Kinh tế

"Các doanh nghiệp đều nói xin cán bộ đừng nhũng nhiễu nữa”

“Chúng tôi làm việc nhiều với doanh nghiệp, khi hỏi họ mong mỏi được hỗ trợ gì từ nhà nước thì họ đều nói xin cán bộ đừng nhũng nhiễu nữa”- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh nói tại buổi công bố kết quả nghiên cứu, khảo sát “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công: Quy định và thực tiễn ở Việt Nam” sáng 9/11.

20161109 114725 1478667959798
Các hình thức và nội dung "tặng quà" của doanh nghiệp cho cán bộ công chức được nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ chỉ ra (Ảnh: Thế Kha chụp lại)

Sáng 9/11, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Thanh tra Chính phủ công bố nghiên cứu, khảo sát “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công: Quy định và thực tiễn ở Việt Nam”.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát thông tin từ 2.647 người, trong đó có 570 người dân, 596 doanh nghiệp, 1.411 cán bộ công chức và dữ liệu thu thập ở 10 tỉnh thành, 5 bộ ngành.

Kết quả cho thấy, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đưa ra một khái niệm chính thức về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích một cách có hệ thống trong khu vực công.

4 hình thức xung đột lợi ích phổ biến nhất bao gồm: Tặng/nhận quà bằng tiền hoặc không bằng tiền; đầu tư chia sẻ lợi ích; sử dụng lợi thế thông tin để vụ lợi; ra quyết định hoặc tác động có lợi cho người thân.

“Gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ công chức biết rõ việc tặng, nhận quà cho rằng mục đích tặng quà chủ yếu là giúp giải quyết công việc. Cán bộ công chức và doanh nghiệp đều cảm nhận chung là tặng quà đã trở thành “trào lưu”, “thông lệ”, thậm chí “luật chơi”. Nhiều doanh nghiệp tặng quà để không bị “phân biệt đối xử”, trong khi cán bộ công chức tặng quà cho cấp trên để thể hiện sự biết điều”- kết quả nghiên cứu chỉ ra.

Đáng chú ý, có từ 25-40% cán bộ công chức được hỏi nhận định cơ quan họ không thực hiện các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định.

“Có cán bộ công chức còn khẳng định tại cơ quan mình chỉ tuyển 10 người nhưng đã có tới 100 người là con em trong ngành, từ cấp vụ trở lên gửi gắm”- đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.


“Xung đột lợi ích ở đại biểu Quốc hội là rất lớn”

Từ kinh nghiệm công tác, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao kết quả nghiên cứu và cho rằng nó rất quan trọng đối với xã hội Việt Nam hiện nay.

“Trong 10 năm qua tôi đã cố gắng đưa khái niệm xung đột lợi ích vào nhưng phải nói thật là tôi thất bại và nó đã không trở thành nhận thức xã hội. Với báo cáo này, tôi cho rằng nó có thể trở thành nhận thức xã hội, điều chỉnh các hoạt động lập pháp của chúng ta. Vấn đề ở đây là chúng ta đưa báo cáo vào trong xã hội như thế nào ?. Đưa như thế nào để chúng ta có thể thể hiện trong lập pháp?”- ông Dũng nói.

2 101958 1478667959948
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Thế Kha)

Ông Dũng dẫn chứng, 400 năm trước từ thời nhà Lê cha ông ta đã có Luật Hồi tỵ, không chấp nhận chuyện anh em, bà con chung một nơi, không chấp nhận một ông quan ở một tỉnh được kinh doanh mua đất ở đó.

“Tức là các quy định chống xung đột lợi ích đã có từ rất lâu rồi. Tại sao nó lại chết yểu trong hệ thống của chúng ta? Phải chăng trong một thời gian dài chúng ta xây dựng mô hình kinh tế tập trung, không công nhận sở hữu kinh tế tư nhân, vì thế khái niệm đó bị xóa nhòa mất dần đi? Bây giờ chúng ta muốn làm rõ khái niệm này thì trong khuôn khổ pháp luật và tư duy phải làm rõ đâu là công, đâu là tư. Cha ông ta trước đây đã tư duy phép công là một cái gì đó thuộc về phạm trù đạo đức, coi lợi ích công là trên hết, đó là đạo đức công vụ. Bây giờ muốn một ông quan liêm chính thì trước hết phải coi phép công là trên đầu”- ông Dũng phân tích.

“Điều tôi muốn nói thêm ở đây là câu chuyện của Quốc hội. Quốc hội đã bị bỏ ra ngoài hiện tượng này nhưng mà xung đột lợi ích ở đại biểu Quốc hội là rất lớn và tầm rất cao. Chúng ta không thể nói đến kiểm soát xung đột lợi ích mà lại bỏ qua một thiết chế hàng đầu của nước ta, đó là Quốc hội. Nên đưa xung đột lợi ích vào trong việc lập pháp và các đại biểu coi đó là nguyên tắc của đạo đức”-ông Dũng thẳng thắn.

Tránh xung đột lợi ích là một đòi hỏi về công vụ. Một người làm việc ở một thiết chế công thì phải có quy chế đạo đức công vụ. Một đại biểu Quốc hội làm doanh nghiệp thì khi thảo luận về một vấn đề có lợi cho doanh nghiệp cần từ chối tham gia.

“Quy chế đạo đức nghị viện phải là phần cấu thành trong đòi hỏi về đạo đức của Quốc hội chúng ta. Nếu chúng ta có quy chế đó thì không xảy ra chuyện là ngày hôm sau bỏ phiếu tín nhiệm các Bộ trưởng mời đại biểu đi ăn cơm. Chúng tôi đề nghị nên đề cập chuyện xung đột lợi ích ở Quốc hội, nên đề nghị bổ sung vào”- ông Dũng kiến nghị.

“Xin cán bộ đừng nhũng nhiễu nữa”

Bình luận kết quả nghiên cứu trên, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - dẫn chứng chuyện cán bộ công chức ở Singapore nhận quà trị giá trên 50 USD phải nộp lại nhà nước, nếu muốn giữ món quà đó làm kỷ niệm thì phải bỏ tiền túi ra mua lại; ở Mỹ con số này là 375 USD.

“Chuyện đó ở Việt Nam chúng ta ít khi nghe thấy. Mới đây báo chí phản ánh có vị lãnh đạo chưa về hưu nhưng đã trả nhà, trả xe ô tô rồi nhưng cũng có người không chịu trả nhà. Ở các nước Đông Nam Á còn cấm cả người thân trong gia đình nhận quà, nhưng tôi biết ở Việt Nam có chuyện công ty sắp cổ phần hóa bị người nhà lãnh đạo gọi điện ghi mua cổ phần nhưng không đóng tiền, nếu doanh nghiệp không làm theo thì việc cổ phần hóa có thể bị đổ bể hoặc dừng lại. Việc này còn nghiêm trọng hơn cả việc nhận quà”- bà Hạnh nói.

3 100437 1478667959886
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (Ảnh: T.K)

Hay như chuyện xảy ra cách đây chưa lâu tại trạm thu phí cầu Bến Thủy (giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) khi lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm trái ngược nhau về vị trí đặt trạm và mức phí đang gây bức xúc dư luận. Về sau báo chí mới phát hiện ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trước đây là Tổng giám đốc của Cienco 4 doanh nghiệp sở hữu trạm thu phí cầu Bến Thủy. "Rồi đến chuyện Luật Phòng chống tham nhũng quy định không bổ nhiệm người thân vào vị trí lãnh đạo đơn vị mình quản lý nhưng thực tế hiện nay báo chí đang tốn rất nhiều giấy mực viết về một ông cựu Bộ trưởng - đang phải kiểm điểm, kỷ luật. Những chuyện như vậy hiện giờ không còn hiếm gặp nữa"- bà Hạnh nói.

“Chúng tôi làm việc nhiều với các doanh nghiệp, khi hỏi họ mong mỏi được hỗ trợ gì từ nhà nước thì họ đều nói xin cán bộ đừng nhũng nhiễu nữa. Chính vì thế nên bắt đầu từ những chuyện gần gũi nhất như nghiên cứu mới đây của Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi chỉ ra rằng, doanh nghiệp lúc nào cũng đứng trước nguy cơ bị xử phạt nên phải tìm mọi cách để “lách”. Tôi cho rằng cần phải bãi bỏ những quy định bất hợp lý như vậy trước tiên”- bà Vũ Kim Hạnh bày tỏ quan điểm.

Tác giả bài viết: Thế Kha

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP