Giáo dục

“Tới thời điểm này tôi vẫn chưa quyết định có bỏ điểm sàn hay không?"

Bỏ điểm sàn sẽ ảnh hưởng thế nào đến chất lượng giáo dục Đại học và Bộ GD&ĐT sẽ phải quản lý chuyện tuyển sinh thế nào khi bỏ điểm sàn?

Đó là những vấn đề vừa được các chuyên gia trong ngành giáo dục đặt ra tại hội nghị: “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Đại học” do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua.

Bộ trưởng chưa quyết định có bỏ điểm sàn hay không?

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc bỏ điểm sàn - bỏ ngưỡng tối thiểu để vào các trường Đại học là cần thiết nhưng phải có lộ trình.

“Tới thời điểm này tôi vẫn chưa quyết định có bỏ điểm sàn hay không? Tôi sẽ lắng nghe ý kiến một cách toàn diện nhưng không để rơi vào tình trạng ‘đẽo cày giữa đường’.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nha khẳng định việc bỏ điểm sàn sẽ không để xảy ra tình trạng "đẽo cày giữa đường". Ảnh: An Nguyên

Tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và khi nào tôi tin quyết định bỏ điểm ngưỡng tối thiểu này là đúng thì sẽ ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định này” Bộ trưởng khẳng định.

Nhiều ý kiến tại hội nghị đã bày tỏ lo ngại, việc bỏ điểm sàn sẽ dẫn đến tình trạng các trường đua nhau vơ vét tuyển sinh mà không tính toán đến chất lượng đào tạo, khả năng đào tạo. Lúc đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ ngày càng gia tăng.

Một chuyên gia cho biết, việc bỏ điểm sàn cần phải có sự minh bạch trong thông tin từ các trường Đại học.

“Các trường Đại học phải có sự minh bạch về thông tin, minh bạch về khả năng đào tạo thì lúc đó người học mới có cái nhìn chính xác để lựa chọn” vị này nói.

Trong vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, về lâu dài thì không thể có điểm sàn. “Hiện nay, cả nước có gần 300 trường Đại học, Bộ không thể rà soát hết được khả năng thực sự của từng trường. Các trường phải nâng cao ý thức và cái tâm của người làm giáo dục cũng như trách nhiệm đối với xã hội” ông nói.

Việc bỏ điểm sàn phải có lộ trình và khi nào các trường minh bạch thông tin, minh bạch phương thức tuyển sinh thì lúc đó mới có thể bỏ điểm sàn được.

“Trách nhiệm của các trường là minh bạch, trách nhiệm của Bộ là công khai những thông tin minh bạch đó và việc học là do họ (người học) quyết định” Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Bỏ điểm sàn nhưng không phải thích tuyển sinh bao nhiêu thì tuyển”

Liên quan đến vấn đề bỏ điểm sàn, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc bỏ điểm sàn không có nghĩa là các trường thích lấy bao nhiêu thì lấy mà phải có chỉ tiêu rõ ràng.

Nhiều chuyên gia đầu nghành về giáo dục đã tham gia góp ý giải pháp đào tạo đại học. Ảnh: An Nguyên

Dựa trên cơ sở minh bạch thông tin, minh bạch về năng lực, khả năng đào tạo để được chấp thuận tuyển sinh bao nhiêu. Từ đó, các trường tự chọn và tự quyết định chất lượng sinh viên của trường mình.

“Hiệp hội rất tán thành việc bỏ điểm sàn và khẳng định việc bỏ điểm sàn hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng, không ảnh hưởng đến việc các trường tốp dưới không thể tuyển sinh được.

Bởi vì, khi bỏ điểm sàn không phải để các trường tự do tuyển sinh mà Bộ sẽ giao chỉ tiêu cụ thể cho các trường Đại học, Cao đẳng. Và chỉ tiêu đó bắt buộc phải nhỏ hơn số lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông” ông Nhĩ phân tích.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo của trường mình, bản thân các trường tốp trên, các trường có tiềm năng thế nào cũng đặt ra chuẩn riêng cho mình và sẽ lấy vào những người học tốt. Còn các trường đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương lúc này vẫn có nguồn để đào tạo.

“Việc bỏ điểm sàn là phù hợp với công cuộc giáo dục và phù hợp với xu thế toàn thế giới” ông Nhĩ nhấn mạnh.

Trao đổi bên lề hội nghị, Hiệu trưởng một Trường Đại học tại TP.HCM cho rằng, thời gian tới các trường sẽ phải cạnh tranh nhau để phát triển. Và thước đo của sự cạnh tranh đó là đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Chỉ có đào tạo nên những nhân lực giỏi, có việc làm ngay khi ra trường thì mới tạo nên uy tín nhà trường. Khi uy tín đó được nâng cao thì ắt hẳn sẽ thu hút những học sinh giỏi chọn vào học, đầu vào cao thì lại sản sinh ra chất lượng nhân lực cao”.

Từ đó, vị hiệu trưởng này cho rằng, việc bỏ điểm sàn không có gì là đáng lo ngại. Vấn đề là công khai thông tin đầu vào, đầu ra, sinh viên ra trường có việc làm phải minh bạch, chính xác và thực sự có tâm hay không mà thôi?

Bên cạnh việc minh bạch thông tin, nhiều ý kiến còn cho rằng, trách nhiệm của các trường là phải có những thông tin dự báo về các ngành nghề (nghành nào đang hót, cơ hội việc làm ra sao?) để đảm bảo tính khách quan khi tuyển sinh. Tạo điều kiện cho học sinh có cái nhìn đa chiều khi lựa chọn ngành nghề.

Tác giả bài viết: An Nguyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP