Kinh tế

Cần khai thông kinh tế hàng hoá để xóa đói giảm nghèo

Đối với các huyện miền núi cao, nhất là các huyện 30a, nhiệm vụ trọng tâm nhất mà các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải thực hiện trong mỗi nhiệm kỳ đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững. Nghị quyết, hay các chương trình, đề án được ban hành sau mỗi kỳ đại hội đều dành sự quan tâm đặc biệt cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Mặc dù vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương này vẫn còn rất cao, đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc, vùng miền núi, biên giới vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy nguyên nhân do đâu?

Khi cán bộ tận nơi “cầm tay chỉ việc”

Hơn 10 năm trước, khi được tăng cường làm Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn, ông Hoàng Xuân Lương cùng với BTV Huyện ủy đã có nhiều trăn trở khi ban hành NQ02 – một nghị quyết về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, không giống như nhiều NQ trước đó, NQ02 chủ trương mỗi cán bộ, đảng viên, mà đi đầu là cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của huyện phải nhận giúp đỡ một hộ nghèo, thoát nghèo. Đây thực sự là chủ trương mới, lạ và trở thành hiện tượng lúc bấy giờ.

images1291486 trong chanh leo
images1291487 trong chanh leo 1
Mô hình trồng chanh leo - một điển hình của chủ trương mỗi cán bộ, Đảng viên nhận giúp đỡ một hộ nghèo

Là một cán bộ biên phòng từng lăn lộn ở các vùng miền núi, bám nắm cơ sở, hiểu rõ đời sống của đồng bào dân tộc, vì thế, ông Lương chủ trương xóa đói giảm nghèo phải cụ thể, không chung chung, phải cầm tay chỉ việc, và trách nhiệm trước hết phải thuộc về những cán bộ, đảng viên nơi đây. Cũng từ NQ02, phát triển kinh tế hàng hóa mới được đồng bào dân tộc quan tâm, bắt đầu từ những mô hình sản xuất như trồng đậu thiều nuôi cánh kiến, trồng khoai sọ, bí xanh...
images1291484 trong che hoa vang
Chị Vi Thị Thu Hiền hướng dẫn cho bà con trồng chè hoa vàng

Và thực tế, quá trình triển khai chủ trương mỗi đảng viên giúp một hộ nghèo đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, của chính mỗi hộ nghèo được giúp đỡ. Ý tưởng, tinh thần này sau đó được khá nhiều Đảng bộ, chính quyền vận dụng linh hoạt, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương. Ông Lữ Đình Thi – Bí thư huyện ủy Quế Phong cũng khẳng định: Mỗi cán bộ, Đảng viên nhận thức được trách nhiệm của mình, đã xuống tận nơi “cầm tay chỉ việc” giúp người nghèo triển khai các mô hình kinh tế thoát nghèo hiệu quả.

Đúng như lời ông Thi nói, từ sự sâu sát của cán bộ đảng viên, mà nhiều mô hình sản xuất của đồng bào được xây dựng và nhân rộng, nhiều hộ dân nghèo đã biết cách làm ăn nhờ sự chỉ dẫn của cán bộ, đảng viên. Mô hình trồng chanh leo và nay là cây chè hoa vàng ở xã Tri Lễ - huyện Quế Phong là một điển hình.

Không heo hút như trước đây, Tri Lễ giờ đã trù phú hơn, nhất là sau khi đường giao thông được đầu tư đồng bộ. Doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm cho bà con về tận địa bàn. Triển vọng phát triển của Tri Lễ đã rõ qua hành động, quyết tâm của mỗi hộ dân. Vừa chỉ dẫn cho bà con cách thức trồng, chăm sóc cây chè hoa vàng, một mô hình mà chị Vi Thị Thu Hiền - cán bộ 30a của xã Tri Lễ tâm huyết. Chị Hiền tâm sự: Khi được phân công, chúng tôi đã thường xuyên đi thực tế, hướng dẫn bà con việc ứng dụng sản xuất một số giống cây mới.

Tự cung tự cấp “bám rễ” trong đồng bào.

Tư tưởng xóa đói giảm nghèo vẫn xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền. Phong trào cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể tham gia nhận giúp đỡ hộ nghèo vẫn phát triển rộng khắp ở các huyện miền núi cao. Nhưng kết quả đạt được lại không như mong đợi, đời sống của đồng bào có sự chuyển động khá chậm so với yêu cầu đặt ra. Chẳng hạn như Tri Lễ, dù hạ tầng đã được cải thiện, đã có nhiều mô hình hay, nhưng đến nay tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 88%.

images1291490 IMG 1912
Cái nghèo vẫn hiện rõ ở bản Huồi Luống - xã Tri Lễ - huyện Quế Phong

Hay như xã Phà Đánh huyện Kỳ Sơn cách trung tâm Mường Xén chỉ hơn 10km, không lầy lội, trơn trượt cheo leo như nhiều năm trước, đường sá đi lại đã thuận tiện hơn rất nhiều khi tuyến đường miền Tây hoàn thành, ô tô, xe máy vào tận các bản. Tư tưởng thoát nghèo đã được cán bộ, đảng viên khai mở từ hơn 10 năm trước, thế nhưng đến nay toàn xã vẫn còn 80% hộ nghèo.
images1291488 IMG 1894
Ông Vi Văn Thoong chia sẻ với PV NTV câu chuyện: Mặc dù được hướng dẫn sản xuất tận tình, bản thân chịu khó học hỏi làm ăn và hiện có nhiều trâu bò, lợn gà, nhưng, gia đình ông Thoong vẫn là hộ nghèo của xã

Được xem là tiêu biểu của xã, mô hình sản xuất tổng hợp của gia đình ông Vi Văn Thoong ở bản Kẹo Lực 2 mới chỉ bắt đầu cách đây 2 năm. Gọi là tổng hợp bởi mỗi loại cây, con được ông bà phân bổ nuôi, trồng mỗi nơi một ít. Cùng với 15 con bò, 10 con dê, 200 con gà, 6 ao cá, 85 gốc xoài, gia đình ông còn nuôi thêm lợn, tằm và trồng mía...

Dù được Trạm khuyến nông huyện hướng dẫn chi tiết, bản thân ông Thoong chịu khó học hỏi làm ăn và hiện đang sở hữu chừng đó tài sản, thế nhưng, gia đình ông Thoong vẫn là hộ nghèo của xã.

Khi được hỏi về cách thức tiêu thụ sản phẩm hàng hóa do gia đình sản xuất được, ông Thoong tần ngần một lúc và cho hay: tất cả bò, lợn, gà hay cá nuôi được đều chỉ bán lẻ tại nương, rẫy. Ai mua gì thì bán thức đó.

images1291489 IMG 1882
Bởi số hộ nghèo còn cao, nên hàng cứu trợ vẫn thường xuyên được gửi tới bà con xã Phà Đánh - Kỳ Sơn

Ngẫm lại thấy đúng, bà con ở đây chưa có khái niệm đi chợ bán sản phẩm do mình làm ra, ngoại trừ sắm sửa quần áo, đồ dùng trong nhà. Phương thức sản xuất tự cung, tự cấp vẫn bám rễ trong đồng bào, dù sản phẩm làm ra đã nhiều hơn, lưu thông đã tiến bộ hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Đông - Bí thư Đảng ủy xã Phà Đánh cho biết: Người dân ở đây chưa có thói quen lưu chuyển hàng hóa. Bò, dê có sản sinh, vỗ béo từng đàn, nhưng nếu không ai đến hỏi mua thì người ta vẫn cứ thả nuôi trên nương, rẫy mai như thế. Điều đó cũng có nghĩa, khái niệm kinh tế hàng hóa vẫn đang còn xa vời đối với người dân nơi đây. Và điều đó cũng lý giải vì sao sản xuất của bà con không có nhiều chuyển biến, đời sống của bà con vẫn không được cải thiện là bao sau nhiều năm nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, các cấp, các ngành.

Cần khai thông kinh tế hàng hoá để XĐGN.

Có một thực tế đáng phải suy ngẫm hơn đó là tỷ lệ hộ nghèo của các xã, huyện 30a vẫn còn rất cao và mỗi năm, những hộ gia đình như ông Thoong vẫn tiếp nhận đều đặn các đợt cấp gạo cứu đói, cho dù gạo nhận về lại chỉ để cho gà ăn, với một lý do đơn giản: Gia đình chỉ ăn nếp do mình tự trồng được.

Điều kiện cơ sở hạ tầng (điện, đường) đã được đầu tư, cải thiện đáng kể, thay vì đi bộ, nhiều hộ dân đã có xe máy làm phương tiện di chuyển, nhà nào cũng có chăn nuôi, nhiều nhà có hẳn cả đàn bò 10-20 con nhưng vẫn là hộ nghèo.

Không ít lần, vấn đề tiêu thụ nông sản cho bà con vùng đồng bào dân tộc miền núi đã được đề cập tới, thế nhưng dường như, mấu chốt không còn nằm ở đường sá đi lại khó khăn, địa hình cắch trở, xa trung tâm, hay tư tưởng trông chờ ỷ lại của bà con, mà chính là thiếu một chiến lược về lưu chuyển hàng hóa phù hợp ở vùng miền núi. Vấn đề quy hoạch các chợ, trung tâm trao đổi hàng hóa, liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, hình thành ý thức, kiến thức kinh tế hàng hóa cho bà con vẫn chưa được chú trọng, thậm chí là chưa có, đặc biệt kinh tế hàng hóa vẫn đang dẫm chân tại chỗ. Cách thức, tư duy phát triển kinh tế, xóa đói nghèo của bà con chưa có sự đột phá, vì thế, dù chăm chỉ làm ăn, dù có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, dù ngày ngày, nhiều cán bộ, đảng viên, nhiều tổ chức đoàn thể vẫn bám nắm nương rẫy, cầm tay chỉ việc cho bà con, dù xây dựng được nhiều mô hình, nhưng đời sống của bà con vẫn không có nhiều thay đổi. Và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi vẫn không giảm là bao so với yêu cầu phát triển chung.

Tác giả bài viết: Thanh Huyền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP