Kinh tế

Giá xăng dầu vừa tăng, DN vận tải tính tăng cước

Việc liên bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh tăng giá đồng loạt tất cả các mặt hàng xăng dầu thêm từ 600 - 900 đồng/lít được nhận định sẽ tác động không nhỏ và cần nhiều phương án quản lý.

Xăng dầu đã tăng giá trong chiều 20-12 - Ảnh: HỮU THUẬN
Chiều 20-12, liên bộ Tài chính - Công thương phát đi thông báo cho biết giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày qua tăng từ 8-11% và đã điều hành tăng giá xăng dầu trong nước.

Tăng hai lần liên tiếp

Sau khi xả quỹ bình ổn, giá xăng RON 92 tăng 919 đồng/lít, lên mức 17.594 đồng/lít; xăng E5 tăng 800 đồng/lít, lên mức 17.322 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 761 đồng/lít, lên mức 13.433 đồng/lít. Các mặt hàng khác như dầu hỏa, dầu mazut cũng tăng từ 672 - 734 đồng/lít…

Là kỳ điều chỉnh xăng dầu cuối cùng của năm 2016, nhưng mức điều chỉnh ngày 20-12 là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm nay sau 23 lần điều chỉnh giá (với 13 lần tăng và 10 lần giảm giá).

Việc điều chỉnh tăng mạnh giá xăng dầu thời điểm này, theo các chuyên gia, sẽ có tác động nhất định đến giá cả hàng hóa cuối năm khi nhu cầu đang tăng.

Nhiều doanh nghiệp đã phải tính đến khả năng tăng giá. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Quang Ngọc, giám đốc Công ty vận tải Hoàng Hà (chạy các tuyến Bắc - Nam), cho biết chi phí cho mỗi chuyến hàng vận chuyển gồm cả chiều đi và chiều về mất khoảng 4,8 triệu đồng.

Như vậy nếu giá dầu tăng thêm khoảng 100 đồng/lít thì chi phí tăng thêm khoảng 10%.

“Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trước chúng tôi đã không tăng giá vận chuyển. Nên với kỳ này, giá điều chỉnh khá mạnh thì buộc doanh nghiệp vận tải sẽ tính khả năng tăng cước vận chuyển hàng hóa thêm khoảng 6-7%” - ông Ngọc nói và cho rằng thời điểm này cũng không thể tăng mạnh vì còn phải thu hút khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN, cho biết thông thường giá vận chuyển cuối năm tăng cao do nhu cầu đi lại tăng. Nay thêm hai kỳ điều chỉnh tăng liên tiếp giá xăng dầu nên chắc chắn doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cho phù hợp diễn biến thị trường. Bởi theo quy định, khi giá xăng dầu tăng thêm 5% thì doanh nghiệp được phép tăng giá.

Cần tăng kiểm soát giá

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng để đảm bảo mức tăng giá phù hợp, đúng quy định thì các doanh nghiệp sẽ thận trọng điều chỉnh giá.

Ông Thanh cho rằng nên có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, giám sát của người tiêu dùng. Bởi như thế sẽ hạn chế được hiện tượng tăng giá tràn lan, tăng đột biến và không phù hợp, tương ứng với chất lượng dịch vụ…

Một đại diện Tổng cục Thống kê cho biết việc tăng giá xăng dầu liên tiếp trong hai kỳ vừa qua sẽ tác động vào chu kỳ tính chỉ số giá trong tháng tới. Giá xăng dầu tăng sẽ có tác động đến chi phí đầu vào như vận chuyển, giao thông, giá hàng hóa các mặt hàng khác…

Do đó, với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, theo vị đại diện Tổng cục Thống kê, cần tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá hàng hóa Tết Đinh Dậu 2017, không để tăng giá đột biến.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc tăng giá xăng dầu là bất khả kháng, nhưng đề phòng phản ứng dây chuyền bởi giá xăng dầu là giá đầu vào của vận tải, vận chuyển hàng hóa, tránh hiện tượng té nước theo mưa.

“Khi có dấu hiệu tăng giá bất thường thì phải kiểm tra. Đồng thời yêu cầu các đơn vị khi tăng giá phải giải thích rõ ràng” - ông Long nói.

Tác giả bài viết: Ngọc An

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP