Kinh tế

Khó tin: Gian hàng không người bán, chẳng lo mất tiền

Trên mạng xã hội đang xôn xao trước hình ảnh một gian hàng không người bán ở Nhật Bản. Chỉ cần báo giá hàng hóa, cạnh đó là chiếc thùng đựng tiền, cuối ngày người chủ chỉ cần quay lại dọn hàng, đếm tiền.

Trên trang trang facebook Nhật Bản Tôi Yêu mới đây có đăng bức ảnh về một gian hàng bán nông sản không cần người trôi coi ở Nhật Bản.

Theo như bức ảnh, người chủ chỉ cần bày hàng lên, ghim giá cả và để một thùng đựng tiền ở đó, rồi đi làm việc khác. Ai muốn mua hàng sẽ tự chọn, tự cân và bỏ tiền vào thùng. Chiều đến, người chủ quay lại dọn hàng, lấy tiền trong thùng. Điều lạ là, số tiền thu được không thiếu một xu, và gian hàng cũng không mất một hạt đậu nào!

“Người Nhật suy luận nếu họ tin tưởng nhau, thì họ không cần phải canh nhau, và họ được dư một công lao động!”, chủ nhân bức ảnh nhận xét.


Gian hàng không cần người bán ở Nhật (ảnh FB Nhật Bản Tôi Yêu)

Nhiều người đã từng du học hoặc làm việc tại Nhật Bản khi xem bức ảnh cũng xác nhận việc này là đúng.

Sau khi tác giả cuốn Người Việt xấu xí, ông Nguyễn Thiện, chia sẻ bức ảnh lên facebook cá nhân, đã nhận được 18.000 like và gần 2.000 bình luận, 2.300 lượt chia sẻ.

Hầu hết các ý kiến đều khâm phục tính tự giác và lòng tự trọng của người Nhật. Nếu gian hàng này bán ở Việt Nam, hàng hóa sẽ mất sạch trong vòng chưa đầy... 10 phút, hoặc cái thùng đựng tiền sẽ “không cánh mà bay”.

Thành viên Giang Nguyen Hong cho hay, tại Đức, khi mua hoa cũng thế. Người ta chỉ cần niêm yết bảng giá, ai mua tự ra vườn cắt, sau đó nhét tiền vào khe hòm ở đó.


Quầy bán hoa tự động tại Đức (ảnh FB Giang Nguyen Hong)

Trên thực tế, tại Việt Nam trước đây, việc mua - bán hàng tự giác, không cần người trông coi như trên đã từng diễn ra.

Theo facebook Nghiem Ho Quang, thì ông ngoại của anh kể rằng vào khoảng những năm 50 ở vùng quê Trà Vinh cũng có những sạp bán rau quả tự trồng của nông dân như thế. Sáng trước khi đi ruộng, rẫy người nông dân đem bày các rau quả tự trồng như bầu bí mướp, đu đủ mía,... ra sạp trước cổng nhà, cạnh bên treo một ống tre. Giá cả có sẵn, ai mua thì bỏ tiền vào ống tre. Chiều người chủ nhà về thì cất tiền vào túi.

Hay, một người tên Chu Ngọc Hưng cho biết thêm, những năm 1978-1979, khi đi Sơn La ông thấy ở ven đường thỉnh thoảng có chỗ để một cái chõng tre, trên để sản vật địa phương, chủ yếu là hoa quả như chuối, muỗm, xoài,..v..v... không cần người trông. Hỏi thì được biết ai đi qua có thể bỏ tiền tại đấy và lấy đi thứ mình cần (tùy tâm không có giá). Sau này thì không còn kiểu bán hàng này nữa .

Còn facebook Phương Hồ cho hay, mô hình này mấy năm trước đã được một thầy Phó khoa mang về áp dụng cho 1 gian hàng nhỏ tại ĐH Kinh tế TP.HCM, không rõ bây giờ còn không.

Tuy nhiên, đến nay, việc bán hàng như vậy ở Việt Nam là vô cùng hiếm, nếu không nói là không tồn tại. Bởi, theo facebook Vinh Nguyenquang, gian hàng này ở Việt Nam hoạt động được thì phải lắp thêm 10 cái camera và cử thêm 4 cảnh sát canh chừng cách gian hàng khoảng 10 mét.

Rõ ràng, điều đó chứng tỏ nền giáo dục, ý thức, tính kỉ luật và lòng tự trọng của cả một dân tộc. Phải mất bao lâu để người Nhật họ được cả thế giới tôn trọng như ngày hôm nay! Người Việt mình không phải là không thể so sánh cùng họ, chỉ có điều 90 triệu dân có đủ nhận thức - đủ tỉnh để mà nhận ra hay không thôi - thành viên Lynk Hero nhận xét.

Tác giả bài viết: Ngọc Hà (tổng hợp)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP