốt sa tế. Khi nướng nóng giòn lên thì bánh được ăn kèm với nhiều món tùy khẩu vị như phô mai, chà bông, ruốc tép, mỡ hành, xốt majonnaise, tương ớt, thậm chí cả xúc xích và pa tê.

Bắt đầu từ các địa chỉ trên đường Lê Quang Sung, món bánh mì nướng muối ớt hiện đã xuất hiện trên nhiều tuyến đướng khác như Điện Biên Phủ (khu vực quận Bình Thạnh), Tô Hiến Thành (quận 10), Lam Sơn, Minh Phụng, Hàn Hải Nguyên (quận 11)...

Bất kể thời nắng nóng, nhiều người dân vẫn xếp hàng đợi mua. Dân văn phòng, học sinh, sinh viên thường liên hệ qua các trang fanpage trên Facebook để đặt hàng “ship” về tận nhà. Theo chị Kim Trang (quận Tân Bình), chị làm việc trên đường 3 Tháng 2, (quận 10) buổi chiều tan ca làm, “buồn miệng” chị hay đến đường Lê Quang Sung để ăn bánh mì nướng muối ớt.

Chị biết đến món ăn này qua mạng xã hội, tìm mua ăn thử và thấy thích vì lạ miệng. Giá 10.000 đồng một phần cũng rẻ nhưng ăn no hơn các món quà ăn vặt khác.

Từ món ăn quen thuộc của người dân Khmer, bánh mì nướng muối ớt biến tấu thêm với nhiều gia vị và được người Sài Gòn yêu thích. Ảnh: Thái Nguyễn


Còn với chị Minh Châu (quận Bình Thạnh) thì: "Sau mấy lần đi mua, tôi thấy đơn giản nên thường tự làm ăn ở nhà, vừa khỏi phải xếp hàng chờ đợi vừa đảm bảo vệ sinh".

Theo một chủ cửa hàng bán bánh mì khác tại đường Lê Quang Sung, trước khi bán bánh mì nướng mưới ớt, chị bán khoai tây lắc. Đây là những món ăn được "thổi" lên từ mạng xã hội và người bán, người ăn đều theo trào lưu.

"Muốn có lãi thì phải thay đổi, biến tấu, bổ sung gia vị để gây tò mò cho khách. Cách kinh doanh của tôi là phải tranh thủ lúc nó còn 'hot', chứ qua rồi thì sẽ bình thường, khách lại đi tìm món mới", chị cho biết.

Theo anh Hoàng Phúc (Tịnh Biên, An Giang), món bánh mì nướng muối ớt Khmer bán nhiều ở các vùng Tri Tôn, Ba Chúc, Nhà Bàn-Tịnh Biên (An Giang) từ hơn 2 năm nay. Món này chế biến rất đơn giản nhưng được cả thực khách người Kinh, người Khmer trong vùng chuộng. Giá mỗi phần bánh mì nướng bán tại đây chỉ 5.000 đồng.

Tác giả bài viết: Thái Nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP