Kinh tế

HLV Nghĩa Đàn: Đảm nhiệm trọng trách phát triển kinh tế hộ

Năm 2016, Hội Làm vườn (HLV) Nghĩa Đàn (Nghệ An) triển khai mô hình nuôi trùn (giun) quế, được đông đảo nông dân, hội viên đến tham quan và đề nghị phối kết hợp để phát triển chăn nuôi bền vững.

Mô hình nuôi trùn quế đem lại nguồn thu nhập ổn định tại Nghĩa Đàn.


Mô hình cũ, hướng đi mới

Là hội viên năng nổ của HLV Nghĩa Đàn, anh Trương Văn Thuận đã mày mò, học hỏi bạn bè để tìm hướng làm giàu bền vững tại quê hương. Sau 2 lần thử nghiệm các mô hình kinh tế không thành công, lần thứ 3 anh chọn nuôi trùn quế. Trên thực tế, nghề này xuất hiện từ lâu; nhưng do hạn chế về mặt kỹ thuật nên mai một dần. Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu thức ăn sạch, nhiều dinh dưỡng, anh Thuận mạnh dạn đầu tư nuôi trùn dưới sự hướng dẫn và trợ giúp của cán bộ HLV Nghĩa Đàn.

Anh Thuận khởi đầu việc nuôi trùn quế từ tháng 6/2015 với lượng giống nuôi ban đầu 80kg sinh khối trùn (gồm: trùn con, lượng phân giun, phân trâu, bò làm thức ăn cho trùn). Diện tích chuồng 40m2, vốn đầu tư ban đầu 3.900.000 đồng (cơ sở vật chất và trùn giống). Sau hơn 2 tháng, anh đã có trùn giống bán cho các hộ trong và ngoài địa phương. Tính đến ngày 30/06/2016, anh đã bán ra thị trường 375kg sinh khối trùn với giá 25.000 đồng/kg. Hiện, trong chuồng nhà anh còn khoảng 1.400kg sinh khối trùn đang phát triển tốt (chưa kể lượng trùn làm thức ăn hàng ngày cho 30 con gà, ngan và 1 bể lươn giống 10kg). Trừ chi phí, sau năm đầu tiên thử nghiệm, anh Thuận thu lãi 36 triệu đồng.

Do sức lan tỏa nhanh chóng của mô hình nuôi trùn quế, Hội Nông dân huyện đã tổ chức cho cán bộ và hội viên đến tham quan, học tập tại gia đình anh Trương Văn Thuận. Ông Võ Quang Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân Nghĩa Đàn, nhận xét: “Mô hình nuôi trùn quế của anh Thuận và nhiều hội viên HLV đã mở ra hướng làm ăn mới. Hy vọng thời gian tới, hai Hội phối kết hợp với nhau để nhân rộng mô hình ra toàn huyện, đưa ngành chăn nuôi Nghĩa Đàn phát triển bền vững”.

Vào Hội để phát triển kinh tế tốt hơn

Bên cạnh việc nuôi trùn quế đang được nhân rộng trong hội viên, những mô hình khác vẫn phát triển khá tốt. Điển hình như mô hình nuôi 15 con bò sữa của ông Lê Minh Nghĩa (Nghĩa Tân), cho thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Ông Vi Ngọc Phương (Nghĩa Liên) nuôi 40 con dê, thu lãi trên 50 triệu đồng/năm. Ông Trần Văn Sơn (Nghĩa Liên) nuôi lợn siêu nạc 300 con/lứa, kết hợp cây ăn quả, thu lãi 100 triệu đồng/năm… Đặc biệt, nhiều hộ trồng cây ăn quả trong chương trình cải tạo vườn tạp mang lại hiệu quả khả quan: ông Hoàng Văn Dũng (Nghĩa Liên) trồng mới trên 1,4ha cây ăn quả; ông Nguyễn Văn Cường (thị trấn Nghĩa Đàn) trồng mới 1,5ha và chăm sóc 2ha bưởi Diễn; ông Lê Sỹ Định (Nghĩa Lâm) làm dịch vụ cây giống, thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Không nằm trong nhóm trồng cây có múi, ông Nguyễn Văn Trung (Nghĩa Hội) với 2ha dưa hấu, có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Khuông, Phó chủ tịch HLV Nghĩa Đàn, cho biết: “Sau thành công từ mô hình nuôi trùn quế của anh Thuận, bà con các xã và khu vực quanh thị trấn Nghĩa Đàn đã tích cực hưởng ứng, mở ra hướng đi bền vững trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án Cải tạo vườn tạp giai đoạn 2015 – 2020, tính đến hết tháng 6/2016, cũng đã thu được kết quả khả quan, nhiều cán bộ, hội viên tham gia trồng cây ăn quả, rau sạch. Hội viên đã thay thế dần cây kém hiệu quả, từng bước hình thành vườn hàng hóa, vườn dinh dưỡng; tham gia xây dựng nông thôn mới (trồng cây xanh bóng mát; lập vườn mẫu), làm đường giao thông nông thôn; nhất là tổ chức thành công Hội hoa Xuân 2016, tạo không khí phấn khởi trong cán bộ và nhân dân”.

Ông Khuông cho biết thêm, tính đến cuối tháng 6/2016, toàn huyện có 159 hội viên. Một số Hội xã thực hiện tốt việc thu hội phí và quỹ Hội như: Nghĩa An, Nghĩa Liên, Nghĩa Hội, Nghĩa Long, Nghĩa Hiếu... Nhờ những thành tích xuất sắc trên, HLV Nghĩa Đàn đã được Trung ương HLV Việt Nam tặng Bằng khen.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo HLV Nghĩa Đàn, vẫn còn một số tồn tại cần phải giải quyết, như: Lãnh đạo nhiều xã chưa tạo điều kiện cho HLV hoạt động, phát triển. Mặt khác, vẫn còn một số cán bộ, hội viên chưa mạnh dạn đầu tư làm kinh tế VAC, trong khi đất vườn Nghĩa Đàn màu mỡ, dễ canh tác. Công tác kết nạp hội viên mới chưa tích cực; việc thu hội phí, đóng góp quỹ Hội chưa thực hiện đồng đều giữa các xã. Một số xã tiến hành cải tạo vườn tạp còn chậm; công tác nhân rộng mô hình kinh tế VAC chưa đồng đều giữa các đơn vị.

Mong rằng, sớm được giải quyết để những hạn chế, vướng mắc trên, HLV Nghĩa Đàn tiếp tục là lá cờ đầu trong mọi phong trào phát triển kinh tế của địa phương, phát huy được vị thế, vai trò của mình trong việc trợ giúp hội viên làm giàu chính đáng.

Tác giả bài viết: Dương An Như

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP