Giáo dục

Xây dựng văn hóa học đường: Cần sự chung tay

Tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật đang là vấn đề báo động đối với văn hóa, an ninh trường học. Để xảy ra tình trạng như vậy, không thể đổ lỗi tất cả cho nhà trường, mà đó còn là trách nhiệm của gia đình, xã hội và chính bản thân các em học sinh.

a1 tr7 UJYL

Khi bạo lực làm hỏng văn hóa học đường

Chiều 10/12, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh nữ sinh đánh nhau tại thị trấn Đô Lương (Nghệ An). Trong clip, một nữ sinh liên tiếp đánh bạn, xung quanh có rất nhiều nữ sinh khác chứng kiến nhưng không ai ngăn cản.

Chỉ ít giờ được đăng tải, đoạn clip đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, đa số bày tỏ sự bất bình trước hành vi đánh bạn của nữ sinh trong clip.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, theo đó nữ sinh bị đánh là em L.K.O, hiện là học sinh lớp 10G, Trung tâm GDTX huyện Đô Lương.

Còn nữ sinh đánh bạn là em N.T.H (từng là học sinh lớp 12B). H vừa có đơn xin nghỉ học cách đây 2 tuần theo nguyện vọng gia đình. Được biết, cả hai em đều có hoàn cảnh gia đình éo le.



Em L.K.O bố mất sớm, mẹ tái hôn và chuyển vào Quảng Ngãi sinh sống, em ở nhà với ông bà. Còn em H bố mắc bệnh tâm thần và tự vẫn năm ngoái, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn.

Thầy Nguyễn Hữu Thắng - Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Đô Lương - cho biết: “Trung tâm đã nhận được thông tin, đang tiến hành làm rõ sự việc và sẽ có biện pháp xử lý phù hợp đối với những học sinh liên quan”.

Những vụ bạo lực học đường, thậm chí là HS vi phạm pháp luật bị truy tố, diễn ra ở riêng địa bàn Nghệ An thời gian qua không phải là hiếm hoi.

Những sự việc này lại một lần nữa báo động về tình trạng bạo lực ở lứa tuổi học sinh. Mặc dù các em phải chịu mức xử phạt và kỷ luật tương ứng với mức độ vi phạm của mình, tuy nhiên, để ngăn chặn, phòng chống bạo lực học đường cần có nhiều biện pháp với sự vào cuộc của cả nhà trường và xã hội.

Cần sự phối hợp chung

Khối 9 (phường Bến Thủy, TP Vinh) là một địa bàn khá đặc biệt vì có gần 1.200 HS, SV ở trọ học tập. Bên cạnh các khu nhà cho thuê trọ, các hiệu cầm đồ, điện thoại di động, cho thuê xe máy, Internet… cũng mọc lên như nấm.

TTrung tá Phạm Vũ Cường - Phó Trưởng Công an thành phố Vinh - cho biết: HS, SV hiện nay dễ bị lôi kéo, phổ biến nhất là tình trạng vay nóng, cầm đồ, chơi lô đề, ma túy…

Thống kê của Công an thành phố Vinh trong năm 2016, kiểm tra các tiệm cầm đồ trên địa bàn thành phố, phát hiện trên 500 thẻ sinh viên bị đem cắm để lấy tiền với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, Công an thành phố Vinh đã thụ lý 36 vụ vi phạm pháp luật của HS, SV với 49 trường hợp.

Thời gian qua, các trường học trên địa bàn Nghệ An cũng đã tích cực đưa giáo dục tuyên truyền pháp luật, giáo dục kỹ năng sống đến học sinh.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, xây dựng trường học tích cực, học sinh thân thiện và xây dựng văn hóa học đường. Mới đây, Hội thảo phòng chống bạo lực học đường do Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục phối hợp với Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức, các đại biểu cùng nhìn nhận:

Thực tế chúng ta đang đối mặt là tình trạng bạo lực ở lứa tuổi HS, SV. Bởi bạo lực không chỉ ở trong phạm vi nhà trường mà xảy ra nhiều hơn ở ngoài nhà trường. Và phải chăng, giáo dục đang là nạn nhân của nạn bạo lực xã hội xâm nhập vào học đường?

Chính vì vậy, bên cạnh trách nhiệm rất lớn thuộc về ngành Giáo dục, còn cần đến sự vào cuộc, phối hợp của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, gia đình.

Đặc biệt, bản thân chính các em HS, SV cũng có trách nhiệm với bản thân mình, có bản lĩnh, nhận thức đúng đắn để không sa vào tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.

Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - cho biết: “Việc đưa ra hình thức xử lý có tính giáo dục, đủ sức răn đe để ngăn chặn tái phạm là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là giáo dục các em thành người, giúp các em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình. Đuổi học các em thì dễ, nhưng đó không phải là giải pháp tốt”.
Tác giả bài viết: Hồ Lài
Nguồn tin:
Báo Giáo dục và Thời đại

Tác giả bài viết: Hồ Lài

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP